Cục Hàng không Việt Nam ban hành chỉ thị chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả năm 2022. Chỉ thị được đưa ra sau khi có vụ tai tiếng mới là chín tiếp viên hàng không Việt Nam bị giữ tại Úc do tình nghi mang lậu số tiền lớn vào nước này.
Chỉ thị của Cục Hàng Không Việt Nam được truyền thông Nhà nước nhất loạt loan đi ngày 22/6 với yêu cầu các hãng hàng không trong nước nghiêm túc chủ động bố trí các biện pháp phòng ngừa để hạn chế tối đa hành vi vi phạm về vận chuyển hàng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong hoạt động của tổ bay.
Cục hàng không Việt Nam còn yêu cầu các hãng phải tạm đình chỉ những người vi phạm; không sử dụng vị trí nhân viên hàng không ở bất kỳ doanh nghiệp nào hoạt động trong lĩnh vực hàng không dân dụng đối với các trường hợp lợi dụng vị trí làm việc để buôn lậu, vận chuyển trái phép người, tài sản, hàng hóa…
Vào ngày 18/6 vừa qua, Hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) ra thông báo xác nhận việc chín tiếp viên của hãng này bị giới chức Australia thẩm vấn nhưng đã được thả ngay sau đó và không có bất cứ cáo buộc nào.
Trước đó, hãng tin 7 News của Úc có phóng sự video về việc chín thành viên hãng hàng không bị bắt quả tang mang lậu số tiền lớn vào Úc. Giới chức Úc nghi ngờ đây là tiền buôn bán ma túy được chuyển đến các băng nhóm buôn bán ma túy ở nước ngoài.
Hình ảnh được đưa trên video cho thấy các hộ chiếu là tang vật vụ án có quốc huy Việt Nam.
Các thông tin sau đó được báo chí Úc đưa ra cho thấy có hai hãng không có thể liên quan đến vụ việc này là Vietnam Airlines và Bamboo Airs của Việt Nam nhưng Bamboo Airs đã lên tiếng bác bỏ tin nhân viên hãng có liên quan đến các hoạt động phạm pháp.
Tai tiếng tiếp viên hàng không Việt Nam buôn lậu từng bị nêu ra như vụ hồi tháng ba năm 2014 khi Cảnh sát Nhật bắt giữ một nữ tiếp viên Vietnam Airlines với nghi vấn buôn lậu đồ ăn cắp và văn phòng của hãng này tại Tokyo phải bị khám xét.