Dân oan mong Tết đoàn viên

Tết là thời khắc thiêng liêng, đoàn tụ gia đình, hướng đến quê hương và mang nhiều ý nghĩa với mọi gia đình người Việt, dù ở trong hay ngoài nước. Tuy nhiên, có những cảnh đời chịu những bản án oan khiên hay mất đất, mất nhà… khiến mùa xuân không trọn vẹn.

Mong mỏi đoàn viên

Sum họp là mong mỏi lớn nhất của người Việt nhân dịp Tết đến xuân về. Những gia đình có thân nhân là tù nhân lương tâm hay đang chịu án oan thì ý nghĩ về cảnh đoàn viên càng làm họ thêm đau lòng. Ước muốn lớn nhất là được gặp người thân trước Tết dù chỉ là qua vách ngăn kính, được nhìn nhau và nhắn nhủ, động viên.

Ông Nguyễn Trường Chinh - bố của bị án Nguyễn Văn Chưởng, đang kêu oan với bản án tử hình 10 năm nay là một điển hình. Ông cho biết, ông đã được gặp con trai vào cuối tháng 1 vừa qua, con ông do bị cùm chân lâu ngày nên một bên chân bị teo, nhưng tinh thần tốt và còn niềm hy vọng.

“Từ hồi năm 2014, sau cái thi hành án lần 2, gia đình có nói cho cháu biết thì thấy tinh thần cháu vững, kiên quyết đấu tranh để giành lại mạng sống vì tôi có nói: ở ngoài bố có thể quyên sinh để cứu con. Bản thân con cũng phải đấu tranh mạnh mẽ để giành lấy mạng sống cho bản thân mình.”

Cháu đã bị giam 10 năm 6 tháng, trọn 10 cái Tết thì gia đình chúng tôi lại không có Tết.<br/> - Nguyễn Trường Chinh <br/>

Các gia đình tù nhân lương tâm như Anh Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh, Trần Thị Nga, Phạm Văn Trội, cũng đã được thăm nuôi và gửi quà Tết. Còn trường hợp bà Nguyễn Tuyết Lan – thân mẫu của blogger Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh và các con của cô đã không gặp được cô vào ngày 27 Tết như thông báo, do cô bị chuyển bất ngờ ra Trại 5, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa.

Bà Cấn Thị Thêu - người phụ nữ kiên cường giữ đất ở Dương Nội, Hà Đông, Hà Nội, vừa mãn án 20 tháng tù giam, chia sẻ khi còn ở tù, mỗi dịp lễ, Tết bà lo lắng và nhớ gia đình đến quặn thắt lòng lại.

“Từng ngày từng giờ, nghĩ đến gia đình tôi, chồng con tôi, anh em họ hàng tôi, mẹ chồng tôi ốm đau, ốm liệt giường mà tôi không có mặt. Những việc lo lắng, thu xếp của phụ nữ mà họ lại giam cầm tôi, nhất là những ngày lễ tết. Nên tôi rất đau đớn, xót xa. Càng như thế tôi càng căm hận chế độ cộng sản này vì nó ác quá.”

Ông Nguyễn Trường Chinh - người cha kiên cường kêu oan, đòi công lý cho con trai kể rằng, từ khi con ông rơi vào vòng lao lý, gia đình dường như không có Tết.

“Gia đình chúng tôi đã tròn 10 năm, hôm nay cháu đã bị giam 10 năm 6 tháng, nhưng trọn 10 cái Tết thì gia đình chúng tôi lại không có Tết. Cứ Tết đến, xuân về, mọi nhà sum vầy để đoàn tụ gia đình, cúng ông bà tổ tiên, thì bản thân chúng tôi đã 10 năm không có Tết.”

Tết Mậu Tuất đến, những người dân oan mất đất trên khắp cả nước nói chung và Dương Nội nói riêng cũng gặp nhiều khó khăn, do tư liệu sản xuất bị mất, không còn nghề nghiệp nên thu nhập sa sút. Bà Thêu cho biết, mọi người nông dân đều muốn có cuộc sống ổn định, ấm no, được đón những cái Tết vui vẻ, trọn vẹn.

“Đón Tết năm nay thì chắc chắn những người dân Dương Nội sẽ rất khổ vì đã mất đất hơn 10 năm rồi. Có khi có những nhà không có cả gạo mà ăn Tết, không có cả tiền mà sắm Tết, thì tôi nghĩ họ rất khó khăn trong bối cảnh xã hội thất nghiệp tràn lan. Những người nông dân có mảnh đất, mảnh vườn để làm ăn sinh sống mà bây giờ bị cướp mất rồi. Tôi nghĩ rằng khi mà chúng tôi chưa đòi được đất, nhà cầm quyền Việt Nam chưa xem xét để đảm bảo quyền lợi cho nhân dân chúng tôi, thì tôi nghĩ là cái Tết của chúng tôi vẫn rất khó khăn, ngậm ngùi.”

Mong ước cho năm mới

Tuy những người tù oan khiên và thân nhân của họ đang gánh chịu những nỗi đau, khó khăn, nhưng họ vẫn luôn vững tin và hy vọng vào tương lai.

Như ông Nguyễn Trường Chinh mong đợi công lý và sẵn sàng làm mọi việc để kêu oan cho con trai.

Đón Tết năm nay thì chắc chắn những người dân Dương Nội sẽ rất khổ vì đã mất đất hơn 10 năm rồi.<br/> - Cấn Thị Thêu

“Tôi vẫn kiên quyết và quyên sinh đòi bằng được công lý tự do cho con trai tôi vì không riêng gì con trai tôi, hiện nay tôi thấy rất nhiều người cũng bị oan như con tôi, như Hồ Duy Hải, Nguyễn Văn Chưởng, Nguyễn Văn Mạnh. Ba gia đình chúng tôi liên kết với nhau, một người bố và hai người mẹ kiên quyết đến cùng để đòi mạng sống cho con bằng mọi giá. Đó là điều chắc chắn chúng tôi phải làm. Làm đến khi nào con cái chúng tôi được trở về đoàn tụ với gia đình, được tự do, được quyền làm người, được quyền sống, đây là những quyền cơ bản. Con cái là tài sản quý giá nhất, không có gì đánh đổi được. Chúng tôi phải đòi lại quyền đó cho con.”

Anh Trịnh Bá Tư - một thanh niên đang độ tuổi lao động thì mong mỏi mảnh đất của gia đình anh được trả lại để anh có thể có được cuộc sống ổn định, ấm no.

“chúng tôi luôn mong muốn công cuộc đấu tranh giữ đất đi đến thắng lợi bằng việc quan chức Cộng sản Hà Nội từ bỏ ý định cướp đất nhà tôi và bà con Dương Nội. Đây không phải là mong muốn của riêng Tết năm nay, mà nó kéo dài cả một thập kỷ, từ năm 2008, lúc chúng tôi khởi đầu cuộc đấu tranh giữ đất đến bây giờ thì mong ước đó luôn luôn ở trong chúng tôi. Đó là mong ước lớn nhất của gia đình tôi và cả người dân Dương Nội.”

Trên tất cả, bà Cấn Thị Thêu ngoài mong muốn bảo vệ quyền lợi cho những người nông dân như bà, bà còn mong mỏi giới đấu tranh cho dân chủ - nhân quyền đoàn kết, vượt qua mọi khó khăn, thử thách và đất nước Việt Nam có sự thay đổi tích cực.

“Tôi thật sự rất là mong một xã hội thực sự của dân, do dân, vì dân, chứ không phải là xã hội, đất nước, tài sản là của quan, do quan, vì quan. Đây là mong muốn và ước nguyện của tôi. Tôi mong muốn là tất cả những người đấu tranh sẽ luôn sát cánh bên nhau. Một bó đũa thì sẽ khó lòng bẻ hơn. ”

Mùa xuân là mùa của niềm vui và những điều nguyện cầu, mùa của gia đình đoàn viên. Chúng ta cùng cầu chúc cho đất nước Việt Nam không còn những nỗi đau oan khiên, những bản án bất công, những chính sách sai lầm để cho ngày Tết của nhiều gia đình có được niềm vui trọn vẹn.