Khu vực sông nước Đồng Bằng Sông Cửu Long đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Hai trong những thách thức đó là tình trạng thiếu nước và sạt lở đất.
Thiệt hại kinh tế lên đến hàng tỉ đồng
Bà An đã sống tại An Thuỷ, Ba Tri, Bến Tre dẫn chúng tôi ra khu vực bờ sông mà theo bà, trước kia toàn bộ khu vực là đất sản xuất nông nghiệp, nơi có vài chục hộ dân sinh sống, nhưng hiện nay chỉ còn là một vùng nước mênh mông. Ba chia sẻ:
“Nay tui về đây là thằng trai nay 45 tuổi, ở đây là mười lăm hộ giờ những hộ đó họ dời qua bên cồn hoặc vô trong này.”
Căn nhà trong đoạn video là nơi gia đình bà đã sống qua 2 thế hệ, giờ nay phải bỏ hoang, có thể đổ sập bất cứ lúc nào. Thiệt hại về kinh tế lên đến hàng tỉ đồng vì mất đất sản xuất nông nghiệp, nhà cửa trôi tuột xuống sông, bà con láng giềng lần lượt ly tán, bà tiếc nuối:
Cái nhà này bị sạt hết rồi tui mới đi, sụp mau quá tui cũng rầu mà không biết làm sao, những người dân lần lần họ đi hết.<br/>-Người dân
“Cái nhà này bị sạt hết rồi tui mới đi, sụp mau quá tui cũng rầu mà không biết làm sao, những người dân lần lần họ đi hết. Hồi đó ở cồn đó có ruộng, rồi mình qua lại đó mần, còn mới mới thì đi vô vài nhà, họ cũng tiếp tục mần ruộng. hồi đó 12 mẫu, giờ còn 1 mẫu chứ bao nhiêu.”
Cách đó 200 km về phía nam, tại khu vực bờ biển xã Vĩnh Trạch đông, TP Bạc Liêu, chúng tôi tận mắt chứng kiến hàng loạt các điểm sạt lở trải dài, có nơi sóng biển phá vỡ cả một đoạn bờ kè kiên cố. Nơi trước đây người dân từng khai thác và nuôi thuỷ sản thì nay vắng lặng, các khu du lịch ven biển cũng thưa khách mặc dù là ngày cuối tuần, các bãi tắm chìm sâu dưới mực nước biển và các dòng chảy nguy hiểm do thay đổi địa chất bất thường có thể cuốn trôi bất cứ người nào.
Khó khăn vì thiếu nước
Cùng với việc mất đất sản xuất vì sạt lở, người dân còn đối mặt với tình trạng khan hiếm nguồn nước sạch. Các hộ dân nằm sâu trong các đầm tôm, khu vực ven biển thường trữ nước sạch dùng cho vệ sinh và nấu nướng trong các bồn chứa lớn làm từ xi măng, nguồn nước thường là nước mưa, thời điểm khô hạn thì phải vào tận các làng xã khác để mua nước về. Người dân ở đây đã quá quen thuộc với chiếc xe bồn chở nước đem bán hằng ngày.
"Thiếu nước sinh hoạt thường xuyên, nước mình phải đi trong xa, mình đi xin người ta đẩy về từng thùng từng thùng vậy đó đây là vùng nước mặn nuôi tôm. Còn nước ngọt trong phía trong vòng, trong đó người ta xuống cây giếng nước ngầm đó, một tuần lấy nước một lần, chạy chứa hồ tắm giặt, còn nước uống chứa vô hồ là riêng, phải bằng mọi giá để dự trữ, ở đây nhà nước cho cái hồ bự, rồi mình kiếm tiền mua thêm."
Dạo một vòng quanh các đường làng, chúng tôi trò truyện cùng một lão nông, ở tuổi xưa nay hiếm, để có nước dùng, hằng ngày bà phải đạp xe đi chở nước hàng cây số:
“Con tui đi làm hết rồi à, ở có một mình nên đi chở nước vậy đó. Nhiêu đây nấu cơm với uống ngày mai, rồi hết cái đi xe không cái chở lần lần vậy đó.”
Cách căn nhà bị sập của hộ bà A không xa là một bãi khai thác cát sỏi từ lòng sông đã hoạt động lâu nay. Mà theo bà, đó là một trong những nguyên nhân gây ra hiện tượng sạt lở:
Thiếu nước sinh hoạt thường xuyên, nước mình phải đi trong xa, mình đi xin người ta đẩy về từng thùng từng thùng vậy đó đây là vùng nước mặn nuôi tôm.<br/>-Người dân
“Ghe hút ở đây rồi đem qua, dân ở đây họ thấy.”
Tháng 5/2017 Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cùng các quan chức của Chính phủ đã trực tiếp làm việc tại ĐBSCL đã lưu ý các địa phương tăng cường quản lý việc khai thác cát, ngăn chặn việc khai thác cát trái phép; xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm và dung túng cho các hoạt động vi phạm theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, ngay tại địa phương các hoạt động khai thác cát sỏi vẫn diễn ra hết sức tinh vi hằng ngày, hằng giờ gây nên nỗi bất bình cho người dân, ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác phòng ngừa sạt lở.
Việc thiếu nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất có tác động tiêu cực tới đời sống người dân ở vùng chịu ảnh hưởng, năm 2016 theo thống kê chỉ riêng tại Bến Tre đã có 88.000/350.000 hộ dân trong tỉnh thiếu nước ngọt. Đất hoa màu bị chìm ngập dưới dòng sông, huỷ hoại kế sinh nhai của hàng chục vạn con người.
Sạt lở đất uy hiếp trực tiếp đến tính mạng, tài sản của nhân dân, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn các công trình phòng chống thiên tai và cơ sở hạ tầng vùng ven biển. Về lâu về dài nguy cơ mất an ninh lương thực và gây bất ổn cho cuộc sống người dân nơi đây là điều khó tránh khỏi nếu không có các biện pháp khắc phục hậu quả và ngăn chặn việc sạt lở tiếp diễn.
Dọc các tỉnh thành ven biển như Bến Tre, Vĩnh Long, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Cà Mau, các công trình kè biển kiên cố đang được khẩn trương xây dựng, diện tích rừng phòng hộ ngập mặn cũng được tăng lên đáng kể, nhưng tất cả sẽ không thể phát huy tác dụng, không thể chiến đấu lại với sự phá hoại của những kẻ vô tâm, vì tư lợi cá nhân. Điển hình là nạn khai thác cát dưới lòng sông bừa bãi, vì một nhóm lợi ích nhỏ chỉ đáng vài chục tỉ nhưng gây nên thiệt hại trăm tỉ đồng cho bà con và hàng ngàn tỉ đồng để khắc phục hậu quả.