Ô nhiễm từ vụ tràn dầu Fusel
Do đó, công ty đề nghị được xử lý hết hàng tồn kho, sau đó sẽ dừng sản xuất, chờ kết luận của các cơ quan chức năng. Được biết, lượng tồn kho còn khoảng 9.000 m3 (tương đương khoảng 1.000m3 cồn, 600 tấn C02 và 300 tấn bả sấy) chưa được xử lý và khoảng 1.200m3 cồn tồn kho chưa được xuất bán. Tuy nhiên, kiến nghị này chưa nhận được sự đồng tình của lãnh đạo huyện, tỉnh. Trong thời gian đó, câu chuyện ô nhiễm và người dân phải chịu đựng ô nhiễm tiếp tục khiến giới chức địa phương đau đầu…
Bởi lẽ, sau hơn 10 ngày sự cố tràn dầu Fusel xảy ra, đến nay tại khu vực nhà máy Đại Tân vẫn còn phát tán mùi hôi rất khó chịu. Người dân không chịu nổi đã vây nhà máy buộc chính quyền phải cho nhà máy đóng cửa hoặc dời đi nơi khác.
Chúng tôi có mặt tại nhà máy Đại Tân vào ngày 27/9 và quan sát thấy phía bên phải nhà máy là một ao nước rộng lớn mùi hóa chất bốc lên hôi thối nồng nặc. Chỉ cần đứng quay hình khoảng vài chục giây cho đến một phút, chúng tôi buộc phải chạy khỏi khu vực gần đó vì mùi hóa chất khiến lồng ngực bị ép, rất khó thở và nước mắt nước mũi chảy ràn rụa.
Người dân chia sẻ rằng, mức độ hôi thối mà chúng tôi hít thở ở hiện tại không bằng vài phần trăm mà người dân hít thở từ mấy năm qua hễ khi nhà máy xả thải. Và đỉnh điểm là vào sáng 19/9/2019, đã xảy ra cháy nổ tại nhà máy khiến khối lượng lớn dầu Fusel tràn ra bên ngoài, ra cống xả thải. Mùi hóa chất hôi thối theo gió bay vào nhà dân, nhiều gia đình có trẻ nhỏ phải bồng bế con chạy ra ngoài vì sợ ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ nhỏ.
Ngay trong ngày hôm đó, người dân đã kéo lên nhà máy, giăng lều bạt bao vây nhà máy, ngăn chặn xe và không cho công nhân vào nhà máy làm việc, buộc nhà máy phải ngưng hoạt động, yêu cầu chính quyền xã Đại Tân và huyện Đại Lộc xuống giải quyết.
Do đó, việc xả thải tạm ngưng nên chúng tôi mới hít thở mùi hôi thối ở mức độ “nhẹ” hơn rất nhiều, theo cách diễn tả của người dân.
Chị Huệ cùng nhiều người dân thôn Nam Phước chia sẻ mức độ của mùi hôi thối.
“Vừa đây thả cái mùi dầu fusel gì đó mà nó tức ngực thở không được”
“Thở không ra, tức ngực, mũi thì nồng, tức ngực thở không được, coi như con nít chịu không nổi phải bồng đi di tản chỗ khác hết chứ không có ở. Mình thở không ra thì con nít chịu chi nổi cho nên dân mới bức xúc quá mới ra ngăn cản, không cho hoạt động để nhà máy họ giải quyết, để cấp trên về giải quyết chứ còn như thế này thì dân chịu không có nổi.”
Giải thích cho vụ xả thải rạng sáng ngày 19/9, ông Phạm Văn Tĩnh-Phó Giám đốc Nhà máy Cồn Đại Tân trả lời báo đài Việt Nam rằng, nguyên nhân ban đầu là do trong quá trình sản xuất, công nhân vận hành đã để tràn dầu fusel, một loại dung dịch được chiết xuất từ cồn ethanol, dẫn đến phát tán mùi đặc trưng.
Chị Huệ và nhiều người dân thôn Nam Phước bác bỏ cách giải thích này của ông Tĩnh. Chị Huệ nói:
" Nhà máy cồn ảnh hưởng đến người dân nói chung là nước thải ra hôi thối bà con chịu không nổi mà nhà máy cồn cứ kêu là do sự cố. Thực chất sự cố mà ban ngày không sự cố mà toàn sự cố ban đêm, chủ yếu ban đêm cỡ 11-12h khuya thải miết cho đến 1-2h sáng hôm sau"
Được biết, nhà máy cồn Đại Tân trước đây thuộc Công ty cổ phần Đồng Xanh với tổng vốn đầu tư trên 600 tỷ đồng. Vào tháng 11/2012, nhà máy phải tạm dừng hoạt động do làm ăn thua lỗ. Đến tháng 3/2015, Công ty cổ phần Nhiên liệu sinh học Tùng Lâm mua lại toàn bộ Nhà máy. Từ khi hoạt động trở lại, nhà máy liên tục gặp sự cố gây ô nhiễm môi trường.
Bà Bền, cư dân thôn Nam Phước bức xúc nói nhà máy gây thiệt hại cho gia đình và bà con chòm xóm là quá lớn.
“Nhà máy cồn này gây ảnh hưởng đến cuộc sống gia đình tôi quá chi là thiệt hại, cá nuôi thì chết hết còn bò thì nuôi sảy thai. Vay tiền để nuôi bò cuối cùng sảy thai mang đi bán lỗ bán tháo giờ mắc nợ Nhà nước cả mớ, còn ruộng nương trôi bả ra, lội xuống bờ là lở loét hết, lúa má lên là rã hết.”
Nhưng có lẽ, ảnh hưởng nghiêm trọng nhất đến cuộc sống của người dân thôn Nam Phước hiện tại là nguồn nước bị ô nhiễm. Người dân tố cáo việc nhà máy đào ao sâu, tích trữ hóa chất lâu ngày đã thấm sâu xuống mạch nước khiến hầu hết giếng nước của người dân bị hư hỏng. Người dân không có nước sinh hoạt buộc phải mua nước bình về sử dụng, rất tốn kém.
Chị Lạc, cư dân thôn Nam Phước chia sẻ:
“Giếng bỏ hết, không ai làm được gì hết. Còn ăn cứ mua nước vậy đó chứ đâu có nước.”
“Tắm. Con nít mới sinh ra với lại con nít đi học mẫu giáo đều tắm nước bình hết. Ngứa, nổi ghẻ hết. Không có thể sử dụng được, người lớn đây da còn ấy được, còn tắm được chứ con nít thì không.”
Từ tháng 7/2016 đến nay, nhiều người dân ký vào đơn yêu cầu cơ quan chức năng địa phương vào cuộc xử lý những sai phạm do nhà máy gây ra. Tuy nhiên, người dân cho biết là chẳng thấy chính quyền giải quyết gì và nhà máy cũng làm ngơ trước khó khăn, thiệt hại của người dân.
“Dân ở đây cứ bị ảnh hưởng vậy đó. Cứ gởi bao nhiêu đơn, bao nhiêu lần giải quyết cũng không được”- Lời của chị Huệ.
Sự cố ngày 19/9 là giọt nước tràn ly. Bà con quá sức chịu đựng nên mới giăng lều, yêu cầu nhà máy đóng cửa.
Chị Lạc, người dân tại đây cho biết:
“Đây là lần đầu tiên mới làm như thế này, còn mấy lần cũng có tới nói, cũng ra phản ánh mà công ty đây nó coi thường dân quá, nó không đếm xỉa gì đến dân cả, coi dân như rác vậy đó.”
“Dân ở đây kêu không thấu trời. Không làm chi được hết trơn”
Đáng nói là trường hợp gia đình bà Bền và một vài hộ dân sống gần hầm ga của nhà máy cho biết:
“Hai năm nay nói nhà máy cồn mới bắt nước cho sử dụng, bữa nay xảy ra vụ ô nhiễm thì họ cắt nước. Từ sáng hôm qua (ngày 27/9) họ cắt nước không có nước dùng, giờ không biết nước ở đâu để dân xung quanh đây sử dụng.”
Trước tình hình căng thẳng giữa nhà máy cồn Đại Tân và những hộ dân sinh sống xung quanh khu vực, vào ngày 19/9/2019 Sở Tài nguyên& Môi trường tỉnh Quảng Nam, Phòng Tài nguyên& Môi trường H.Đại Lộc và Công an H.Đại Lộc đã về lấy mẫu nước thải, khí thải để xét nghiệm. Ngày 20/9/2019, lãnh đạo huyện Đại Lộc đã tổ chức buổi đối thoại với đại diện nhà máy và người dân. Tuy nhiên, buổi đối thoại đã không tìm được tiếng nói chung.
Bức xúc trước việc địa phương không có phương án giải quyết khẩn cấp, nhiều hộ dân cho rằng:
“Tôi đây cũng như tất cả người dân mong muốn làm sao các cơ quan chính quyền giải quyết cho dân được sống một môi trường trong sạch, yên ổn, lành mạnh, không có gì xảy ra nữa.”
Trong thời gian chờ đợi kết quả xét nghiệm của Sở Tài nguyên& Môi trường tỉnh Quảng Nam, lãnh đạo huyện Đại Lộc cũng đã yêu cầu nhà máy cồn Đại Tân tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của người dân.
"Hồi trước Tỉnh đứng ra cho nhà máy làm thì giờ Tỉnh phải giải quyết sao cho dân chứ còn dân chết sống gì cũng nằm đó chứ không đi đâu hết. Huyện về rồi nhưng dân không chịu, ô nhiễm quá nhiều rồi."- Lời của bà Bền. (3)
Chúng tôi liên lạc rất nhiều lãnh đạo H.Đại Lộc để hỏi thêm một số thông tin liên quan đến vụ việc nhưng hầu hết đều không bắt máy điện thoại.
Đến ô nhiễm các bãi rác
Cùng thời điểm đó, vào ngày 25/9/2019, lãnh đạo huyện Núi Thành cho biết sau hơn hai tháng dựng lều chặn xe, người dân thôn Bích Nam đã đồng ý cho xe chở vật liệu vào khu xử lý rác thải Tam Xuân 2, xã Tam Xuân 2 sau khi nghe tổ công tác của UBND huyện đến vận động. Tuy nhiên, tiếp xúc với người dân thôn Bích Nam chúng tôi được biết không có chuyện người dân đồng ý mà chính quyền đã dùng một lực lượng Công an đến áp đảo, trấn áp người dân.
Hiện tại bãi rác Tam Xuân 2, mùi hôi thối tại đây giảm đáng kể vì người dân không cho xe rác vào bãi tập kết đổ rác.
Trong khi đó, tại bãi rác Khánh Sơn (Đà Nẵng), mặc dù Sở tài nguyên môi trường Đà Nẵng đã triển khai phủ bạt HDPF tại các bãi chôn lấp ở bãi rác nhằm tránh mùi hôi phát tán vào ngày 13/9/2019 với kinh phí 12,5 tỉ đồng nhưng đến thời điểm này việc phủ bạt vẫn chưa hoàn thành do đó người dân cho biết mùi hôi vẫn còn nồng nặc.
Nhiều người dân sinh sống xung quanh bãi rác Khánh Sơn mà chúng tôi có dịp trao đổi cho biết, mùi hôi thối phát ra bất kể thời gian trong ngày nhưng thường diễn ra tầm khoảng từ chiều cho đến tối muộn trong ngày và mùi hôi thối nồng nặc nhất là khi trời mưa, tức là thời điểm bãi rác Khánh Sơn lợi dụng xả thải.
Bà Quýt sinh sống gần bãi rác Khánh Sơn chia sẻ điều này:
“Nó hôi cũng như bãi rác mình biết rồi, đây là bãi rác Khánh Sơn biết rồi chứ đợi chi mà nói. Cỡ bảy giờ, bảy giờ rưỡi tối lên đây là thấy hôi rồi”
“Trời mưa ri đây chứ bắt đầu nắng lên là hôi hơn hồi mưa nữa. Ví dụ nắng hoài thì thôi chứ mưa xuống mà nắng lên là nó bốc mùi khó chịu lắm.”
Không chỉ những hộ dân sinh sống xung quanh khu vực bãi rác Khánh Sơn, thuộc khu dân cư Khánh Sơn mới bị ảnh hưởng bởi mùi hôi thối mà mùi hôi thối này theo không khí lan tỏa ra diện rộng, ngay cả khu dân cư Đà Sơn hay Phước Lý dù ở cách xa hàng km từ nhiều năm qua cũng vẫn bị ảnh hưởng.
“Dân mình quá bức xúc. Tại sao dân mình bức xúc? Dân mình ở đây cả ba chục năm rồi nghĩ răng không bức xúc.”-Lời của chị Vân tạp hóa.
Theo lãnh đạo Đà Nẵng việc phủ bạt 9ha không thể hoàn thành trong năm nay. Dự kiến đến 12/2019 chỉ có thể phủ bạt 75% bãi rác.
Hiện tại đó cũng chỉ là phương án tạm thời của thành phố trong khi đó bà con ở xung quanh khu bãi rác Khánh Sơn cần sự giải quyết dứt điểm của lãnh đạo các cấp, để họ được sống dưới bầu không khí trong lành hơn.