Tiếng kêu từ vùng rốn lũ

0:00 / 0:00

Yên Bái những ngày đầu tháng Tám, mưa vẫn buông không ngớt mặc cho người dân cầu xin ông Trời đừng mưa nữa, bởi họ chỉ còn có căn nhà tạm mới dựng; người thân, tiền bạc, đồ đạc, nhà cửa đều bị nước cuốn trôi… Thức ăn không có gì ngoài hũ măng chua, cái bắp chuối hay vài ký gạo cứu trợ. Trẻ con sợ hãi, người lớn bàng hoàng…

Miệt Tây Nam Bộ trù phú một thuở với cá linh, bông súng… giờ chỉ còn những tiếng kêu mong nước về rồi cũng nơi đó có những tiếng khóc khi nước về quá sớm…

Yên Bái: Còn hai bàn tay không

Bà Hà Thị Dư, người có hai người thân bị mất trong trận lũ quét ở xã Sơn Lương, huyện miền núi Văn Chấn tỉnh Yên Bái, một trong những xã chịu thiệt hại nặng nề nhất sau trận lũ quét hôm 20 tháng 7 năm 2018 chia sẻ:"Thấy xác hết rồi, cả hai mẹ con, chả biết thế nào. Yêu cầu cấp trên cấp dưới cố gắng hết sức giúp đỡ gia đình tôi, ước mơ thế nào như hồi xưa ấy. Cái gì cũng có đầy đủ cuối cùng nhà cửa khó khăn cái gì cũng không có, cửa nhà cũng không có, hạt thóc cũng không có, ăn uống cũng không có…"

<i>Nhiều người giờ chỉ còn hai bàn tay trắng, bởi lẽ cái nhà, con trâu con bò… tất cả những gì họ có đã bị lũ quét trôi hết. Đường sá cũng hư hỏng nặng, các đoàn từ thiện mặc dù đã tìm đến nhưng cũng không mấy đoàn tiếp tế được cho bà con. Điều này khiến cho các bản thiệt hại nặng ở Sơn Lương như Nậm Mười, Sùng Đô, bản Tủ… có nguy cơ bị đói.</i>

Ông Hà Văn Tý, một người Tày có nhà bị cuốn trôi trong cơn lũ quét chia sẻ:"Nhà nước chỉ ủng hộ gạo thôi, bao nhiêu các thứ thóc lúa trôi hết, người thì không trôi nhưng các thứ trôi hết, thóc lúa trôi hết, hỏng hết các thứ rồi."

Kể về sự bất ngờ cũng như thiệt hại sau cơn lũ quét đi qua xã mình, ông Trương Văn Minh, một người dân xã Sơn Lương chia sẻ:"Vào năm 2005, lũ mấp mé đường lộ này nhưng cũng không bị tan tát đau thương như trận lũ này. Năm 2007 cũng gần coi là mấp mé, cách đường khoảng độ 50 phân nhưng năm nay nước lũ thì bé hơn các năm khác nhưng sạt lở từ trên đồi xuống, đổ từ trên đỉnh đồi, lở bây giờ vẫn còn nhìn thấy. Đất đá tống xuống, các làng bản xưa giờ không có nước mà giờ nước từ khe đổ xuống, coi như chết rất tang thương, chết người, đùn lấp hết, tất cả nhà cửa coi như đưa đi hết. Đường đi Sùng Đô, An Lương không còn đường đi nữa, mất hết đường giao thông, bây giờ muốn khôi phục phải mất thời gian rất lâu."

Theo ông Minh, không khí tang thương đang bao trùm nơi ông sống khi bao gia đình chia ly, vợ khóc chồng, mẹ khóc con, ông khóc cháu… Đó là chưa kể nhiều người giờ chỉ còn hai bàn tay trắng, bởi lẽ cái nhà, con trâu con bò… tất cả những gì họ có đã bị lũ quét trôi hết. Đường sá cũng hư hỏng nặng, các đoàn từ thiện mặc dù đã tìm đến nhưng cũng không mấy đoàn tiếp tế được cho bà con. Điều này khiến cho các bản thiệt hại nặng ở Sơn Lương như Nậm Mười, Sùng Đô, bản Tủ… có nguy cơ bị đói.

Trong những căn nhà tạm bợ được bà con hàng xóm và dân quân giúp đỡ dựng lên, anh Hà Văn Sơn chia sẻ: "Nhà em nước lũ ngập tràn vào hết, sập hết một nửa. Qua lũ thì em nhờ anh em trong làng và những anh quân đội dỡ lên đây để làm cái lều ở tạm, trú tạm ở đây qua mùa mưa."

Hiện tại, vẫn còn nhiều bản ở xã Sơn Lương chưa thể tiếp cận được, nước ở các con suối vẫn đang dâng do mưa không ngừng. Nhìn dòng suối chảy qua con đất trước kia là nhà mình, bà Dư chỉ biết cầu xin trời thương cho những gia đình khác, đừng để họ phải chịu cảnh giống gia đình bà.

Cơn lũ ập tới bất ngờ không những lấy đi mọi thứ của bà con mà một lần nữa còn tạo cho họ một cảm giác hoang mang về sự nổi giận của núi rừng. Nếu như có hàng chục người chết và mất tích ở tỉnh Yên Bái sau những trận lũ quét, lũ ống vào năm 2017 thì hiện tại đã có trên 26 người chết và mất tích sau trận lũ quét vào hôm 20 tháng 6 ở tỉnh này, tuy nhiên đây vẫn là con số thống kê chưa đầy đủ.

An Giang: vừa lo vừa mừng

Trong khi đó, chưa đầy một tuần sau lũ quét ở các tỉnh miền Bắc, các tỉnh hạ nguồn sông Cửu Long như An Giang, Đồng Tháp Mười, Long An người dân lại đón đợt lũ sớm do hậu quả của việc vỡ đập thủy điện ở Lào, hàng nghìn héc ta lúa và hoa màu của người dân bị chìm trong nước lũ.

Sau những khó khăn do khô hạn mà nguyên nhân chủ yếu là các thủy điện đầu nguồn đắp đập, chặn nước, lần này người dân lại vừa mừng vừa lo khi nước về chủ yếu do vỡ đập.

Sau những khó khăn do khô hạn mà nguyên nhân chủ yếu là các thủy điện đầu nguồn đắp đập, chặn nước, lần này người dân lại vừa mừng vừa lo khi nước về chủ yếu do vỡ đập.

Anh Ngô Huy, một người dân ở Châu Đốc, An Giang, một trong những huyện đầu tiên hứng chịu đợt nước này cho hay:"Thì bây giờ thấy nước lên nhiều mấy ngày nay. Tùy theo nước này nọ, mình làm theo mùa vậy thôi chứ cũng không mừng vui gì nhiều vì bây giờ tôm cá cũng không nhiều, giờ nước về chắc cá nhiều hơn mọi năm."

Anh Trương Văn Mễ, một người chuyên đưa đò ở huyện biên giới này chia sẻ:"Nước nhiều lắm, năm nay nhiều hơn năm rồi, năm nay do vỡ đập thủy điện bên Lào đó, nó bắt nguồn nó chảy xuống Việt Nam mình. Trước đây nước khô do những đập thủy điện nó chặn lại, nước đâu chảy xuống được Việt Nam mình. Nói chung nước lên, người ta săn bắt thì mong nước lớn vì có cá nhiều nhưng những người trồng lúa, nấm rơm, trái cây này nọ, nước về sẽ bị nước ngập mất mùa…"

Theo cả hai anh này, đa số người dân đều tỏ ra nửa mừng nửa lo vì nước năm nay lên sớm. Nếu như trước đây chừng hai năm, nhiều người gần như đã quên khái niệm mùa nước nổi bởi tôm cá không còn, đất đai nứt nẻ, nước uống không có thì nước về, đó là cơ hội cho họ.

Không ít người háo hức mang các dụng cụ đánh bắt cá được cất lâu nay ra thả bởi họ mong tôm cá sẽ theo nước về. Tuy nhiên, sự mừng vui của họ chưa thấy đâu bởi tôm cá không nhiều thì những người trồng lúa, hoa màu lại hụp lên lặn xuống khốn đốn.

Bởi lũ về sớm khoảng 2 tuần đã gây khó khăn họ, nhất là những vùng chưa có đê bao kiên cố ở xã biên giới và một số khu vực bãi bồi thuộc các xã cù lao ven sông Tiền, sông Hậu.

Theo thống kê của ngành nông nghiệp huyện An Phú tỉnh An Giang, những ngày qua người dân và các lực lượng chức năng đã thu hoạch gần như toàn bộ diện tích lúa và hoa màu ngoài đê bao, nhưng vẫn có 40 héc ta bị mất trắng. Hàng trăm héc ta màu vẫn chưa thu hoạch xong.

Tại Long An, Đồng Tháp, mấy ngày qua, người dân ở những xã vùng trũng cũng đang gia cố đê bao, tháo nước ra ngoài để bảo vệ hơn mấy nghìn héc ta lúa hè thu sắp thu hoạch.

Trong khi thiệt hại về nhân mạng cũng như tài sản ở hai đầu đất nước sau đợt lũ quét, nước lên vẫn chưa dứt thì hiện tại, người dân ở xóm Máy Giấy, xã Dân Hạ, huyện Kỳ Sơn tỉnh Hoà Bình, cách đập thủy điện Hòa Bình 20 km đang đứng ngồi không yên. Nhiều người buộc phải di dời khỏi khu vực hạ lưu đập thủy điện này khi đất đê ngày càng nhão ra, nhiều vệt nứt kéo dài trên đường đi và trước nhà dân, nhiều nơi đang bị sạt lở, lún sụt nghiêm trọng…