Nạn sâu keo tàn phá, nhà nông Quảng Ngãi lóng ngóng xử lý

Sâu keo mùa thu (tên khoa học là Spodoptera Frugiperda) là sinh vật ngoại lai, trong vòng hai tháng qua đã hoành hành, tàn phá hàng loạt cánh đồng bắp trong vụ mùa Hè-Thu 2019 ở tỉnh Quảng Ngãi. Theo người dân địa phương, nhiều khả năng nếu không diệt được sâu keo sớm, nạn dịch này sẽ bùng phát nhanh, khó kiểm soát…

Lỗ nặng vì dịch tràn lan

Theo các nguồn tin của truyền thông trong nước, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi là địa phương có diện tích trồng bắp bị ảnh hưởng nạn sâu keo mùa thu nặng nề nhất, tính đến cuối tháng 7/2019. Cụ thể, hàng chục hecta bắp ở các xã Tịnh Giang, Tịnh Bắc, Tịnh Đông, Tịnh Thọ...đều bị sâu keo mùa thu phá rụi ngay thời điểm cây mới trổ cờ.

Ông Tích, một hộ trồng bắp ở thôn Đông Hòa (xã Tịnh Giang) chỉ vào luống bắp mới gieo trồng cho biết cách đây khoảng 2-3 tháng gia đình có trồng một sào (500m2) bắp nhưng sau đó ông phải phá bỏ, không thu hoạch gì được vì bị sâu ăn rụi hết. Ông Tích nói:

"Rất nhiều lắm. Nó ăn hết một lứa rồi, rụi hết rồi. Bây giờ mình mới tỉa lại nề. Vừa rồi mình thu hoạch không được. Bắt đầu mình phá cái lứa đó, rồi mình tỉa lại lứa nữa nhưng mà cỡ chừng này mà mình phun ba, bốn đợt thuốc rồi nề. Chứ không phun thuốc là nó ăn không còn chi luôn."

Ông Tích cho biết thêm mọi năm sâu keo không nhiều, chỉ riêng năm nay không hiểu sao nạn sâu keo tràn lan trong huyện, vụ mùa này coi như nhà ông và các hộ khác đều lỗ to.

Chị Tuyết, một hộ trồng bắp tại thôn cho biết nhà nông như chị năm nay mất mùa. Gia đình chị trồng hai sào bắp, nếu thu hoạch thì đạt khoảng 6 tạ nhưng do bị sâu keo mùa thu ăn nên chị nghĩ rằng thu hoạch bắp của gia đình chị năm nay sẽ bị thiệt hơn một nữa so với mọi năm. Chị Tuyết nói trung bình một cây bắp có từ 2-3 con sâu, phun thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật các loại mà vẫn không diệt được bao nhiêu.

"Sâu ăn nhiều lắm, Một cây trung bình hai, ba con và ít nhất là một con. Toàn to không hà. Ăn nhiều lắm! Bơm thuốc miết mà cũng không lại, từ nhỏ cho đến lớn luôn."

Sâu keo mùa thu ngoài có tên khoa học là Spodoptera Frugiperda nó còn được mệnh danh là "kẻ hủy diệt" nhiều loại cây trồng. Chị Tuyết chia sẻ:

"Không hết sâu. Nó ăn suốt luôn mà. Họ làm thì phải ráng làm thôi, làm nông phải theo tới cùng. Chất lượng năm nay mất cũng phải 50% trở lên. Một sào mà họ bẻ có hai, ba bao bắp trái. Thảm lắm !".

Từ Sơn Tịnh, chúng tôi ghé qua những cánh đồng bắp ở xã Nghĩa Hà (TP.Quảng Ngãi) và cũng bắt gặp tình cảnh tương tự. Đâu đâu chúng tôi cũng nghe bà con ta thán vụ bắp năm nay bị sâu keo mùa thu tàn phá, bắp trồng lên không thu hoạch được, phải phá bỏ.

Ông Duẩn, một hộ trồng bắp ở xã Nghĩa Hà nhìn đám bắp của gia đình sắp bị phá bỏ nói.

"Sâu vừa rồi nhiều lắm. Bơm với vạch bắt trong đọt nữa mà cũng không lại. Điển hình như cái đám đó".

"Mấy năm thì ít. Năm nay sâu keo mùa thu nhiều quá, chịu không nổi".

Ông Duẩn nói vụ bắp vừa rồi thiệt hại hơi nhiều, chắc chắn là lỗ vì ngoài phí mua giống nhà nông còn chịu chi phí phân, thuốc và tiền công.

Một chị nông dân có người thân trồng bắp bị sâu keo mùa thu phá hoại tham gia chia sẻ cho chúng tôi biết, sâu nhiều đến nỗi bà con phun thuốc cũng không diệt hết mà sâu càng ăn dữ hơn.

"Tôi cũng không hiểu sao nó ăn ở trong đọt, mình bơm nó không chết mà nó còn ăn hung. Mình bơm xong, mình vạch trong đọt thấy còn sáu, bảy con nhiều lắm. Đọt nào nó cũng sâu mà lá nó ăn lủng khủng luôn."

"Năm nay nhiều lắm. Năm nay tình hình bắp là nhiều. Nhiều mà bơm không lại mà nó lại sâu nhiều lắm".

Cả nước nhiễm dịch- dân chờ giải pháp

Vào hồi trung tuần tháng 6/2019, báo Dân Việt thông tin, qua kiểm tra Chi cục Trồng trọt & Bảo vệ thực vật Quảng Ngãi xác định sâu keo mùa thu đã xuất hiện tại 7 huyện và thành phố ở tỉnh Quảng Ngãi gồm: Sơn Tịnh, Bình Sơn, Nghĩa Hà, Tư Nghĩa, Mộ Đức, Đức Phổ và TP.Quảng Ngãi.

Còn theo báo cáo của Chi cục Trồng trọt & Bảo vệ thực vật các tỉnh trên toàn quốc đến ngày 12/7/2019, sâu keo mùa thu đã lan rộng gần 40 tỉnh, thành với tổng diện tích nhiễm sâu keo mùa thu gây hại vụ bắp Hè –Thu 2019 là 15.582ha, nhiễm nặng 2.511ha, diện tích phòng trừ 7.227ha.

Nhiều ruộng bắp bị sâu keo hoành hành bà con chỉ thu hoạch được 1, 2 tạ
Nhiều ruộng bắp bị sâu keo hoành hành bà con chỉ thu hoạch được 1, 2 tạ

Dẫn nguồn từ báo điện tử Chính phủ Việt Nam, ông Nguyễn Qúy Dương-Cục Phó cục Bảo vệ thực vật Bộ Nông nghiệp& Phát triển nông thôn nhìn nhận nạn sâu keo mùa thu đang hoành hành là một bệnh dịch hết sức nguy hiểm với ngành trồng trọt.

Đã có nhiều biện pháp phòng trừ sâu keo mùa thu được Bộ Nông nghiệp& Phát triển nông thôn yêu cầu các sở Nông nghiệp& Phát triển nông thôn, Cục bảo vệ thực vật đưa ra như: tổ chức điều tra sự phân bố, mật độ, tỷ lệ gây hại của sâu keo muà thu; điều tra, phát hiện các giống bắp có khả năng kháng, chống chịu sâu keo mùa thu; khuyến cáo doanh nghiệp đăng ký các sản phẩm phòng trừ sâu keo mùa thu như: Thuốc bảo vệ thực vật, bẫy bả, bẫy pheromone...và ưu tiên các loại thuốc bảo vệ thực vật sinh học.

Tổ chức CropLife (Hiệp hội Thúc đẩy ứng dụng khoa học Nông nghiệp) cũng đưa ra quan điểm ủng hộ Chương trình Quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) để đối phó với dịch sâu keo này. Theo CropLife, để áp dụng IPM thành công, các công cụ phòng trừ hiệu quả cho nông dân bao gồm sử dụng thuốc trừ sâu, cây trồng công nghệ sinh học và các công cụ quản lý sâu hại khác. Thuốc trừ sâu là một trong số ít những công cụ phòng trừ sâu keo hiệu quả và đã được chứng minh. Có thể cân nhắc sử dụng thuốc phun qua lá và thuốc xử lý hạt giống.

"Chỉ có phun thuốc thôi. Nhưng cũng bớt được một ít thôi chứ không bao giờ nó diệt hết được. Tại vì nó rúc trong thân cây, nó ăn trong đó cho nên phun thuốc nó cũng không chết gì mấy".

Vừa nói ông Tích vừa chọn một cây bắp và tự tay vạch thân cây bắp ra cho chúng tôi xem là có sâu bò lúc nhúc bên trong. Nhiều bà con trồng bắp ở Quảng Ngãi cho chúng tôi biết giải pháp phun thuốc hiện chưa cho bà con thấy là có hiệu quả. Bà con đã phun thuốc lên cây bắp khá nhiều lần nhưng vẫn không chặn được sự lay lan của sâu keo mùa thu.

"Chín, mười ngày hoặc nữa tháng tôi bơm. Bơm vậy mà nó vẫn còn ở trong đó. Vạch trong đó thấy hai, ba con to to, to lắm. Sâu khiếp, tôi thấy run mà đến nỗi không dám vạch cây bắp luôn ấy. Đi xíu mà có cả trăm con sâu", chị Tuyết cho biết.

Bà con trồng bắp ở Quảng Ngãi đang rất hoang mang khi việc phun thuốc (truyền thống) nhiều lần nhưng sâu không hết. Sâu không hết lại phải phun tiếp vì nếu không bắp chết, bà con trắng tay nhưng phun nhiều quá họ cũng đang lo lắng liệu chất lượng trái bắp có bị ảnh hưởng??? Tuy có hơi lo lắng khi phun thuốc trừ sâu cho cây bắp quá nhiều nhưng ngoài cách này họ gần như không có giải pháp nào khác.

"Tôi cũng không hiểu nữa. Mình không biết cách gì để trị. Sâu vậy, bơm không lại thì nhổ cho bò ăn chứ làm cái gì nữa, như cái đám trong nhà đó, bơm không lại là nhổ cho bò ăn"-Lời chị nông dân.

"Bơm thuốc bị bệnh. Thấy họ bơm họ cũng bệnh thiệt. Kiểu mình tiếp xúc với thuốc sâu thực vật nhiều là mình cũng bệnh. Giờ làm nông mà nó sâu quá thì họ cũng ráng mà bơm thôi. Mà bơm nhiều sau nó cũng bệnh lắm, bệnh ở cơ thể mình nhiều lắm!",chị Tuyết phân trần.

Trên toàn cánh đồng hoa màu ở Quảng Ngãi, chúng tôi ghi nhận không riêng gì cây bắp mà vụ Hè Thu năm nay những loại cây hoa màu khác cũng bị sâu bệnh phá hoại nhưng về mức độ thì bắp vẫn loại cây bị nghiêm trọng nhất. Bà con lo lắng không biết đợt bắp tiếp theo có bị sâu keo mùa thu phá hoại hay không? Bởi hiện tại trên những cánh đồng bắp của bà con, sâu keo mùa thu vẫn đang hoành hành mà cơ quan chức năng địa phương vẫn chưa đề ra giải pháp nào cho thấy sẽ giúp bà con ngăn chặn hiệu quả, triệt để.