Ô nhiễm hơn 10 năm qua
Một ngày gần cuối tháng 7 chúng tôi có mặt tại mỏ than Nông Sơn toạ lạc tại huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam - chỉ một tuần sau khi bãi thải tại mỏ than này vừa bốc cháy.
Các bãi thải than này thuộc quản lý của Than điện Nông Sơn (tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam). Đây là mỏ than duy nhất ở Quảng Nam được khai thác phục vụ nhà máy nhiệt điện đóng chân tại mỏ.
Trước đó, theo báo cáo của xã Quế Trung được truyền thông Nhà nước Việt Nam loan, trong tháng 5 và tháng 6/2021, bãi thải này cũng đã từng bị cháy.
Việc cháy than thải không chỉ tác động đến môi trường mà còn khiến cuộc sống người dân địa phương bị ảnh hưởng trầm trọng.
Một số người dân tại hai thôn Trung Thượng và Nông Sơn (không muốn nêu tên vì lý do an toàn) sống gần mỏ than Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam cho chúng tôi biết cuộc sống của họ đã bị ảnh hưởng ra sao sau khi bãi thải than phát cháy:
“Thúi chịu không nổi, thúi đau đầu ngủ không được luôn, thúi mà cô dậy xức dầu mới ngủ được”.
“Cỡ tầm 4h sáng đến 6h là thúi chịu không nổi. Qua khu này xuống tới đây thúi lắm”.
Theo thông tin báo nhà nước đăng tải, sau khi bãi thải phát cháy, Công ty Cổ phần Than - Điện Nông Sơn đã triển khai các giải pháp dập tắt đám cháy và xử lý mùi hôi.
Tuy nhiên, theo chia sẻ của người dân, tình trạng ô nhiễm không khí từ bãi thải không phải mới có mà đã có từ hơn chục năm trước, họ nói:
“Nhiệt điện đó quá độc, ngày mình quét sân là sáng hắn (nhiệt điện) thả ra khói là sáng rờ tay đen thui, nước ngoài sân cô đậy nắp sáng dậy cô rửa, đen thui, quá độc. Uống nước trên khe núi quá độc, có giếng đậy lại cũng đỡ, mà ở đây uống nước khe nhiều, nước khe trên núi ngọt, ngon lắm”.
Do hít phải mùi hôi thối từ hàng chục năm nên gần như sức khoẻ của những người sống quanh khu vực trên đều có vấn đề. Một người dân cho biết:
“Chắc cũng bị ảnh hưởng đau nhức đầu, chắc cũng bị ung thư luôn chứ.
“Trời, cô thở không ra, cô bị bướu cổ nên thở không được, nhất là ở đây ảnh hưởng khói lên, có khi cô rờ cái bàn để ngoài sân mà cũng đen thui, nói cũng không được, kêu trời cũng không thấu. Biết bao nhiêu người làm biết bao nhiêu, sầu riêng cũng rụng, đủ thứ vẫn không được nên phải chịu. Chờ phóng viên, nhà báo đăng lên lên án chứ dân ở đây không thể chịu nổi”.
Mong Chính phủ vào cuộc
Không chỉ người dân hai thôn Trung Thượng và Nông Sơn bị ảnh hưởng trực tiếp, làng sinh thái du lịch Đại Bình cách xa nhà máy nhiệt điện – than Nông Sơn khoảng một km cũng chung số phận -bị ảnh hưởng bởi mùi hôi thối từ bãi thải. Một nhân viên làm việc tại đây cho biết:
“Nó có mùi thúi, độc hại, cây cối hư hết, không có hoa, trái rụng mà giờ làm được gì, nhà nước làm dân đây cũng phải chịu chứ biết nói ai.
![Bãi thải mỏ than Nông Sơn. RFA](https://www.rfa.org/resizer/v2/4L5UMCLQQOHH22FVSBFMHKDYH4.png?auth=a9502f21c6add73cff2ead5c04b1286ce17b240589d47edf51c6c4a8903cfa90&width=800&height=423)
“Thúi quắc lâu rồi ở thôn này, họ khai thác nhiều chừng nào là nó độc nhiều chừng đó”.
Một người dân sống ở làng Đại Bình còn cho biết, do ô nhiễm của nhà máy Nông Sơn mà làng trái cây Đại Bình giờ không còn trái cây để ăn chứ chưa nói đến việc buôn bán.
“Dân họ cũng mong muốn làm sao cho hết thúi, hơi đừng tới nữa để cây có trái cho dân ăn chứ làng Đại Bình này có trái cây đó thôi, dân họ sống có trái cây thôi mà giờ nó chết, bị ảnh hưởng thế nào mình cũng không biết được. Mà nó thúi thiệt, thúi quá”.
“Sống nhờ cây cối mà giờ cây cối bị ảnh hưởng của không khí nên hư hết, cây ra hoa mấy cái rồi tự nhiên rụng hết trơn, đến mùa giờ không còn, mấy năm là bữa nay vô là đầy cây trái. 4-5 năm nay, từ khi nhà máy nhiệt điện đó lên là đủ thứ vậy đó.
Người dân còn cho biết Chính quyền không vào cuộc giải quyết dứt điểm ô nhiễm nên nhiều người phải cầu cứu, chia sẻ trên mạng xã hội nhưng cũng chưa thấy ai vào cuộc. Họ lo sợ thế hệ con cháu của họ lại tiếp tục chịu đựng ô nhiễm, sẽ không an toàn cho sức khoẻ. Một người dân phân trần:
“Trên Nhiệt điện Nam Sơn có nhà máy phóng tỏa ra lưu huỳnh, mùi thúi xuống đây, khi mình ngủ, đóng cửa nghe mùi hôi như mùi cứt heo, tỏa nồng. Lâu lắm rồi, mấy năm nay rồi mà không làm gì được”.
“Trên kia ảnh hưởng nhiều hơn như ung thư phổi, ung thư gan nhưng không thấy bố trí gì. Họ cũng lên mạng chia sẻ đủ thứ mà không được gì hết”.
Được biết, lãnh đạo Than điện Nông Sơn hôm 18/7 cho truyền thông biết họ đang triển khai khảo sát đánh giá đầu tư dự án tuyển rửa thu hồi than từ đất đá thải, đá xít thải để tận thu tài nguyên và xử lý triệt để nguồn cháy. Theo đó, đơn vị này đang lập và trình mục tiêu Dự án lên cấp chủ quản của ngành than Việt Nam để phê duyệt vào đầu quý 3/2021. Dự kiến sẽ triển khai thi công vào năm 2022, khi Dự án hoạt động sẽ giúp mỏ than Nông Sơn đảm bảo tốt về môi trường.
Tuy nhiên, theo chia sẻ của người dân, mới đây Ủy ban Nhân dân Quảng Nam thay vì giải quyết tình trạng ô nhiễm lại ký văn bản chỉ đạo lãnh đạo huyện Nông Sơn và lãnh đạo xã Quế Trung cũng như Công ty Cổ phần Than – Điện Nông Sơn phải ‘tuyên truyền, vận động người dân để tạo sự đồng thuận trong quá trình hoạt động lâu dài của dự án’.
Trước thông tin trên, đại đa số người dân sống quanh khu vực bị ảnh hưởng của bãi thải đều cho biết không đồng ý phương án sống chung với ô nhiễm. Điều họ mong muốn bây giờ là Chính phủ vào cuộc chỉ đạo lãnh đạo tỉnh giải quyết dứt điểm ô nhiễm trả lại không khí trong lành cho hàng trăm hộ dân nơi.
“Mong muốn của cô là dẹp luôn cái nhiệt điện đó luôn, còn than trên núi cháy từ hồi nào đến giờ mình không nói. Nhiệt điện cũng là than là một, nhưng than từ đời cha cô tới giờ cái mỏ ít khai thác, ít cháy, giờ nhiệt điện lên là chặn cái khói lên nhiều nữa.
Nói mà cũng không được gì, nói thiệt chứ, họa may phóng viên, nhà báo làm rùm beng chứ ở đây sau này con nít bị ung hư hết. Như cô già rồi chết cũng được nhưng cháu cô, lớp nhỏ tội. Mỗi lần khói lên, mỗi lần nó xả là cái nhà này rung hết, chịu không nổi”.