Dư luận không chỉ ở Sài Gòn và nhiều nơi trong cả nước vừa qua có ý kiến về việc ông Đoàn Ngọc Hải, phó chủ tịch Quận 1, ở thành phố Hồ Chí Minh nộp đơn từ chức vì không dẹp được vỉa hè như tuyên bố.
Quá trình triển khai lập lại trật tự vỉa hè tại quận 1, thành phố Hồ Chí Minh diễn ra từ tháng 1 đến tháng 10 năm 2017. Người đứng đầu chiến dịch là ông phó chủ tịch Đoàn Ngọc Hải thu hút khá nhiều chú ý của dư luận qua phát biểu mạnh mẽ là sẽ về vườn nếu không lập lại được trật tự trên vỉa hè đường phố quận trung tâm này. Thế rồi những biện pháp cứng rắn đụng chạm đến một số đơn vị khác như trụ sở ngân hàng, cẩu xe ngoại giao, dẹp tất cả mọi xây dựng mà ông này cho là lấn chiếm bất chấp mọi suy xét gia cảnh người già, khuyết tật…
Truyền thông trong nước tốn khá nhiều giấy mực về quá trình dẹp vỉa hè do ông Đoàn Ngọc Hải đứng đầu; cũng như khi ông này đệ đơn từ chức vào đầu tháng giêng vừa qua.
Còn đối với người dân thì "Không quan tâm nhiều; Không, không có suy nghĩ quan tâm về mấy việc đó. Ổng làm gì ổng làm; Cô không để ý mấy chuyện đó. Ai cứ lo cho dân cơm no áo ấm là được rồi. Chứ còn ông nào cũng được. Nhưng mà tốt nhất ông nào cũng vậy, nên quan tâm đến đời sống của người dân nhiều hơn."
Riêng những người quan tâm thì cho rằng, ông Hải đã có một số quyết định không hợp lòng dân. Như họ nhận xét là ‘không có lý’. Một người dân nhận xét:
"Ổng từ chức thì phải có lý do tại sao ổng từ chức. Trong quá trình ổng làm thì cũng có những cái ổng làm đúng, có những cái ổng làm sai.
Em hỏi hết những người dân trong khu vực, xung quanh đây coi. Người ta nói người ta không quan tâm tới ổng tại vì ổng làm với chính sách không có đúng. Nhiều người còn thấy ổng đi là phải rồi, tại vì ổng nói ổng làm không được thì sẽ ‘phơi áo’. Người ta nghĩ rằng ổng làm không hợp lòng dân. Bây giờ chính sách đổi lại như chủ tịch thành phố nói sẽ xem xét. Tại vì cuộc sống của người ta sống lề đường, người ta bán này nọ nè mấy chục năm giờ kêu dẹp người ta đi làm cái gì?
Còn cái quan tâm về vấn đề ổng từ chức không tự ổng biết thôi. Ổng làm cái gì sai trái thì ổng biết thôi. Như cái khách sạn New World người ta ổng cưa luôn. Nguyên cái khách sạn người ta mua tiền không chớ".
Nhưng nhìn nhận ở góc độ dọn dẹp để vỉa hè có quy củ, có người nhận xét tích cực về chiến dịch này, rằng việc làm của ông Hải là một điều tốt.
"Ờ thì rất là tốt, nhưng mà nếu minh không ra quân để dọn dẹp nữa thì tái phát lại, tái chiếm vỉa hè gây khó khăn."
"Tiếc chứ, ông ấy là một con người năng động quá. Ông thẳng thắn, làm được việc, dám nói dám làm. Mong muốn ông ấy tiếp tục công tác và có nhiều người như ông Hải thì đất nước thành phố mình sáng sủa."
Trong thực tế hiện nay ở quận 1, vẫn còn nhiều vỉa hè đang bị xe máy chiếm đóng, tức là tái phát lại tình trạng cũ. Ngang qua con đường Đông Du, xe máy chiếm hơn 2 phần 3 vỉa hè.
Ngay ngã tư Đông Du với Hai Bà Trưng, xe máy dựng trước các cửa hàng cà phê chỉ còn chừa đủ cho một người đi bộ.
Hay như một đoạn vỉa hè trên đường Lý Tự Trọng, quận 1 cũng tương tự. Các quán ăn bày bàn ghế lấn chiếm hết vỉa hè.
Có thể thấy rằng, ông Hải cũng đã cố gắng dọn dẹp trật tự vỉa hè nhưng xem ra làm chưa đến nơi đến chốn. Nguyên do cũng như người dân đã nói, là ông này làm việc còn nhiều chỗ không hợp lý dẫn đến việc người dân chưa phục. Khi người dân chưa phục thì việc chấp hành không thể nào tốt được.
Hậu quả để lại của chiến dịch này không chỉ tổn hại trong lòng người dân mà còn cơ sở vật chất của các căn nhà, vỉa hè, bảng hiệu của các cửa hàng bị dỡ bỏ. Ví dụ như những căn nhà trên đường Nguyễn Cư Trinh vẫn còn đó vết tích đập phá. Người dân kể từ ngày đó vẫn phải dùng cầu thang để leo lên nhà mình. Rất bất tiện nhưng ai cũng âm thầm không dám nói ra nhiều cũng bởi sợ phiền phức khi phản ánh, sẽ bị sách nhiễu làm ảnh hưởng đến việc buôn bán của mình.
"Dẹp vừa vừa thôi chứ dẹp quá chân người ta đi lên đi xuống cũng đau."
Bà này vừa cho hay, kể từ khi bị đập phần trước và buộc phải ra vào nhà bằng cầu thang. Bà mệt mỏi vì đôi chân bị đau khớp.
Có ý kiến cho rằng cần phải tham khảo ý kiến cộng đồng dân cư trước khi đưa ra một quyết định nào liên quan đến họ. Thực tế cho thấy nhiều kế hoạch thiếu công tác này gặp thất bại khi triển khai.