Người vô gia cư và Tết

0:00 / 0:00

Hoàn cảnh

Những người già, những đứa bé lang thang, những người mất khả năng lao động, họ có mặt ở con phố này mỗi khi đêm về. Lý do chính tại con đường này có nhiều nhà từ thiện đến giúp đỡ cho những mảnh đời cơ nhỡ với những suất cơm, bịch sữa, gói bánh…

Tất cả những con người chúng tôi gặp nơi đây đều có cùng một điểm tương đồng là họ không nhà không cửa, nhưng mỗi người lại có một câu chuyện khác nhau đẩy họ vào cảnh trạng hiện tại.

Một người vô gia cư, trước kia có sức khỏe tốt nhưng sau khi gặp tai nạn nghiêm trọng, ban ngày chỉ còn có thể nhặt ve chai và đêm về nằm vỉa hè trên con phố này tâm sự:

Mấy ngày Tết vui vẻ. Thấy người ta dắt con cái mình cũng tủi thân.

"Anh bị gãy tay, giờ cũng chẳng đi làm hồ được. Phải đi lượm đồ ve chai sống qua ngày. Tay trái bị gãy cong vầy nè. Cũng chẳng làm được gì hết em à. Phải vác bao đi lượm sống qua ngày tháng."

Hoàn cảnh gia đình anh vốn dĩ đã khó khăn, cũng không thể nương tựa vào ai cho nên phải sống trong cảnh này, anh cho biết thêm:

"Bố mẹ giờ mất rồi. Bán đất đi phải trả nợ tiền đám ma đám chay. Buồn quá, ở với bà chị không được vì vướng đến chồng nữa. Một bên bà chị theo bên chồng, mà ông anh thì đi ở rể. Một bên là cậu một bên là chú. Mỗi mình anh, ở không được, còn con cái người ta nữa. Bắt buộc anh phải ra đường sống thôi."

Ông lão đạp xích lô cũng có hoàn cảnh đáng buồn. Nhà cửa mất hết, vợ ông cũng đã qua đời. Ông rời nhà trọ trên Hóc Môn để về con đường này vì khi mà sức lao động chẳng còn nhiều thì làm sao có đủ tiền mướn chỗ ở.

“Tại sao tui phải ra đây là vì tui không còn nhà nữa. Trước kia tui còn nhà, nhà cửa ngon lắm nhưng mà tại vì vợ tui chết tui phải chịu, tui phải trôi dạt trên Hóc Môn tui về đây.”

Hay như một hoàn cảnh khác, bà cũng không còn người thân nào. Ban đầu bà lên Sài Gòn để kiếm sống. Nhưng buồn thay, sau thời gian lao động bà mắc bệnh.

"Cô ở tuốt Cà Mau lận. Cô đâu có còn ai đâu mà ở dưới. Lúc trước cô lên đây cô còn sức khỏe cô làm mướn, giờ cô bệnh hoạn rồi, bị tim mạch mệt lắm nên không có làm được gì hết. Không có tiền về, nếu mà về cũng không có ai."

Mong ước

Mỗi người mỗi hoàn cảnh, mỗi câu chuyện, tất cả chỉ mong sao có những người hảo tâm giúp họ một bữa ăn lót dạ qua ngày, đặc biệt là vào dịp Xuân về chứ chưa dám nghĩ đến có một chỗ gọi là nhà.

Thôi đừng nhắc tới Tết, chán lắm. Nhắc mất công nhớ nữa.

"Cô chỉ kiếm sống qua ngày thôi, chứ mong muốn gì đâu nữa con, già rồi. Kiếm ăn đủ sống thôi."

"Chạy xích lô nè. Chở hàng chở đồ. Mà lúc này chạy vòng vòng không à, ế lắm. Lúc này te tua. Chạy qua ngày tối ngủ mái hiên. Đám từ thiện cho gì ăn nấy à."

“Tết năm ngoái người ta cũng cho lai rai. Tối người ta đi bao lì xì hay ổ bánh chưng bánh tét bánh giò. Hay là cho mền cho mùng, quần áo mặc. Tết năm ngoái cũng đủ sống qua ngày. Mấy ngày Tết vui vẻ. Thấy người ta dắt con cái mình cũng tủi thân tại người ta có con cái có gia đình, có nhà có cửa, mình lại không có nhà có cửa…”

"Gia đình người ta có tiền nong về thăm bố mẹ vui vẻ trong gia đình. Tụi anh giờ nhà đâu mà về nữa, tiền đâu mà về quê. Không có tiền để mua quần áo mà mặc nữa. Cũng nhờ mấy anh em đi tài trợ gom góp mấy quần áo xấu xấu lại cho. Anh chỉ biết cám ơn thôi."

“Thôi đừng nhắc tới Tết, chán lắm. Nhắc mất công nhớ nữa.”

Nhưng một số trường hợp chúng tôi gặp, họ cũng còn người thân, nhưng lại không muốn nương tựa bởi con cháu cũng có hoàn cảnh khó khăn, nên không muốn làm gánh nặng cho con cháu. Đã nhiều năm ông không còn về quê, dù đó là ngày Tết:

“Không muốn gặp tại vì gặp mình không có kinh tế về cho con cháu thấy cũng tủi cũng tội lắm.”

Còn đó khá nhiều hoàn cảnh khó khăn cần được sự giúp đỡ. Tuy nhiên các nhóm từ thiện trong cộng đồng chỉ có thể phụ họ phần nào; còn cách giải quyết cho đến nơi đến chốn hẳn phải do quyết tâm của chính quyền.