Những kiến nghị của Ban Quản lý Dự án Đường sắt Cát Linh - Hà Đông, sau quá trình thực hiện kết luận của Kiểm toán Nhà nước, bị Bộ Giao thông - Vận tải (GT-VT) Việt Nam cho là chung chung, chưa đủ cơ sở để xem xét, giải quyết nên yêu cầu phải có báo cáo chi tiết.
Truyền thông Nhà nước Việt Nam loan tin ngày 26/9, dẫn kết luận của Thứ trưởng Bộ GT-VT Nguyễn Danh Huy như vừa nêu.
Cụ thể, theo kết luận của Kiểm toán Nhà nước, việc điều chỉnh tổng mức đầu tư của dự án khi chưa báo cáo Thủ tướng Chính phủ để xem xét và xin chỉ đạo chủ trương của Quốc hội là thực hiện chưa đúng theo quy định.
Theo kết luận của Kiểm toán Nhà nước, chủ đầu tư dự án Đường sắt Cát Linh - Hà Đông cần thương thảo khi thanh quyết toán với tổng thầu EPC Trung quốc để thu về các khoản tiền cần giảm trừ và thu hồi trên 874 tỷ đồng (tương đương khoảng 38 triệu đô la Mỹ).
Kiểm toán Nhà nước Việt Nam còn yêu cầu chủ đầu tư chấn chỉnh công tác; đặc biệt trong việc quản lý tài chính, kế toán; xem xét xử lý trách nhiệm tập thể và cá nhân sai phạm.
Đơn giá nhân công trong tính chi phí cũng là một nội dung được Kiểm toán yêu cầu điều chỉnh.
Đối với những kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước, Ban Quản lý Dự án Đường sắt Cát Linh - Hà Đông kiến nghị Bộ GT-VT điều chỉnh thời gian hoàn thành dự án tới tháng 11/2023, (đó là thời điểm hết bảo hành sau hai năm đưa vào sử dụng). Nội dung này đã được Bộ GT-VT báo cáo Thủ tướng, sau đó, thực hiện yêu cầu của Chính phủ, Bộ GT-VT đã có văn bản lấy thêm ý kiến Bộ Xây dựng, KH&ĐT, Tài chính và UBND TP. Hà Nội. Bộ GT-VT yêu cầu Ban Quản lý Dự án Đường sắt tiếp tục giải trình với các bộ và địa phương liên quan.
Vào ngày 22/9 tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thứ trưởng Bộ GT-VT Nguyễn Danh Huy cho biết, bộ này đang gặp những vướng mắc, đặc biệt với gói thầu EPC, vì có liên quan đến các luật khác. Đáng lưu ý, phần tăng nhà thầu EPC không được tính, nhưng phần giảm thì bắt buộc phải giảm. Với những vướng mắc này, Bộ có 3 đơn kiện đang giải quyết ở trọng tài quốc tế.
Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông dài 13 km, có tổng mức đầu tư ban đầu vào năm 2008 là 8.769 tỷ đồng (tương đương 552,8 triệu USD). Đến năm 2017, tổng vốn đầu tư tăng lên 18.000 tỷ đồng (khoảng 868 triệu USD).
Tuyến đường sắt này có 12 nhà ga trên cao. Đoàn tàu chạy với vận tốc thiết kế tối đa 80 km/giờ, vận tốc bình quân khai thác 35 km/giờ, khai thác với tần suất vận chuyển khoảng 2 phút/chuyến.
Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông được khởi công vào tháng 10/2011 do Bộ Giao thông Vận tải làm chủ đầu tư, tổng thầu Trung Quốc là EPC thực hiện có tổng mức đầu tư sau điều chỉnh là 868 triệu USD (khoảng hơn 20.000 tỷ đồng).
Tuyến đường sắt này đã gây khá nhiều tranh cãi trong dư luận do bị đội vốn lên quá cao (hơn 300 triệu đô la) và đã bị trì hoãn đưa vào sử dụng hơn 10 lần.