Tội phạm sử dụng công nghệ cao để gây án, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đặt biệt thủ đoạn giả danh người có chức vụ, quyền hạn để lừa đảo, nhất là giả danh cán bộ công an, viện kiểm sát, tòa án vẫn tiếp tục xảy ra hết sức phức tạp trong thời gian qua.
Trung tướng Tô Ân Xô-Chánh Văn phòng, người phát ngôn Bộ Công an Việt Nam cho truyền thông Nhà nước hay tin trên vào ngày 7/12.
Theo ông Xô, mặc dù các cơ quan chức năng đã nhiều lần tuyên truyền, thông báo phương thức thủ đoạn của loại tội phạm trên qua các phương tiện thông tin đại chúng nhưng tình hình vẫn đang diễn biến phức tạp, khiến dư luận bức xúc, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự và đời sống người dân.
Người phát ngôn Bộ Công an cũng cho biết thủ đoạn các đối tượng thường sử dụng là sử dụng số điện thoại giả, mạo danh cán bộ của cơ quan chức năng trong các cơ quan thực thi pháp luật như công an, viện kiểm sát, tòa án để gọi điện cho người dân nhằm gây sức ép, làm người dân hoang mang, sau đó yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản cho họ.
Hoặc họ cũng giả nhân viên bưu điện, điện lực, cảnh sát giao thông gọi điện thông báo phạt nguội, gây tai nạn bỏ trốn…
Bên cạnh đó, những đối tượng còn giả danh là người quen của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo các cơ quan phụ trách các lĩnh vực trọng yếu để lừa đảo.v.v.
Qua đó, ông Xô cho biết, Bộ Công an sẽ tiếp tục tham mưu Chính phủ chỉ đạo các đơn vị, địa phương tăng cường thực hiện các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Chỉ thị số 21/CT-TTg ngày 25/5/2020 nhằm huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị vào công tác phòng ngừa, đấu tranh loại tội phạm này.
Liên quan đến việc giả danh công an để lừa đảo, Trung tá Vũ Minh Trí, từng công tác tại Tổng cục 2 Bộ quốc phòng, trong một bài viết của RFA về đề tài này hôm 16/11/2021, cho rằng:
“Thứ nhất, điều đó chứng tỏ trong ngành công an có khá nhiều người không đủ phẩm chất, tức là phẩm chất kém thì mới có chuyện lừa gạt như vậy. Thứ hai, đối với khá nhiều dân chúng, đặc biệt là ở vùng nông thôn, họ vẫn bị những cái danh của công an, quân đội hay công chức, thậm chí đảng viên là những người có thể tin cậy được nên họ mới bị lừa. Thêm vào đó, bản thân họ cũng có sự tham lam cho nên mới bị lừa”.
Theo thống kê của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Bộ Công an, từ tháng 5 năm 2020 đến tháng 5 năm 2021, đã có gần 2.500 vụ lừa đảo trên không gian mạng xảy ra tại các tỉnh, thành Việt Nam. Trong đó có 527 vụ giả danh cơ quan tư pháp để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người dân.