Cần kiên quyết tuân thủ luật pháp quốc tế để đảm bảo an ninh trật tự trong khu vực Biển Đông. Đó là nhận định được các chuyên gia pháp lý Việt Nam và quốc tế, các học giả hàng hải và các nhà ngoại giao đưa ra tại buổi ‘Đối thoại biển lần 3: Luật quốc tế và Biển Đông’ do Học viện Ngoại giao Việt Nam (DAV) tổ chức hôm 11 tháng 6 tại Hà Nội.
Trang mạng Vietnamnews.vn cho biết với chủ đề 'Luật quốc tế và Biển Đông', các chuyên gia đã thảo luận về các chế độ pháp lý - đặc biệt là phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế The Hague - về các vùng nước giàu tài nguyên và tìm các cơ hội hợp tác giữa các bên liên quan.
Phó Giám đốc DAV, Lê Hải Bình, trong bài phát biểu khai mạc đã nhấn mạnh vai trò của luật pháp quốc tế như là xương sống của quan hệ quốc tế trong một thế giới thay đổi nhanh - đặc biệt với chiến lược Ấn Độ -Thái Bình Dương mới của Hoa Kỳ, sáng kiến Vành đai – Con Đường của Trung Quốc, và những khó khăn của ASEAN trong việc xây dựng cộng đồng.
Hai năm trước đây, sau khi Tòa án trọng tài quốc tế ra phán quyết ủng hộ đơn kiện của Philippines chống lại Trung Quốc tại Biển Đông và từ chối đường đứt khúc chín đoạn của Trung Quốc, các tranh chấp tiếp tục leo thang ngay cả khi Trung Quốc và ASEAN chính thức tham gia các cuộc đàm phán hướng tới bộ Quy tắc ứng xử.
Giáo sư Nguyễn Hồng Thảo, phó chủ tịch Ủy ban Luật Quốc tế Liên Hiệp Quốc, cho biết chính sách "bốn không" của Trung Quốc (không tham gia, không công nhận thẩm quyền của Tòa án, không chấp nhận và không thực thi) đã làm phán quyết này trở nên bế tắc.
Yan Yan, chuyên gia luật biển quốc tế của Viện Nghiên cứu Biển Đông (NISCSS), nói rằng việc Trung Quốc không công nhận phán quyết cũng sẽ không ngăn cản các học giả nghiên cứu vụ án. Bà chứng minh với tài liệu dày 500 trang về trường hợp này cho thấy cộng đồng luật Trung Quốc “bắt đầu phải nghĩ cách đối thoại bằng ngôn ngữ của luật pháp quốc tế” nhằm tạo cơ sở cho những hiểu biết chung.
Giáo sư Herman Joseph S. Kraft từ Đại học Philippines nhận định chính quyền của tổng thống Duterte đang cố tình làm dịu phán quyết của tòa để cải thiện quan hệ giữa Philippines với Trung Quốc, đặc việt về mặt kinh tế. Ông cũng nêu ra vấn đề làm thế nào các nỗ lực của Duterte nhằm thúc đẩy việc chia sẻ tài nguyên với Trung Quốc ở các vùng biển tranh chấp không trái với Hiến pháp của Philippines.
Trái với quan điểm của Philippines, Giáo sư Nguyễn Hồng Thảo nhấn mạnh lập trường nhất quán của Việt Nam luôn luôn là sự phát triển chung và việc giải quyết các tranh chấp phải diễn ra đồng thời.
Theo đó, cách tiếp cận của Việt Nam không chỉ cho phép các công ty đại chúng tiến hành các hoạt động hợp tác ở Biển Đông mà còn cả khu vực tư nhân. Giáo sư Thảo nói thêm rằng hợp tác giữa Việt Nam với những bên tranh chấp trên biển là 'toàn diện hơn' vì được mở rộng sang lĩnh vực dầu mỏ, thăm dò khí đốt, bảo vệ môi trường, chống buôn lậu và các lĩnh vực khác.