Sau cuộc binh biến năm 1979 đến 1984 trên các tuyến biên giới phía Bắc, hàng ngàn Hoa Kiều rời bỏ Việt Nam về nước theo tiếng gọi của nhà nước Trung Quốc. Và những đền miếu của họ để lại trên lãnh thổ Việt nam không phải là ít. Trong đó, những ngôi miếu thờ Quan Công của người Hoa trên đất Việt Nam là phổ biến nhất. Võ Miếu Quan Công ở Phố Hiến, Hưng Yên là một ví dụ điển hình cho tình trạng miếu bỏi hoang được người Việt Nam chăm sóc như một nghĩa cử có chừng mực.
Những nén nhang của lòng lân mẫn
Bà Trần Thị Thọ, "bà từ" giữ miếu Quan Công ở Phố Hiến, Hưng Yên, chia sẻ:"Những năm bảy mươi, theo lời kêu gọi, họ về nước để miếu này lại Việt Nam. Tôi về đây trông nom, thu nhập ít lắm, tuần rằm, Mồng Một được có 150 ngàn thôi, còn lại là phải đi kêu gọi bà con giúp."
<i>Sự tồn tại của các ngôi miếu của cộng đồng người Hoa tại Phố Hiến như một sự tôn trọng, cảm thông của người Việt đối với một cộng đồng dân cư từng ngụ cư bên cạnh mình, từng làm ăn, sinh sống và tương tác với mình.</i>
Bà Thọ cho biết thêm là hiện nay, miếu Quan Công được Sở Văn hóa thông tin xếp hạng di tích văn hóa và được cấp phí nhang khói hằng tháng. Điều này khác với trước là hầu như không có bất kì khoản tiền nào cho việc nhang khói Võ Miếu, người dân chung quanh nhận thấy nếu như không đập bỏ đi thì tốt nhất là nên nhang khói cho đỡ lạnh chứ không nên bỏ thành ngôi miếu hoang lạnh lẽo, gây ảnh hưởng không tốt cho đời sống chung quanh. Và mỗi người một ít, người dân tự mua sắm nhang đèn, hoa quả để cúng kính những ngày rằm, dịp lễ.
Ông Phan Công Chính, cựu cán bộ tư pháp tỉnh Hưng Yên, chia sẻ:"Không phải vị thánh vị thần bảo vệ quốc gia đâu. Thực ra là vì nhân dân người ta xây dựng ở đây, kiến trúc cũng được nhà nước công nhận, nhưng nhân dân người ta cũng đến lễ để tôn trọng lịch sử xây dựng trên đất nước mình thôi chứ dân tôn trọng chỉ là mức độ."
Ông Chính cho rằng có một điểm mà Phố Hiến, Hưng Yên rất khác với hầu hết các điểm có miếu thờ của người Hoa nằm ở chỗ người dân rất ý thức về tinh thần dân tộc và cội nguồn Việt Nam, không có sự đánh đồng giữa những tín ngưỡng của người Hoa với tín ngưỡng của người Việt.
Sự tồn tại của các ngôi miếu của cộng đồng người Hoa tại Phố Hiến như một sự tôn trọng, cảm thông của người Việt đối với một cộng đồng dân cư từng ngụ cư bên cạnh mình, từng làm ăn, sinh sống và tương tác với mình. Đồng thời đó cũng là dấu ấn về một giai đoạn lịch sử mà ở đó, cuộc tan rã của một mối quan hệ kéo dài hơn trăm năm diễn ra trong thoáng chốc bởi giấc mộng bành trướng của người phương Bắc cũng như sự trở về bản quán của người Hoa cần phải được nhắc nhớ cho con cháu người Việt rằng muôn đời, người Hoa vẫn là người Hoa và người Việt vẫn là người Việt.
Cũng xin nói thêm, phố Hiến, Hưng Yên là một điểm hội tụ, được xem là trung tâm thương mại lớn nhất nhì Việt Nam từ những năm đầu thế kỉ 19 đến đầu thế kỉ 20, chỉ đứng sau Hà Nội. Dân gian có câu “Thứ nhất kinh kỳ thứ nhì phố Hiến”. Và cũng giống như Hội An, Đà Nẵng, Sài Gòn, Hà Nội, Hà Tiên… phố Hiến là nơi các đoàn người lưu dân từ Minh Hương và Phúc Kiến, Trung Quốc sang tá túc trong cuộc trốn chạy “phản Thanh phục Minh” của họ. Ở đây có một cuộc giao thoa văn hóa giữa người bản địa và các di dân. Các đền miếu mang tính thần thoại Trung Hoa được xây dựng trên đất Việt nhắc nhớ về cố hương, bản quán của người Hoa trên đất Việt. Mãi cho đến năm 1979, khi cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc, hàng ngàn gia đình người Hoa ở Phố Hiến, Hưng Yên đã rời bỏ Việt Nam quay về Trung Quốc theo lời kêu gọi của chính phủ Trung Quốc. Họ đã để lại rất nhiều đền miếu trên đất Hưng Yên. Điều này như một gánh nặng tâm lý cho người Việt bản quán.
Vấn đề nhang khói của người dân đối với các lăng miếu do người Hoa để lại trên đất Việt Nam không phải là muốn kính ngưỡng hay xin xỏ, cầu cạnh một điều gì đó từ các thánh thần Trung Hoa, mà đó là một phép lịch sự, hay nói đúng hơn là phép xã giao, thương cảm.. Một nén nhang cũng chẳng là bao nhưng nó làm ấm cái tình người xứ Việt.
Có hay không sự linh thiêng?
Bà Trần Thị Thọ, "bà từ" giữ miếu Quan Công ở Phố Hiến, Hưng Yên, chia sẻ thêm:"Tôi về đây canh miếu cũng lâu rồi, cũng hợp, không thấy mơ mộng gì nhưng nhiều người trước tôi về đây cỡ dăm bữa, nửa tháng lại ra đi không dám ở."
Thực ra, vấn đề linh thiêng hay không linh thiêng từ các ngôi miếu do người Hoa để lại trên đất Việt còn tùy thuộc vào tâm lý của mỗi người. Bởi người Hoa có kiểu trang trí bàn thờ, điện thờ hết sức bí hiểm, tối tăm và luôn tạo ảo giác rùng rợn… Điều này dễ dàng kích thích trí tưởng tượng của người mục kích về một thế giới khác, cộng thêm mùi nhang khói và mùi cột rường, ngói gạch ẩm mốc… hình hài đầu rồng đầu phượng và những bức tượng mang dáng dấp bí hiểm luôn tạo cảm giác chạm một thế giới khác.
Và có lẽ chính vì vậy mà hầu hết các ngôi miếu của người Hoa để lại ít ai dám đụng tới cho dù họ bỏ hoang chúng từ năm 1979 mà phong trào đập phá đền đài miếu mạo phát động vào những năm 1984 – 1985 ở Việt Nam. Hầu hết các đền miếu Việt Nam đều bị đập phá không thương tiếc, nhưng đền miếu của người Hoa dường như còn nguyên vẹn trên khắp đất nước Việt Nam. Đây cũng là một vấn đề mà các nhà nghiên cứu cần đề cập và phân tích một cách nghiêm túc.
Cũng theo chia sẻ của bà Thọ và nhiều người dân khác tại Hưng Yên, vấn đề nhang khói của người dân đối với các lăng miếu do người Hoa để lại trên đất Việt Nam không phải là muốn kính ngưỡng hay xin xỏ, cầu cạnh một điều gì đó từ các thánh thần Trung Hoa, mà đó là một phép lịch sự, hay nói đúng hơn là phép xã giao, thương cảm. Thương cảm những thần linh từ một quốc gia khác bị lưu lạc theo con dân của họ sang Việt Nam, rồi chính con dân của họ lại bỏ bên họ để quay về nước. Một nén nhang cũng chẳng là bao nhưng nó làm ấm cái tình người xứ Việt.
Như để kết thúc câu chuyện, ông Chính, cựu cán bộ sở Tư pháp Hưng Yên cho rằng đừng thấy người Việt giữ các đền miếu của người Trung Quốc mà nhầm tưởng đó là thần phục. Bởi một lẽ rất đơn giản, những gì thuộc về văn hóa thì giữ lại.