Miệt vườn Tây Nam Bộ, khi nhắc đến, người ta hình dung đến những vườn cây trải dài xanh ngút mắt, trái trĩu ngọt, những con sông chằng chịt ngang dọc các miệt vườn và những con người hiền hòa, sống nhẹ nhàng, thanh thản, hòa với thiên nhiên. Nhưng có vẻ như chuyện đó đã xa quá tầm tay người miệt vườn Tây Nam Bộ. Thực tại của người Tây Nam Bộ cũng khó khăn chẳng kém mấy so với những tỉnh miền Trung và miền Bắc. Sự khó khăn đến từ hai hướng, sự xuống cấp của cảnh quan tự nhiên và sự băng hoại của hệ thống cầm quyền.
Bốn phương tám hướng
Một cựu nông dân Tây Nam Bộ, đang làm thuê trên đất Sài Gòn, tên Út Thảo, chia sẻ: "Dân dưới đó tứ xứ nhiều lắm, ăn chơi dữ lắm, vì nó giống vùng kinh tế mới ngày xưa đó. 'Bắc 75' vào nhiều."
Theo ông Út Thảo, người nông dân Tây Nam Bộ hiện tại có vẻ như đã mất đi hoàn toàn bản chất hồn nhiên và tự tin trong cuộc sống. Nếu như trước đây, với ruộng đồng hiền hòa, miệt vườn trĩu quả và cuộc sống êm đềm, nhẹ nhàng, con người đối xử với nhau hiền từ, thanh thản thì hiện tại, với đời sống ngày càng đổi thay, giọng người tứ xứ Bắc, Trung, Nam quần tụ, đặc biệt là giọng người miền Bắc hơi gay gắt và hách dịch bởi họ có vốn liếng, biết kinh doanh, biết biến nhiều người Tây Nam Bộ thành con nợ của họ đã làm cho đời sống khu vực này trở nên tăm tối, khó nói.
Hiện tại, người nông dân Tây Nam Bộ luôn đối diện với ba lựa chọn dễ nhìn thấy nhất, hoặc là cặm cụi làm ăn theo nghiệp trồng lúa, tiền lãi chẳng là bao nhiêu, khi nào buồn quá thì ngã sang đánh lô đề, đá gà, sang biên giới thử vận đỏ đen; Hoặc là chọn lên thành phố làm thuê các công việc lao động phổ thông, vào khu công nghiệp làm công nhân; Hoặc là làm gái điếm, trai dắt mối.
Và có vẻ như thế hệ trẻ ở Tây Nam Bộ chọn hướng thứ ba hơi nhiều, những người già thì chọn ở nhà làm nông, ôm mảnh vườn mà qua ngày đoạn tháng. Có nhiều khu vườn cỏ mọc umg tùm bởi thiếu sức lao động, thiếu tiền đầu tư và người ta đã gắng sức đầu tư mà không bù lỗ được nên bỏ hoang.
Trái cây Tây Nam Bộ ngày càng rớt giá, trong khi đó mọi thứ phí dịch vụ tăng cao, ngày công lao động đắt đỏ, hiếm hoi, giá điện và xăng dầu tăng vùn vụt đã khiến người nông dân trở nên thụ động, hết đường tính.
Trong khi đó, mọi tiếng gọi từ thế giới phồn hoa lúc nào cũng hấp dẫn những cô gái miệt vườn vào độ tuổi trưởng thành, thích được làm đẹp, xài sang và mong mỏi thoát khỏi đám ruộng, thoát cảnh chân lầm tay bùn, đầu tắt mặt tối hoặc cuống cuồng cơm áo của cha mẹ. Và thời điểm hiện tại, các quán bar, quán cà phê đèn mờ, tiệm massage, gội đầu, hớt tóc thanh nữ luôn là điểm đến của nhiều cô gái Tây Nam Bộ chân ướt chân ráo lên thành phố.
Đại bộ phận lớp trẻ có một chút kiến thức phổ thông thì chọn vào các công ty để làm công nhân. Số lượng công nhân người Tây Nam Bộ ở các khu công nghiệp Sài Gòn chiếm tỉ lệ khá cao. Nhưng có thể nói rằng hầu hết những người Tây Nam Bộ bôn ba lên thành phố kiếm sống bằng bất kì nghề nào cũng chỉ đủ lấp bữa, chưa bao giờ thoát khỏi sự nghèo khổ của tầng lớp lao động, của thế giới cần lao.
Ông Út Thảo buồn bã nói rằng tuy sống ở một nơi mệnh danh vựa lúa miền Nam, chỉ cần xách rổ ra đồng là đã có bữa cơm ngon lành. Nhưng hiện tại, việc phải bôn tẩu xứ người, ra đi bốn phương tám hướng để kiếm cơm là một thảm trạng không thể chối bỏ vào đâu của đại bộ phận nhân dân Tây Nam Bộ.
Những cái chết oan xuất hiện
Một người tên Bé Miễn, sống ở Cái Răng, Cần Thơ, chia sẻ: "Trước đây ở đây an ninh trật tự lắm, không có chuyện giết người, giựt dọc, trước đây có chuyện hãm hiếp vậy đó thôi, pháp luật nghiêm ngặt lắm… Đời sống ở đây hiền hòa lắm, mọi người sống chan hòa, yêu thương nhau. Người Bắc vào đây đã 40 năm hơn rồi, họ tốt lắm, chịu làm ăn, riêng mấy khoản kêu gọi đóng góp theo quy định của nhà nước là họ luôn đi đầu."
Theo chị Bé Miễn, thời gian gần đây, đời sống của người lao động Tây Nam Bộ đã thật sự bị xáo trộn, không còn hiền hòa và ngọt ngào như trước đây. Chị Bé Miễn lấy làm tiếc nuối một vùng quê thanh bình, hiền hòa mà ông bà, cha mẹ chị đã bám trụ để xây dựng tương lai.
Hiện tại, với kiểu quản lý hết sức khắc khe về mặt chính trị nhưng lại thả lỏng về mặt an ninh xã hội, để cho việc cờ bạc, đĩ điếm, xì ke ma túy diễn ra một cách công khai ở khắp mọi hang cùng ngõ hẻm đã đẩy đời sống người dân lương thiện ở nơi đây đến chỗ bế tắc.
Có những cái chết oan do cờ bạc, xì ke, tranh giành chỗ đi khách và bị công an “bắn nhầm” đã xãy ra trên mảnh đất miệt vườn này. Và theo chị Út Miễn, đây là chuyện chưa từng xãy ra, đồng thời cũng hết sức xa lạ ở Tây Nam Bộ thời Việt Nam Cộng Hòa.
Vụ công an đột nhập vào trường gà, sau đó bắn chết một thanh niên và đưa ra lý do là do chống chọi, giằng co giữa thanh niên và công an nên dẫn đến nổ súng, chết người ở Cà Mau đã khiến chị cảm thấy lo sợ cho tương lai của miệt vườn Tây Nam Bộ. Bởi vì chuyện người ta tổ chức các trường gà để dân nơi khác đến cá độ hay chơi lô đề, buôn xì ke, làm gái điếm đã diễn ra quá nhiều ở đây. Với đà này, một lúc nào đó sẽ có những cuộc đụng độ nảy lửa giữa công an với thanh niên địa phương, tính hiền lành của thanh niên nơi đây dần mất đi.
Trong khi đó, nếu như ngay từ đầu, nhà nước có một chính sách an dân hợp lý, không để cờ bạc, đĩ điếm và xì ke bạo phát thì đâu đến cớ sự như hiện tại. Mọi nguyên nhân, theo chị Bé Miễn là đều do sự quản lý vô trách nhiệm, đầy thủ đoạn và tham lam của bộ máy cầm quyền đã đẩy một miền đất từng là miệt vườn của quốc gia trở nên hung hãn, tội lỗi và vô hướng.
Rồi đây, miệt vườn Tây Nam Bộ sẽ ra sao? Người lao động miệt vườn Tây Nam Bộ sẽ tồn tại ra sao? Và xứ đất vốn hiền hòa, thanh bình này sẽ ra sao dưới bàn tay quản lý đầy lông lá của bộ máy cầm quyền hiện tại? Đó là những câu hỏi mà chị Bé Miễn đặt ra trước khi tạm biệt, tiễn chúng tôi lên tàu cao tốc.
Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam.