Quảng Nam:Tiểu thương bức xúc khi bị chính quyền xã "ép" dời chợ…

Trao đổi với chúng tôi, tiểu thương tên T (không muốn nêu danh tánh thật vì sợ chính quyền xã) nói:

" N guyện vọng của bà con là 100% ai cũng muốn ở lại hết, chỉ có xã là dùng mọi thủ đoạn để ép buộc chúng tôi."

"Quyền tự do dân chủ của dân, tôi hỏi chính quyền lo cho dân được những gì? Trong lúc hàng hóa của chúng tôi chờ buôn bán Tết nhưng dời chợ ở dạng mời nhưng mà không thể gọi là mời, không phải là mời như ép buộc rồi".-Chị tiểu thương hàng vải bức xúc.

Tiểu thương N. và H. cũng cho rằng chính quyền xã những ngày gần đây liên tục thúc ép, khiến họ lo sợ, nhất là trong những tháng cuối năm hàng hóa đang chất đầy kho để bán Tết.

"Mấy ảnh cứ điện nói đi nói lại, rồi gửi giấy mời miết, dọa nếu không đi sau này lỡ có chuyện gì đừng có kiện thưa nên trong lòng bà con sợ "

“Nhất là trong những dịp tết gần tới đây, bà con chuẩn bị hàng hóa về buôn bán mà cũng không dám. Tôi thấy chính quyền hù dọa miết, làm cho dân khá đâu không biết mà dân nghèo, đổ bệnh thêm.”

Lý do từ đâu?

Cách đây khoảng 2 năm, Tổng Công ty Đầu tư & Phát triển đường cao tốc Việt Nam hỗ trợ cho chính quyền xã Điện Thọ xây dựng chợ nông thôn mới Phong Thử cách chợ Phong Thử truyền thống một đoạn đường khoảng 400m, trên diện tích đất gần 2ha, với tổng số vốn xây dựng là 15 tỷ đồng. Chợ hoàn thành vào giữa năm 2018 nhưng đến nay rất ít tiểu thương dời sang chợ mới. Họ lý giải không muốn sang chợ mới vì chợ mới xây trên nền đất thấp nên rất dễ ngập lụt; hơn nữa giá thuê sạp (ki ốt) và các chi phí khác tại chợ mới cao gấp 4 lần so với hiện tại. Tiểu thương tên N. cho biết:

“Cách đây hai năm lụt ở đây lên tới đây (gối chân) thì ở đó (chợ nông thôn mới) ngập đầu rồi, lút đầu rồi, những chiếc xe con của những nhà ở gần đó đều ngập hết. Tôi muốn mua đất chỗ đó mà xuống thấy ngập quá nên không mua nữa.”

Tháng 11/2018, tiểu thương ở chợ Phong Thử truyền thống đã phản đối việc UBND xã Điện Thọ yêu cầu các tiểu thương tiến hành đăng ký thuê mặt bằng tại Chợ nông thôn mới. Trước sự phản đối của các tiểu thương, UBND xã đã phải tạm ngừng việc đăng ký. Cứ tưởng chính quyền lắng nghe nguyện vọng của bà con, tuy nhiên đến tháng 11/2019, UBND xã Điện Thọ tiếp tục ra thông báo, yêu cầu các tiểu thương đăng ký, thuê mặt bằng tại chợ mới. Quá bức xúc, nhiều tiểu thương đã phản ứng dữ dội, họ còn thuê ô tô kéo đi gặp lãnh đạo Hội đồng nhân dân và đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam để gửi đơn khiếu nại.

Bà con tiểu thương khẳng định chính quyền xã Điện Thọ xây dựng chợ mới là để cho một doanh nghiệp nào đó thuê nhưng sau này do doanh nghiệp này thấy địa hình mới xây trên nền đất thấp, ngập lụt nên từ chối thuê, do đó giờ họ ép bà con tiểu thương thuê.

Tiểu thương M chia sẻ:

“Làm chợ mới đâu có họp dân gì đâu có. Đâu có họp dân, mình đâu có cái gì đâu có. Chừ ép dân xuống thôi.”

“Trước đây tỉnh, huyện đã quy hoạch chợ này thành khu phố chợ, bà con vào đây mong muốn để có cuộc sống ổn định lâu dài chứ không lẽ vào đây chưa ổn định đã xáo trộn lại.”- Tiểu thương H chia sẻ.

Chi phí quá cao

Dời vào chợ mới kinh doanh họ phải đóng đủ loại phí, cao hơn gấp 4 lần hiện tại
Dời vào chợ mới kinh doanh họ phải đóng đủ loại phí, cao hơn gấp 4 lần hiện tại

Theo tìm hiểu của chúng tôi. Chi phí mà bà con tiểu thương phải đóng để có một chổ bán tại chợ nông thôn mới Phong Thử cao hơn rất nhiều so với khi buôn bán ở chợ Phong Thử truyền thống. Cụ thể: mỗi ki-ốt ở Chợ nông thôn mới Phong Thử có diện tích khoảng 24m2, mỗi m2 có giá thuê 40.000VND cộng thêm các khoản phí môi trường, bảo vệ …trung bình mỗi tháng 1 hộ tiểu thương phải đóng từ 500- 1.000.000VND. Đây là số phí cao hơn rất nhiều lần so với hiện tại ở chợ truyền thống khi một năm một hộ kinh doanh chỉ đó 6 đến 7 trăm ngàn.

Tiểu thương M cho biết:

"Bán kilogam bún không lời bao nhiêu hết mà xuống dưới ấy tiền ni tiền kia đủ thứ hết, cao quá nên không có đáp ứng được.". (2)

Trả lời đài RFA, ông Nguyễn Đạt -Phó Chủ tịch UBND Thị xã Điện Bàn cho biết theo phân hạng chợ thì chợ Phong Thử truyền thống là chợ loại III do cấp xã quản lý. Trước tình hình căng thẳng giữa hàng trăm hộ tiểu thương với UBND xã Điện Thọ xung quanh việc di dời địa điểm buôn bán, ông Đạt nói cơ quan đã giải quyết vụ việc bằng văn bản.

Tuy nhiên, chia sẻ với chúng tôi hàng trăm tiểu thương chợ Phong Thử truyền thống cho biết giải quyết của lãnh đạo UBND Thị xã Điện Bàn là không ép buộc tiểu thương di dời nhưng ở cấp dưới là cấp xã, UBND xã Điện Thọ đã làm những việc trái ngược hoàn toàn như: cắt điện, cắt nước, lấp cống thoát nước gây ngập, ô nhiễm môi trường, mở loa thông báo liên tục việc di dời chợ hoặc nửa đêm gửi giấy mời để mời bà con đi làm việc…gây áp lực, ép bà con tiểu thương phải di dời việc buôn bán xuống chợ nông thôn mới, khiến việc sinh hoạt buôn bán của bà con gặp rất nhiều khó khăn, tâm lý lúc nào cũng lo lắng. Tiểu thương tên M. cho biết:

“Họ dọa đủ thứ. Họ nói năm ngày nữa là họ dỡ nhà vòm.”

“Về nhà ngủ không được. Ngủ không được, làm ở nhà chứ trông lên chợ coi thử họ có dỡ đồ của mình đi không?”

Chị tiểu thương T nói UBND xã Điện Thọ đã không từ thủ đoạn nào.

"Dọa thì không dám dọa nhưng nói chung là đem giấy tới nhà, đem đồ n a đêm nửa hôm. Rồi còn cho người tung tin làm cái này cái nọ, nói chung là không từ thủ đoạn gì hết. Mà bà con chúng tôi 100% là ưng ở đây, không có đi đâu hết, buôn bán mấy chục năm khổ cực cũng nhờ cái chợ này chừ không có đi đâu hết."

Chị tiểu thương hàng vải nói, hiện tình hình giữa chính quyền và tiểu thương sống với nhau như xã hội đen.

“Bảy giờ sáng thì loa Ủy ban phóng vào chúng tôi giao dịch không được. Dân với lại tiểu thương dùng loa phóng lại, sống mà giữa dân với chính quyền tôi thấy giống như xã hội đen vậy đó.”

<i>"Bảy giờ sáng thì loa Ủy ban phóng vào chúng tôi giao dịch không được. Dân với lại tiểu thương dùng loa phóng lại, sống mà giữa dân với chính quyền tôi thấy giống như xã hội đen vậy đó.", Tiểu thương cho biết<br/> </i>

Trong khi đó, ông Nguyễn Đạt- Phó Chủ tịch UBND Thị xã Điện Bàn khẳng định với RFA thông qua cuộc gọi rằng không có chuyện ép buộc bà con tiểu thương vào chợ nông thôn mới Phong Thử buôn bán, mọi việc vẫn dựa trên tinh thần tự nguyện.

“Không. Không có văn bản nào? Không có chủ trương của ai là bắt buộc người dân hết. Nói gọn là vậy thôi.”

“Chuyện đó là chuyện tự nguyện của người dân thôi.”

Trước đây, cũng vì căng thẳng giữa tiểu thương với chính quyền trong việc ép họ di dời việc buôn bán từ chợ truyền thống sang chợ mới mà vào tháng 2/2015, một nữ tiểu thương ở chợ Đại Hiệp (huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) tên Nguyễn Minh Tân đã dùng dầu hỏa đổ lên người rồi châm lửa “tự thiêu”./.