Bãi rác Khánh Sơn tại phường Hòa Khánh, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng được đưa vào hoạt động hơn 25 năm qua. Suốt ngần ấy năm, người dân sống gần bãi rác phải chịu ngửi mùi hôi thối quá mức phải liên tục yêu cầu công ty xử lý và cơ quan chức năng giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường gây hại như thế. Tuy nhiên tất cả chỉ là những lời hứa suông từ các cấp chính quyền thành phố Đà Nẵng.
Bãi rác Khánh Sơn là nơi tập kết và xử lý rác lớn nhất cho Thành phố Đà Nẵng, nơi được tung hô là ‘Thành phố đáng sống’. Tuy nhiên những người dân sống gần bãi rác này cho rằng đã vượt ngưỡng chịu đựng của họ khi mà tình trạng ô nhiễm do bãi rác gây nên không được giải quyết.
Một người dân sống gần với bãi rác ngán đến nỗi khi chúng tôi đến hỏi thăm và xin phỏng vấn, ông than thở:
Trước nay họ phỏng vấn quá nhiều rồi. Cứ đem máy móc chụp hình đem lên đài VTV rồi đưa thời sự…cuối cùng rồi đâu cũng vào đó. Chú ở đây mười mấy năm rồi cũng thấy cứ vậy hoài. Cứ cách một tháng có người tới cứ phỏng vấn rồi đi, phỏng vấn rồi đi thì phỏng vấn làm cái chi? Không nên phỏng vấn nữa.
Biết bao nhiêu lần rồi con. Nhiều lắm rồi. Nói chung bây giờ dân cũng ngán rồi, nhiều lần quá đâm ra mất lòng tin. Hết đoàn ni tới đoàn kia tới rồi giờ con hỏi chú chú cũng nói rứa thôi chứ cũng ngán rồi, phỏng vấn chi nữa. Bây giờ một là để rứa cho nó thối luôn còn không thì thôi dân cũng không muốn. Chứ con ra coi nếu mà lâu nay cái nước nó xử lý thì không thể đen như rứa được. Dân ở đây chịu không nổi họ phản ánh thì chính quyền phải có cách xử lý làm sao chứ ai mà cứ để. Cái nước đó con thấy cá cũng không sống nổi, người răng mà sống nổi, hóa chất không đó.
Như vậy có thể thấy rằng đã từ lâu và rất nhiều lần các cơ quan báo chí đến tìm hiểu và đưa tin tức để phản ánh hiện trạng của bãi rác Khánh Sơn, nhiều đến mức người dân không còn muốn trả lời phỏng vấn, thế nhưng tình trạng vẫn đâu vào đấy.
Thúi dễ sợ luôn, chịu không được. Buổi tối khoảng 7-8 giờ là nó hôi ghê lắm. Nhất là ban đêm tại vì ban ngày gió lên, ban đêm gió xuống. Cứ khoảng 7-8 giờ gió trên đèo nó xuống là nó thổi từ trên đó thổi xuống. Không cần chú phỏng vấn, khoảng 8h tối lên đây là chịu không nổi rồi. 8h tối con lên đây con cũng chẳng cần phải hỏi ai hết, là tự thấy cái mùi là biết rồi.
Ngoài mùi hôi, nước rỉ từ bãi rác cũng là nguồn ô nhiễm mà người dân sống quanh đó phải gánh chịu; đặc biệt khi mùa mưa tới:
Chưa đó, mùa mưa nữa kia. Tự bãi rác trực tiếp nó xả ra luôn chứ nó đâu cần qua xử lý nữa. Mưa cái đường ni nó chảy nè. Bọn chú đâu có vô được trong đó. Không dễ chi vô được. Thì hắn nói là xử lý mà xử lý thì đâu có hôi như rứa. Mà chú thì không vô được, hai ba lớp bảo vệ mà, mình vô đâu có được. Chỉ có cơ quan chức năng xin vô mà cơ quan chức năng mà vô thì ở trong nó báo cáo, tự trong đó nó xử lý chứ đâu nữa. Thời gian trước nó có một cái ống trực tiếp ra ngoài ni nữa kìa. Trực tiếp ống mưa là trên kia nó xả chứ không cần qua xử lý luôn.
Dòng nước đen này từ trong bãi rác chảy ra, mỗi khi mưa đến, nước này ngập lênh láng tràn ra các con đường quanh xóm. Nguồn dịch bệnh xuất phát từ đây. Nước từ bãi rác ngấm dần trong lòng đất, lâu dần tất nhiên sẽ ảnh hưởng đến nguồn nước ngầm trong khu vực, ô nhiễm đất, ô nhiễm không khí...
Nhiều quá thì mình đau đầu, nó hôi, nhiều lúc cũng ho, đi khám vậy đó. Vừa rồi có nghe họ cho bảo hiểm môi trường chi đó.
Giải pháp tạm thời mà chính quyền địa phương đưa ra với người dân đó là cấp bảo hiểm y tế miễn phí và nước sạch cho người dân trong phạm vi bán kính 1km quanh bãi rác. Tuy nhiên mong muốn của người dân là đóng bãi rác Khánh Sơn hay di dời người dân đi nơi khác.
Thì mình cũng trông cho nó giải thể sớm để dân đỡ bệnh hoạn rứa thôi. Cái này đơn giản lắm chứ không có gì là khó. Một là dẹp. Hai là dời dân đi đi. Hai cách thôi. Nó dễ òm không cần họp hội hay pv làm chi. Một là bãi rác đi, dứt khoát để bãi rác đi. Hai là dân đi. Dân phải sống cách bãi rác 5km hoặc 10km. Xung quanh đây không có dân. Rứa thôi, hai cách chứ mấy. Chứ còn bây giờ họp tới họp lui không có đưa tới kết quả.
Ở quận Liên Chiểu quỹ đất còn nhiều lắm. Chỉ cần đưa qua cách bên kia 2-3 cây số. Rứa thôi chứ đâu phải là họ đòi xuống dưới phố. Người dân họ không phải muốn xuống dưới phố nhưng mà họ muốn đi cách xa khoảng vài ba kilomet.
Vào tháng 7 năm 2017, ông Lê Quang Nam-Giám đốc Sở TNMT Đà Nẵng nói rằng cần gia hạn cho bãi rác Khánh Sơn hoạt động ít nhất đến năm 2023. Dù trước đó chính quyền và các cơ quan liên quan đã hứa hẹn rằng sẽ đóng cửa bãi rác này vào năm 2019.
Ông Dương Thành Thị, Chủ tịch HĐND quận Liên Chiểucũng bức xúc khi vấn đề bãi rác Khánh Sơn không được giải quyết như đã hứa với cử tri: "Thành phố phải tập trung nguồn lực để chuyển bãi rác TP đến chỗ khác nhưng phải bền vững. Sở TNMT với trách nhiệm của mình sớm có giải pháp xử lý bãi rác Khánh Sơn đúng thời hạn để nhân dân có niềm tin chứ hứa với dân vậy rồi không được. Dù đi nơi mới thì cũng phải căn cơ. Mốc TP đưa ra năm 2019 thì cần phải làm về sớm chứ đưa lên hơn là không được. Nên quan tâm đặc biệt vấn đề này".
Hướng giải quyết đã rõ, thế nhưng những người quan tâm vấn đề bãi rác Khánh Sơn tỏ ra hết sức thắc mắc khi Chính quyền Thành Phố Đà Nẵng vẫn chỉ hứa mà không bắt tay thực hiện.