Một trong hai người dân trong vụ án Đồng Tâm vừa ra tù cuối tuần qua tố cáo bị các điều tra viên dùng nhục hình, bắt phải nhận tội thời điểm hơn bốn năm trước.
Hôm 09/5/2024, hai ông Bùi Văn Tiến và Lê Đình Quân được trả tự do trước thời hạn tám tháng so với bản án tù năm (05) năm về tội danh “chống người thi hành công vụ” theo Điều 330 của Bộ luật Hình sự.
Cả hai nằm trong số 29 người dân bị bắt vào rạng sáng ngày 09/1/2020 khi Công an thành phố Hà Nội điều động gần 3.000 cảnh sát cơ động tấn công vào làng Hoành, xã Đồng Tâm và bắn chết cụ Lê Đình Kình tại phòng ngủ.
Trong phiên toà ngày 14/09/2020, có 19 người được chuyển tội danh từ "giết người" sang "chống người thi hành công vụ," 10 người trong số này bị tuyên án tù treo, 9 người bị án tù giam và hiện chỉ còn bà Bùi Thị Nối, con nuôi của cụ Kình - là vẫn còn thụ án tù sáu năm với tội danh này.
Ông Lê Đình Quân, 48 tuổi, đi làm ăn ở các tỉnh xa và về nhà để nghỉ Tết được hai ngày thì vụ việc ở Đồng Tâm xảy ra.
Thời điểm các lực lượng công an tấn công vào làng Hoành, ông Quân ra khỏi nhà đánh kẻng báo động, rồi chạy đến nhà cụ Kình nhưng bị bắt ở giữa đường, sau đó công an đưa ông về Trại tạm giam số 2 của Công an thành phố Hà Nội.
Ông Quân cho biết tại trại tạm giam, ông bị ép phải nhận là thành viên của tổ Đồng Thuận- một nhóm người Đồng Tâm có nhiệm vụ giữ đất và thương thuyết với chính quyền về mảnh đất Đồng Sênh.
Điều tra viên cũng ép buộc ông phải khai rằng, ông Kình nhận tiền của người ở nước ngoài và chia chác cho người khác, trong đó có ông.
Vì không chịu nhận những lời khai theo kịch bản của công an nên ông bị đánh đập bởi điều tra viên trong lúc hỏi cung. Trong cuộc nói chuyện qua điện thoại với phóng viên Đài Á Châu Tự Do (RFA) ngày 13/5, ông tố cáo:
"Nó (đi ề u tra viên) đánh ác l ắ m. Tôi b ị gãy h ế t răng c ử a. Nó đánh b ằ ng chân tay và dùi cui. Nó bi ế t đánh nên không để l ạ i thương tích, mình ng ấ m đòn thôi. Trong người tôi gi ờ v ẫ n c ứ đ au đớn, có kho ẻ gì đâu."
Ông nói không biết tên của các điều tra viên đã đánh mình, nhưng khẳng định hầu hết những người trong cùng vụ án đều bị đánh đập ép cung, do khi họ bị trích xuất đi lấy lời khai và trở lại buồng giam thì cơ thể đều có vết bầm tím - dấu hiệu của tra tấn.
Trong phiên toà sơ thẩm, ông có tố cáo về việc công an dùng nhục hình nhưng chủ toạ phiên toà phớt lờ.
Ông cho biết cả ông và luật sư đều ra sức phản đối cáo trạng, và đến ngày thứ năm thì ông được chuyển cáo buộc từ “giết người” sang “chống người thi hành công vụ” một cách rất bất ngờ.
Phóng viên gọi vào hai số điện thoại của Công an thành phố Hà Nội và Cơ quan An ninh Điều tra của đơn vị này để đề nghị bình luận về cáo buộc tra tấn ép cung của ông Quân nhưng không ai nghe máy.
Gần đây, trong cuộc trả lời phỏng vấn của RFA, ông Đặng Đình Mạnh, một trong số các luật sư tham gia bào chữa trong vụ án Đồng Tâm, cũng cho biết rất nhiều người trong vụ này tố cáo bị tra tấn và ép cung trong thời gian bị tạm giam nhưng quan toà không quan tâm đến lời tố cáo của họ.
Ngoài ra, trong suốt quá trình thi hành án tại Trại giam Thanh Lâm, ông bị buộc phải làm nhiều công việc nặng nhọc mà không được nghỉ ngơi, không được trả công và chất lượng thức ăn không đảm bảo.
Ông Quân cho biết, vì tích cực tham gia lao động và tuân thủ tốt nội quy của trại giam nên ông được giảm tám tháng tù giam.
Hơn một tháng trước đó, ba người dân Đồng Tâm khác gồm các ông Lê Đình Uy, Lê Đình Quang và Nguyễn Văn Quân cũng trở về nhà trước thời hạn chín tháng.
Ngoài bà Bùi Thị Nối, sáu người khác bị cáo buộc tội danh "giết người" vẫn đang bị giam giữ, trong đó có hai ông Lê Đình Công và Lê Đình Chức bị tuyên án tử hình, Lê Đình Doanh án chung thân, ông Bùi Viết Hiểu 16 năm tù giam, Bùi Quốc Tiến 13 năm và Nguyễn Văn Tuyển 12 năm.
Theo truyền thông nhà nước, trong vụ tấn công của công an thành phố Hà Nội vào làng Hoành, ba sỹ quan công an đã bị rơi xuống giếng trời và bị một số người dân đổ xăng thiêu chết.