Cuộc sống người bán vé số ở Sài Gòn

0:00 / 0:00

Sài Gòn như một điểm dừng không thể đi thêm được nữa của người lao động nghèo. Mặc dù Sài Gòn đất chật người đông nhưng có vẻ như bất kì người lao động từ miến Bắc, miền Trung hay miền Tây Nam Bộ nào khi đi tìm đất hứa đều nghĩ đến Sài Gòn. Có người vào Sài Gòn để làm thuê, phụ hồ, chạy xe ôm, chạy xe ba gác, người ít vốn, không đủ sức khỏe thì đi buôn đậu phộng rang, đi bán me xoài cốc ổi, bán trái cây dạo. Và những người quá nghèo, vốn liếng duy nhất có thể cầm cược với người khác là thẻ căn cước thì họ sẽ dùng thẻ căn cước cầm cho đại lý vé số để mang vé số đi bán mỗi ngày.

Đất chật người đông, cạnh tranh khốc liệt

Việc bán vé số trên đất Sài Gòn thời kinh tế khó khăn nghe ra hết sức chật vật, cạnh tranh khốc liệt mà trong cuộc cạnh tranh này, người nghèo bao giờ cũng thua thiệt nhiều thứ. Có một điểm chung là đa phần người lao động Quảng Nam và Quảng Ngãi đều chọn nghề bán vé số trên đất Sài Gòn để sống qua ngày. Và nếu như thử dạo một vòng trên các quận Sài Gòn, dễ dàng bắt gặp người bán vé số gốc Quảng Nam, Quảng Ngãi chiếm số đông, sau đó đến người Bình Định, Phú Yên và thi thoảng gặp một vài người đến từ miệt Tây Nam Bộ.

Một người bán vé số tên Lý, đến từ Thăng Bình, Quảng Nam, chia sẻ: "Một bữa thì kiếm bảy chục, bốn chục, năm chục kiếm tiền qua bữa. Nếu mình đau thì họ cho một lon sữa hoặc Tết thì có chai dầu với gói bột ngọt. Giờ đi không nổi, xa quá mỏi chân đi không nổi bằng mấy đứa con gái nó mạnh. Buổi sáng thì ăn bánh mì năm ngàn, hoặc tô bún, nếu có tiền thì ăn mười ngàn, không có thì ăn năm ngàn, bảy ngàn giống ổ bánh mì. Buổi trưa cũng ăn cơm năm ngàn nếu họ không bán thì mua bảy ngàn. Bữa nay họ ít trúng nên họ ít mua, bán không ra, đi chết người luôn."

Theo bà Lý, hiện nay, số lượng người Quảng Nam, Quảng Ngãi đi bán vé số trên đất Sài Gòn chiếm rất đông, họ sống tập trung ở các khu nhà trọ trong quận Tân Bình và Gò Vấp. Sở dĩ người bán vé số sống tập trung ở hai quận này vì đây cũng là hai địa điểm có người miền Trung định cư trên đất Sài Gòn nhiều nhất. Chỉ riêng khu xóm chợ Bà Hoa, Tân Bình đã có đến vài trăm người Quảng Nam, Quảng Ngãi vào trọ để bán vé số.

Cũng trong khu vực này, chiếm hầu hết là người Quảng Nam định cư, chính vì có nhiều đồng hương đi trước, đã ổn định ở nơi đây nên những lao động nghèo đã chọn đất Tân Bình và Gò Vấp như một chỗ dựa lúc sa cơ lỡ vận mặc dù tình đồng hương ở đây cũng không giúp được gì cho họ. Nhưng dẫu sao, có chung giọng nói, thói quen và quê cũ cũng giúp những người tha phương cầu thực cảm thấy ấm lòng nơi đất khách quê người.

Nhưng cũng theo bà Lý, cuộc cạnh tranh trong nghề bán vé số càng lúc càng trở nên khốc liệt, đôi khi chính các đồng hương với nhau trở thành đối thủ đáng sợ của nhau. Ví dụ như một người Quảng Nam hay Quảng Ngãi đã ổn định, có nhà cửa nơi Sài Gòn sẽ dễ dàng trụ lại trong cơn lốc kinh tế trượt dốc. Một người thất nghiệp chỉ cần bày một chiếc bàn trước cửa nhà, nhận một loạt vé số về bán và khi bán họ sẽ có chế độ ưu đãi đặc biệt cho khách hàng, sẽ hút khách gấp nhiều lần so với người đi bán dạo.

Ví dụ như trường hợp khuyến mãi một cặp vé 50 tờ, nếu trúng hai số cuối của giải đặc biệt sẽ được nhận 500 ngàn đồng. Nếu làm một phép toán kinh tế, chuyện này rất đơn giản. 50 tấm vé loại 10 ngàn đồng, người bán sẽ lãi được 50 ngàn đồng theo mức hoa hồng 10%. Và khi bán xong cặp vé 50 tấm, đại lý chỉ cần gọi điện thoại cho số đề, ghi hai số cuối của cặp vé vừa bán theo diện đầu đuôi hoặc theo diện đuôi chừng 20 ngàn đồng.

Nếu tối đó xuất hiện hai số cuối trong giải đặc biệt, đại lý vé số sẽ trúng đề được từ bảy trăm ngàn đồng nếu ghi đầu đuôi đến một triệu bốn trăm ngàn đồng nếu chỉ ghi số đuôi. Như vậy, vẫn lãi được 30 ngàn đồng từ hoa hồng mà vẫn dư được 200 ngàn đồng hoặc 400 ngàn đồng nếu xuất hiện hai số đuôi, sau khi đã thanh toán giải thưởng cho khách.

Chính nhờ lợi thế ngồi tại chỗ, bán cặp lớn và thu hút được những khách hàng chịu chơi bởi số lượng vé nhiều, phong phú, khác xa với người đi bán dạo chỉ có lèo tèo một đến hai trăm vé, trong đó gánh cả tiền thuê phòng trọ, tiền ăn, tiền tích lũy phòng khi đau ốm, tiền gửi về giúp đỡ gia đình ngoài quê. Nói theo cách gì, người bán vé số dạo cũng không thể nào cạnh tranh nổi với các điểm bán cố định.

Thu nhập ngày càng teo tóp

Một người bán vé số đang mời khách. RFA photo
Một người bán vé số đang mời khách. RFA photo (Một người bán vé số đang mời khách. RFA photo )

Một người bán vé số tên Nhường, đến từ Quảng Ngãi, hiện trú ngụ tại Gò Vấp, Sài Gòn, chia sẻ: "Tuổi già mà đi bán vé số là bất đắc dĩ vì cuộc sống mà phải làm, chứ nắng thế này đi đau đớn lắm. Vì không có con cháu, không có nhà cửa nên phải ở nhờ nhà họ. Bữa trưa gặp dọc đường thì ăn đại một miếng."

Theo ông Nhường, việc đi bán vé số mỗi ngày, nếu nói lãng mạn một chút là đánh cược sự may mắn cho một ai đó thì cũng là việc đánh cược sự may mắn và sức khỏe của bản thân với nắng mưa, với xe cộ ngược xuôi và với bản thân mỗi ngày thêm mệt mỏi, rời rạc, hết muốn sống.

Nhưng con người, một khi còn thở thì còn phải biết lăn lê ngoài đời để kiếm ăn. Mặc dù với tuổi đời thuộc vào dạng “cổ lai hy” nhưng ông không có nơi nương tựa, nếu nghỉ bán vé số cũng không có gì để ăn, không có chỗ để ở. Ông có mệt cũng phải bước ra đường mà mời từng tấm vé số. Nếu bỏ cuộc về quê, cái nghèo sẽ chào đón ông trong vòng vài ngày, sau đó cái đói ghé đến, thậm chí chết không có tiền mua quan tài. Chính vì vậy, ông phải nỗ lực mỗi ngày để dành dụm, tích lũy phòng khi nhắm mắt xuôi tay, hàng xóm có cái để mua giùm ông chiếc quan tài.

Hiện tại, mỗi ngày ông Nhường đi bộ từ mười đến hai chục cây số, dạo qua các quán cà phê, quán cơm ở các quận Gò Vấp, Tân Bình, có khi xuống đến quận Thủ Đức rồi lại quay về đại lý trả vé số thừa trước bốn giờ chiều. Dù mệt cỡ nào ông cũng phải có mặt tại đại lý lúc bốn giờ kém. Nếu về không kịp, số vé thừa ông phải tự ôm lấy và đền tiền cho nhà nước.

Có ngày đi bán chỉ kiếm được hai chục ngàn đồng, cũng có ngày mưa gió, không thể bán được, ông chỉ cầu trời bán cho được mười tờ quanh quẩn chỗ quán cà phê gần phòng trọ và đội mưa đến đại lý trả vé. Có được mười ngàn, ông sẽ mua được một gói mì tôm loại rẻ và hai ổ bánh mì không. Như vậy đã đủ một bữa ấm lòng. Trường hợp trời không mưa mà bán ế thì ông sẽ đến quán cơm từ thiện giá hai ngàn đồng để ăn. Cũng có bữa ông được hàng cơm cho cơm để ăn.

Ông Nhường nói rằng đâu chỉ riêng ông già cả, khó khăn phải bươn chải trên đất Sài Gòn này mà hầu hết những người già không nơi nương tựa, chưa đủ tám mươi tuổi để nhận mỗi tháng 180 ngàn đồng của nhà nước hằng tháng, thì đều phải bươn bả ngược xuôi, đều phải chật vật kiếm ăn qua ngày giữa đất Sài Gòn. Dù sao ông cũng cám ơn Sài Gòn đã mở rộng vòng tay cưu mang ông và những người cùng khổ giống như ông!