Bùng phát trường mầm non tư thục và chất lượng giáo viên

0:00 / 0:00

Năm 2015 có thể nói là năm bùng phát trường mầm non tư thục từ Bắc chí Nam Việt Nam. Bởi năm 2012 và 2014 được xem là hai năm có khí vận tốt, hầu hết các cặp vợ chồng đều chọn sinh con ở hai năm này. Chính vì vậy, số lượng trẻ em tăng đột ngột, nhu cầu về nhà trẻ, trường mẫu giáo tăng cao. Và đây cùng là lúc các doanh nghiệp nhảy vào làm kinh doanh trong ngành giáo dục mầm non, tạo ra một bầu khí quyển hết sức lộn xộn và có nguy cơ tiếp tục kéo ngành giáo dục tuột dốc bởi những trường tư thục có tiền nhưng lại không có chuyên môn này.

Dư tiền nhưng thiếu chuyên môn

Một phụ huynh học sinh ở thành phố Hải Phòng, tên Thi, tỏ ra lo lắng:

Bản thân trường tư thục thường mang mặc cảm xã hội bởi cho đến bây giờ vẫn bị xem là hạng thứ cấp. Có một số trường có chất lượng cao, số còn lại chất lượng không cao được. <br/> -Ông Thi

“Bản thân trường tư thục thường mang mặc cảm xã hội bởi cho đến bây giờ vẫn bị xem là hạng thứ cấp. Có một số trường có chất lượng cao, số còn lại chất lượng không cao được. Về mặt chuyên môn, đương nhiên đội ngũ giáo viên của trường nhà nước vẫn tốt hơn nhiều (so với những trường làm ăn theo kiểu chụp giật). Rất khó có chuyện tốt hơn… Đây là mình nói tổng quát, trừ một số nhân vật xuất chúng, người ta sẽ có phương hướng tốt hơn…”

Theo ông Thi, hiện nay, các trường mầm non tư thục mọc lên rất nhiều. Trong đó, một số trường có chất lượng khá, số còn lại không đáng tin cậy. Là một người làm trong ngành giáo dục và có quan tâm về vấn đề này nên ông Thi cũng tìm hiểu thên ở một số tỉnh miền Nam và miền Trung, tình trạng trường mầm non mọc ra quá nhiều nhưng lại thiếu chất lượng chuyên môn cũng đầy rẫy.

Ông Thi giải thích vấn đề này theo hướng chất lượng chuyên môn của giáo viên chứ không phải cơ sở vật chất. Và cũng theo ông, hiện nay, trừ một số trường tư thục có đội ngũ giáo viên giỏi ra, hầu hết các trường mầm non tư thục đều thiếu trầm trọng những giáo viên, bảo mẫu có chuyên môn và yêu nghề. Trong khi đó, cơ sở vật chất tốt chỉ là vấn đề đủ chứ không phải là vấn đề cần.

Các trường mầm non tư thục luôn đi trước về cơ sở vật chất nhưng lại quá tụt hậu về chuyên môn của giáo viên mà đây mới là vấn đề mấu chốt. Sở dĩ có chuyện tréo ngoe như vậy cũng rất dể hiểu vì hầu hết những giáo viên có tuổi nghề cao đều đã có biên chế trong trường mầm non nhà nước và các trường nhà nước chỉ cần đầu tư cơ sở vật chất tốt hơn, tránh tình trạng rút ruột quá nhiều thì chỉ trong một niên khóa đã có một ngôi trường bề thế với đầy đủ giáo viên, cơ sở vật chất tốt.

Một trường mầm non ở Đà Nẵng, 10/3/2015. AFP PHOTO.
Một trường mầm non ở Đà Nẵng, 10/3/2015. AFP PHOTO.

Ngược lại, các trường tư thục không phải là chỗ để các sinh viên tốt nghiệp loại giỏi hay loại khá tìm đến xin việc, hơn nữa ngay cảchủ đầu tư cũng chưa chắc đã có hiểu biết gì về giáo dục nói chung và giáo dục mầm non nói riêng. Chính vì vậy, cái lõi của giáo dục mầm non thường thiếu vắng ở các trường tư thục. Sự thiếu vắng này xảy ra ở hai khía cạnh, hoặc là trường có một ban giám hiệu tốt nhưng lại không có giáo viên tốt, hoặc ngược lại trường có vài giáo viên tạm gọi là tốt nhưng lại không có ban giám hiệu tốt.

Ở trường hợp có ban giám hiệu tốt nhưng không có giáo viên tốt hay rơi vào những giáo viên về hưu, những người có quan tâm đến vấn đề giáo dục đứng ra mở trường tư thục. Nhưng sự khó khăn của các trường này luôn nằm ở chỗ vì có quan tâm đến giáo dục nên mức học phí vừa phải, đủ để con em công nhân đến học, lợi nhuận thấp. Và lương giáo viên các trường này không cao nên ít thu hút giáo viên có trách nhiệm với nghề.

Trường hợp thiếu ban giám hiệu tốt là trường hợp phổ biến hiện nay ở đa số các trường mầm non tư thục. Bởi lẽ, nhà đầu tư có tiền nhưng lại không có chuyên môn về giáo dục, thậm chí có nhiều nhà đầu tư thiếu cả trình độ giáo dục phổ thông nhưng vẫn có thể đứng đằng sau một tấm bằng giả hoặc mượn ai đó có bằng cấp đứng tên để mở trường, sau đó chia phần trăm lợi nhuận cho người đứng tên.

Chính vì thiếu chuyên môn nên khi thiết kế xây dựng trường, nhìn bên ngoài trường có vẻ rất hấp dẫn nhưng bên trong thì thiếu mọi sự an toàn. Ví dụ như dùng các ca-po dài trong việc tiểu tiện để lắp ngay trước cửa phòng và qui định các cháu ngủ dậy phải ra trước hành lang đứng đánh răng là chuyện hết sức phản khoa học. Thứ nhất, tính thẩm mỹ không có, ngay từ nhỏ, các em đã không được tiếp xúc với mỹ học một cách nghiêm túc, thứ hai, hành lang là nơi các em chạy chơi, nếu dùng làm nơi đánh răng thì nước sẽ văng ra nền, nguy cơ trượt chân, ngã xuống nền gạch men là rất cao. Đây là vấn đề cơ bản mà những trường mầm non tư thục không có chuyên môn sẽ không thấy được.

Nguồn giáo viên bất minh

Một phụ huynh học sinh khác tên Nhã, ở thành phố Hải Phòng có con đang độ tuổi mẫu giáo, tỏ ra lo lắng:

Thì nó cũng tùy lắm, không phải khi nào cũng tốt. Nó cũng vất vả lắm để tìm một trường tư tốt. Mức học phí ở những trường tư thục tốt thì quá cao. Số còn lại thì cũng tùy… <br/> -Bà Nhã

“Thì nó cũng tùy lắm, không phải khi nào cũng tốt. Nó cũng vất vả lắm để tìm một trường tư tốt. Mức học phí ở những trường tư thục tốt thì quá cao. Số còn lại thì cũng tùy…”

Theo bà Nhã, tình trạng nguồn giáo viên bất minh ở một số trường mầm non tư thục đang là tình trạng báo động hiện nay. Đặc biệt, niên khóa 2015 mới vừa khai giảng, một số trường mầm non tư thục mọc ra quá vội vã và họ không tài nào đủ sức để tuyển dụng những giáo viên mầm non có chất lượng, hầu hết chỉ có chừng 50% giáo viên là có bằng cấp, chuyên môn hoặc kinh nghiệm, số còn lại hết sức bất minh.

Sự bất minh này xuất phát từ nguồn tuyển cho đến cách sắp xếp nhân sự. Như một trường tư thục có chia sẻ camera quan sát tại nhà mà bà Nhã mới cho con nghỉ học sau khi nhìn thấy con mình bị hành hạ. Sau khi cho con nghỉ học, bà tiếp tục tìm hiểu thêm về ngôi trường mà bà đã chọn cho con thì hỡi ôi, kẻ đứng tên hiệu trưởng trường không phải là thật mà chủ thật của ngôi trường này là một doanh nghiệp chuyên buôn cám lợn và thức ăn gia cầm!

Ngay cả đội ngũ giáo viên của họ cũng có vấn đề nốt, có một số giáo viên xuất thân từ các tiệm hớt tóc thanh nữ, nay đã bỏ nghề hoặc tạm bỏ nghề để đi dạy trong thời gian thiếu giáo viên nhằm an dưỡng tìm cơ hội mới. Đương nhiên là các giáo viên, bảo mẫu này vẫn đứng lớp, vẫn dạy các cháu học sinh nhưng trên danh nghĩa thì họ chỉ làm một số việc lặt vặt trong trường. Đây là cách qua mặt ngành quản lý giáo dục và hợp thức hóa đội ngũ của một người buôn cám lợn khi chuyển sang kinh doanh giáo dục. Bà Nhã và nhiều phụ huynh khác đã hết sức bất bình, cho con nghỉ học, đợi niên khóa mới sẽ xin vào trường nhà nước để học.

Bà Nhã lấy làm tiếc rằng các trường mầm non của nhà nước quá nít, không đủ phòng lớp đáp ứng cho nhu cầu học của trẻ hiện nay. Trong khi đó, các dịch vụ mầm non tư thục đang nở rộ nhưng lại không hứa hẹn một tương lai tốt. Bởi với bà Nhã và nhiều phụ huynh khác nói chung, cái lõi để tạo nên nhân cách một đứa trẻ trong tương lai chính là cô giáo, thầy giáo chứ không phải là ngôi trường, điều kiện vật chất chỉ đóng vai trò thứ yếu. Nhưng, để có một một giáo viên tốt thì lại rất cần một nền giáo dục tốt và một môi trường chính trị trong sạch.

Bởi chỉ có môi trường chính trị trong sạch, có tri thức thì mới tạo ra được môi trường giáo dục trong lành, không bị nạn tham nhũng tràn lan.

Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam.