Những cánh rừng cuối cùng trên dãy Trường Sơn

0:00 / 0:00

Có thể nói rằng hiện nay, rừng trường Sơn đoạn qua tỉnh Quảng Nam là cánh rừng đẹp nhất Việt Nam bởi thảm thực vật ở đây còn khá phong phú, các loại gỗ quí vẫn còn rải rác trong rừng già, khác với hàng loạt cánh rừng trên dãy Trường Sơn đã trơ trọi như các tỉnh khác. Thế nhưng đó là chuyện của năm ngoái, còn năm nay, hiện tại, nhiều tiểu khu lâm nghiệp có gỗ quí ở Quảng Nam đã bị chặt phá tàn tệ. Với đà này, không bao lâu nữa, rừng Trường Sơn sẽ trắng từ Bắc chí Nam.

Rừng sẽ không còn vì thủy điện và dự án trồng rừng

Một cựu chỉ huy lực lượng kiểm lâm tỉnh Quảng Nam, không muốn nêu tên, buồn bã chia sẻ: "Trường Sơn ấy, là từ chỗ đoạn ngầm Huế vào tới Trà Linh là đẹp nhất, hai bên đường vẫn còn cây nguyên thủy. Mình chỉ quan tâm cái đẹp thôi là được chứ còn bên trong nó thì cũng có vấn đề. Từ ngầm Huế ra Hà Nội là dở rồi, nó không có giá trị Trường Sơn nữa. Từ Trà Linh vào trong thì cũng không còn giá trị gì nữa, chỉ có thông với tre thôi, không gọi là Trường Sơn nữa. Thì do nó… ăn sạch, bán sạch hết rồi!"

Từ ngầm Huế ra Hà Nội là dở rồi, nó không có giá trị Trường Sơn nữa. Từ Trà Linh vào trong thì cũng không còn giá trị gì nữa, chỉ có thông với tre thôi, không gọi là Trường Sơn nữa. Thì do nó… ăn sạch, bán sạch hết rồi! <br/> -Một cựu kiểm lâm

Theo vị cán bộ chỉ huy kiểm lâm đã về hưu này thì nguy cơ rừng Trường Sơn bị trắng xóa là chuyện trước mắt, khó có thể nói rằng rừng Trường Sơn sẽ giữ lại được những loại động thực vật quí hiếm. Có ba lý do để ông khẳng định rằng rừng Trường Sơn sẽ không còn, đó là: Hầu hết giới quan chức đều làm nhà bằng gỗ quí, đồ dùng trong nhà của họ thuộc nhóm gỗ cực quí; Các dự án thủy điện mở rộng lòng hồ đang là mối nguy lớn của các cánh rừng già và; Các dự án trồng rừng mà trên thực tế là phá rừng để kinh doanh đang ngày đêm tùng xẻo rừng Việt Nam.

Ở khía cạnh thứ nhất, nhà của giới quan chức Việt Nam hiện tại, chức càng cao thì nhà càng làm càng nhiều gỗ quí, từ cây đòn tay đến rui mè, lách, ngay cả bàn ghế, tủ bếp, giường ngủ của họ cũng được làm từ gỗ cẩm lai đỏ, sưa đỏ, tức gỗ huỳnh đàn hoặc thủy tùng, pơ mu, sến, lim, gụ, kiền kiền… Nói chung là chỉ riêng lượng gỗ để phục vụ các quan không thôi cũng đã nuốt trọn mất một phần ba rừng Trường Sơn chứ không giỡn chơi! Vị này khẳng định nếu không tin thì hãy nhìn xem nhà của các quan lớn, có nhà nào là không dùng gỗ quí, không muốn nói là có nhiều nhà có cả sừng tê giác, nhanh cọp hoặc ngà voi…

Chính nhu cầu dùng gỗ quí ở giới quan chức nhà nước quá lớn, trong khi đó họ lại thích dùng miễn phí nên giới lâm tặc và giới kiểm lâm đã thả sức phá rừng để cung phụng cho giới quan chức và để bán ra bên ngoài. Cung phụng một phần, bán ra bên ngoài một phần nữa thì rừng nào mà trụ nổi.

Ở khía cạnh khai thác gỗ lòng hồ thủy điện, theo vị cựu chỉ huy kiểm lâm này chia sẻ thì thực ra, từ ngày Việt Nam bắt đầu có những dự án xây dựng thủy điện đến nay, trên thực tế chẳng có lợi gì cho cây cỏ và con người, giá điện vẫn tăng vùn vụt mà rừng thì cạn kiệt. Bởi ngay từ khi xây dựng dự án, lẽ ra phía nhà nước phải có những điều khoản ràng buộc để số gỗ lòng hồ không bị thất thoát, vì đó là tài sản của quốc gia thì ở đây, những dự án ma đầy rẫy.

Rừng trồng xen lẫn rừng nguyên sinh ở Trường Sơn. RFA PHOTO.
Rừng trồng xen lẫn rừng nguyên sinh ở Trường Sơn. RFA PHOTO.

Dự án ma có thể đã thành hiện thực về mặt phát điện, nghĩa là thủy điện đã hình thành như Sông Tranh 2, A Vương, Sông Tranh 1… Nhưng đó vẫn là thủy điện ma đối với gỗ rừng. Một lượng gỗ khổng lồ từ lòng hồ đã bị chủ đầu tư khai thác vô tội vạ. Trong khi đó, họ không được phép làm chuyện này, bởi đó là tài sản quốc gia. Nhưng họ ngang nhiên khai thác gỗ lòng hồ bởi đã có chia chác, toa rập giữa chủ đầu tư và các quan chức nhà nước. Nói chính xác hơn là các quan tham và các doanh nghiệp đã phá hoại rừng già.

Về phía dự án trồng rừng, theo vị cựu chỉ huy kiểm lâm này thì cũng chẳng khác nào dự án thủy điện. Bởi đất trống đồi trọc ở rừng núi, trung du còn đầy ra đấy nhưng người ta lại không trồng rừng, lại bỏ hoang, lại đi trồng rừng ở những cánh rừng già có nhiều gỗ quí. Chuyện này hết sức khôi hài và vô lý, nó chỉ cho thấy rằng người ta cố tình phá rừng lấy gỗ, sau đó trồng những cây non lên chỗ rừng bị khai thác và sau này lại khai thác cây vì đó là cây của họ trồng.

Cũng theo vị cựu chỉ huy kiểm lâm này thì thực ra, giữa lâm tặc, kiểm lâm và quan chức có chung một mối lợi ăn chia từ khai thác rừng. Chính vì mối lợi này mà rừng mau chóng bị phá sạch sành sanh. Những kiểm lâm nào muốn bảo vệ rừng, có ý định tốt sẽ bị thanh trừng theo cách này hoặc cách khác, đã có rất nhiều cái chết thương tâm của cán bộ kiểm lâm do lâm tặc giết nhưng không được đưa ra ánh sáng, cùng lắm thì nói là tai nạn, bởi đằng sau kẻ giết các kiểm lâm chân chính này là những cái dù cỡ bự.

Rừng chết, đồng bằng cũng chết

Chung là ngày nào cũng có đi làm hết, nó khai thác gõ, chò, chò đá, sến, dỗi, lim… Kiểm lâm vẫn loanh quanh đây thôi nhưng làm thinh cho tụi nó làm, làm xong nó đưa tiền phần trăm, nó làm chi kệ nó. <br/> -Một cán bộ kiểm lâm

Một cán bộ kiểm lâm khác, cũng không muốn nêu tên, chia sẻ thêm: "Chung là ngày nào cũng có đi làm hết, nó khai thác gõ, chò, chò đá, sến, dỗi, lim… Kiểm lâm vẫn loanh quanh đây thôi nhưng làm thinh cho tụi nó làm, làm xong nó đưa tiền phần trăm, nó làm chi kệ nó. Thì nó lên trên rừng cao, trên đỉnh núi, khai thác xong thì thả từng khúc tuột xuống, sau đó cho trâu kéo, đưa ra thuyền ngoài lòng hồ và cho chuyển đi bán. Lâu lâu thì cũng bị bắt nhưng do kiểm lâm từ ngoài bộ vào, họ không quen biết…"

Theo vị này, một khi rừng Trường Sơn bị trơ trọi thì cái giá phải trả nặng nhất là người đồng bằng mà nói cụ thể là những nông dân chân lấm tay bùn, giới công nhân, lao động nghèo và một số doanh nghiệp làm ăn chân chính chứ giới quan tham chẳng hề hấn gì, thậm chí bọn họ còn có được thời gian rảnh để hưởng thụ.

Nghĩa là khi rừng bị trơ trọi, mọi con lũ đầu nguồn sẽ nhanh chóng tuôn về đồng bằng, các hồ chứa thủy điện cũng nhanh chóng tràn nước, dẫn tới báo động đỏ và xả hồ để cứu đập. Tất cả những trường hợp này đều dẫn đến ngập lụt ở đồng bằng, mùa màng hư hại, tài sản và con người bị thiệt hại, các doanh nghiệp phải ngừng hoạt động vì nước lũ…

Chuyện này là chuyện trở thành nếp không chỉ riêng gì ở Quảng Nam hay ở miền Trung mà hầu hết trên cả nước, chính giới quan lại đã tàn phá thiên nhiên, để lại hậu quả cho nhân dân gánh chịu và trong lúc nhân dân đau khổ, giới quan lại này có kẻ diễn trò cứu hộ, cứu trợ để lên sóng, diễn xong lại về hưởng lạc, cũng có kẻ không cần diễn mà tha hồ hưởng lạc trong lúc nhân dân đang gồng mình do hậu quả của bọn họ để lại.
Rừng, ở Việt Nam, ngoài ý nghĩa là lá phổi thiên nhiên còn là cái đồng hồ đo lòng tham và sự thiếu trách nhiệm của giới quan chức.

Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam