Tổng thống Đắc cử Hoa Kỳ Donald Trump cho hay một trong những điều ông sẽ làm ngay ngày đầu tiên là bỏ bản Hiệp Định Thương Mại Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương, mà chính phủ đương nhiệm Obama đã ký kết với 11 nước khác.
Trong đoạn video được công bố gửi nhân dân Mỹ để trình bày về những điều sẽ làm trong 100 ngày sau khi nhậm chức, nhà lãnh đạo tương lai của Hoa Kỳ gọi Hiệp Định Thương Mại Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương, tức TPP, là “thảm họa tiềm ẩn đối với nước Mỹ”, nhắc lại chính sách của ông sẽ được thực hiện dựa theo điều ông từng cam kết với cử tri là mọi ưu tiên “đều được dành cho nước Mỹ”.
Cũng trong phát biểu qua video, Tổng thống Đắc cử Donald Trump nhắc lại chính phủ do ông lãnh đạo sẽ thảo luận, ký kết những bản hiệp định thương mại dựa trên các tiêu chuẩn công bằng, đem lại việc làm cho người dân, và các công ty Hoa Kỳ sẽ dựng nhà máy ngay tại Mỹ, thay vì bỏ vốn dựng nhà máy ở những nước khác.
Ông Trump sẽ tuyên thệ nhậm chức vào ngày 20 tháng Giêng năm tới.
Không ai ngạc nhiên khi nghe Tổng thống Đắc cử Trump thông báo sẽ bỏ TPP, vì đây là điều ông từng nói đến lúc còn vận động tranh cử, cho rằng TPP sẽ khiến hàng triệu công nhân Mỹ bị mất việc.
Dù vậy, tuyên bố của ông Trump tức khắc là đề tài được các nhà phân tích đưa ra thảo luận, và qua những bản tin chúng tôi có được, hầu hết đều cho rằng khi rút khỏi TPP, Hoa Kỳ đã trao một món quà quá lớn cho Trung Quốc, giúp Bắc Kinh một cơ hội thật tốt để bành trướng sức mạnh chính trị và kinh tế trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.
Các nhà phân tích cũng đặc biệt chú ý tới sự kiện ông Trump thông báo rút khỏi TPP chỉ một ngày sau khi Thượng Đỉnh Diễn Đàn Hợp Tác Kinh Tế Châu Á-Thái Bình Dương APEC kết thúc tại Lima, Peru.
Bên lề thượng đỉnh, lãnh đạo 12 nước tham gia TPP đã gặp nhau, vẫn hy vọng bản hiệp ước sẽ được Tổng thống Đắc cử của Mỹ ủng hộ.
Lên tiếng tại Argentina khi đang viếng thăm chính thức quốc gia này, Thủ Tướng Nhật Bản Shinzo Abe nói rằng Hiệp Định Thương Mại Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương TPP sẽ trở thành vô nghĩa nếu không có Hoa Kỳ tham gia.
Tại New Zealand, Thủ Tướng John Key vẫn bày tỏ hy vọng, nói rằng Hoa Kỳ là một cường quốc chứ không phải là một hòn dảo, vì thế, chính phủ Mỹ phải trao đổi mậu dịch với thế giới, và ông hy vọng Washington sẽ duyệt xét lại vấn đề.
Theo quy định được ghi trong TPP, bản hiệp định chỉ bắt đầu được thi hành với điều kiện phải được quốc hội của 6 trong số 12 nước tham gia chuẩn thuận, và tổng số GDP của những nước đó phải chiếm ít nhất 85% tổng số GDP của cả khối.
Hiện giờ một mình Hoa Kỳ đã chiếm 60% tổng số GDP của 12 nước tham gia, do đó về mặt nguyên tắc, bản hiệp định đương nhiên không có giá trị, kể cả trường hợp 11 nước khác vẫn thông qua.