Thế giới hiện nay đang dần hình thành trật tự đa cực mới, với hàng loạt chính sách đối ngoại - an ninh toàn cầu của các nước lớn. Điều này trực tiếp ảnh hưởng đến các nước nhỏ và những khu vực địa chính trị chiến lược quan trọng - trong đó có Việt Nam và khu vực Biển Đông. Trong quá trình hình thành trật tự thế giới mới, sự va chạm giữa đại chiến lược của các cường quốc là khó tránh khỏi.
Trật tự thế giới và Châu Á nay đã khác
Trong bối cảnh thế giới hiện nay đang xoay vần liên tục, nhanh chóng với sự chạy đua về khoa học - kỹ thuật ngày càng tân tiến, cạnh tranh về kinh tế, các cường quốc trên thế giới liên tục hoạch định và thay đổi chính sách đối ngoại - an ninh quốc gia của mình theo hướng bảo đảm lợi ích quốc gia tối ưu và tranh giành ảnh hưởng, vai trò chi phối trên toàn cầu.
Ấn Độ đang ngày càng chú ý đến sự lấn lướt của Trung Quốc tại các khu vực mà trước đến giờ là "sân sau" của Ấn Độ.<br/> - TS. Đinh Hoàng Thắng
Trung Quốc có chiến lược "Vành đai - Con đường" ("One Belt – One Road" / BRI); Mỹ - Nhật - Ấn - Úc có chiến lược "Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương" ("Indo – Pacific" / IPS); bản thân Mỹ tiếp tục chuyển hướng mạnh mẽ sang Châu Á; Ấn Độ có "Hành động hướng Đông" nhắm tới hợp tác với các quốc gia Đông Nam Á và Tây Thái Bình Dương; Nga có chiến lược tiến xuống phía Nam, quay trở lại Thái Bình Dương…
Tại khu vực Châu Á, trải trên hai đại dương, trong nhiều năm gần đây, cấu trúc an ninh khu vực liên tiếp có sự thay đổi bởi những căng thẳng leo thang tại các điểm nóng, gắn liền với tranh chấp chủ quyền, tranh giành ảnh hưởng của các cường quốc. Trong đó nổi bật là sự tham gia Trung Quốc và Ấn Độ - hai quốc gia đông dân nhất hành tinh và siêu cường của thế giới là Hoa Kỳ. Các nước nhỏ hơn liên tiếp bị kéo vào vòng xoay tạo trật tự mới, tạo thế cân bằng lực lượng trong khu vực và bảo vệ chủ quyền, lợi ích quốc gia của chính họ.
Những va chạm của các đại chiến lược tại Châu Á
Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương chưa bao giờ "nóng" như lúc này, bởi sự va chạm giữa hai đại chiến lược lớn của Trung Quốc và "tứ giác an ninh kim cương" Mỹ - Nhật - Ấn - Úc trên các khu vực địa chính trị trọng yếu mà chúng được vạch ra.
Kể từ khi ông Tập Cận Bình đề ra và Trung Quốc bắt đầu thực hiện sáng kiến "Vành đai - Con đường", nhiều nước đã cảm nhận được khát vọng "trỗi dậy" của Bắc Kinh sẽ ảnh hưởng đến cấu trúc an ninh khu vực và quyền lợi quốc gia của họ. Nhằm đối phó lại, trong tuần lễ cấp cao APEC tại Việt Nam, tháng 11/2017, tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã nói về "Indo-Pacific" lần đầu tiên và chính thức tuyên bố ra đời chiến lược này với sự đồng thuận của Ấn - Nhật - Úc tại Manila vài ngày sau đó, bên lề Hội nghị cấp cao giữa ASEAN và các nước đối tác.
Trên Ấn Độ Dương, từ lâu Trung Quốc đã có kế hoạch "chuỗi ngọc trai" từ Miến Điện, xuống Sri Lanka, Maldives, lên Pakistan, vòng qua Trung Đông, Đông Phi để "vây hãm" Ấn Độ. Từ cuối năm 2017 đến nay, qua cuộc đảo chính ở Maldives và Trung Quốc điều tàu chiến tới, câu chuyện đó càng nóng hổi và rõ ràng hơn. Ngay lập tức, Ấn Độ không ngồi yên mà đã bắt tay xây dựng căn cứ quân sự liên hợp trên quốc đảo Seychelles nhằm đối trọng lại.
Theo Tiến sỹ Đinh Hoàng Thắng - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu các vấn đề phát triển Việt Nam, đây không phải là lần đầu các nước lớn có sự tranh giành ảnh hưởng tại các quốc đảo nhỏ, hoặc các khu vực có vị trí chiến lược quan trọng trong giao thương toàn cầu.
Trung Quốc ngộ ra vai trò của cường quốc biển và nhiệm vụ lẽ ra của quốc gia ấy trong việc chinh phục biển muộn rồi và chậm chân, nên hành xử nhiều khi là thô bạo để tranh giành lấy không gian biển, ưu thế trên biển cho mình.<br/> - GS. Trần Ngọc Vương
"Điều này cho thấy, Ấn Độ đang ngày càng chú ý đến sự lấn lướt của Trung Quốc tại các khu vực mà trước đến giờ là "sân sau" của Ấn Độ. Đây là nơi tập trung các tuyến đường thương mại, không chỉ liên quan đến Châu Á, Châu Phi, Trung Đông, Châu Đại Dương, mà còn Châu Âu đều phải đi qua tuyến đường."
Giáo sư Trần Ngọc Vương nhìn nhận, các động thái trên Ấn Độ Dương như vậy là sự tiếp nối của "chủ nghĩa thực dân mới" và Trung Quốc bị xem là gây ra "ác cảm hơn" bởi mọi hành động của nước này chỉ phục vụ cho mưu đồ ích kỷ và sự lớn mạnh của mình.
"Chủ nghĩa ích kỷ đó Ấn Độ cũng có một phần, nhưng họ không gây ra ác cảm cho thế giới và các thế lực dân chủ, mà trong một ý nghĩa khác, người ta còn coi là yếu tố đối trọng cần thiết để mà tạo ra thế cân bằng giữa các thế lực chính trị khác nhau trên bàn cờ chính trị hiện đại. Đó là khắc chế lẫn nhau giữa hai nước, các thế lực chính trị."
Phân tích sâu hơn về chiến lược và hành động của Trung Quốc, Giáo sư Vương nhấn mạnh, Trung Quốc muốn "chinh phục thế giới", mà để làm được điều này thì cần phải thực hiện bằng con đường trên biển là chính yếu, nên Trung Quốc sẽ còn nỗ lực tạo ưu thế trên biển bằng việc phát triển, mở rộng lực lượng hải quân và phạm vi hoạt động của họ một cách nhanh chóng.
"Trung Quốc ngộ ra vai trò của cường quốc biển và nhiệm vụ lẽ ra của quốc gia ấy trong việc chinh phục biển muộn rồi và chậm chân, nên hành xử nhiều khi là thô bạo để tranh giành lấy không gian biển, ưu thế trên biển cho mình."
Tiến sỹ Đinh Hoàng Thắng chia sẻ quan điểm với Giáo sư Trần Ngọc Vương và ông phân tích thêm, chuỗi sự kiện trên Ấn Độ Dương là sự cọ sát của hai mô thức phát triển, hai chiến lược toàn cầu đang tác động mạnh đến Châu Á và toàn cầu. Tuy nhiên, truyền thông thế giới đã loan tải những "trái đắng" của "Vành đai - Con đường" mà Trung Quốc mang lại, nên nhiều quốc gia đã không còn mặn mà với chiến lược này. Còn Ấn Độ đã sẵn sàng bước vào giai đoạn "lật ngược thế cờ" và tiến vào những vùng sát với Trung Quốc, như trên Biển Đông trong những năm gần đây.
"Tóm lại, cuộc cọ sát giữa "Indo-Pacific" và "Vành đai - Con đường" ngày càng trực diện, mở rộng ra quy mô không chỉ khu vực mà toàn cầu."
Điều Tiến sỹ Đinh Hoàng Thắng nói tới hoàn toàn hợp lý với những diễn biến ngoại giao, quân sự tấp nập tại khu vực Châu Á từ đầu năm 2018 đến nay và cả trước đó. Chuyến thăm của Hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson của Hoa Kỳ tới Việt Nam tuy đã được lên kế hoạch từ trước, nhưng vẫn có thông điệp rõ ràng tới Trung Quốc và các nước trong khu vực Thái Bình Dương như lời ông John Kirby - Phó Đô đốc Hải quân Hoa Kỳ đã hồi hưu nói trên CNN ngày 5/3/2018 rằng, "the United States is here and we're here to stay" - "Nước Mỹ ở đây và chúng tôi ở tại đây".
Bên cạnh đó, Nhật Bản và Úc cũng có những động thái liên quan đến những điểm nóng trong chuỗi những va chạm, đặc biệt là bảo vệ và thực thi quyền tự do đi lại, an ninh, an toàn hảng hải, hàng không trong khu vực Biển Đông - vốn đang bị Trung Quốc thay đổi hiện trạng, quân sự hóa nhằm kiểm soát vùng biển huyết mạch thương mại toàn cầu này.
Việt Nam và sự va chạm chiến lược
Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng nằm ở vị trí địa chính trị chiến lược quan trọng, là điểm giao thoa, xung đột khi là điểm bắt đầu của "Vành đai - Con đường" và trung tâm về mặt địa lý và chiến lược của "Indo-Pacific". Đặc biệt, Giáo sư Trần Ngọc Vương nhấn mạnh đến vị trí "yết hầu" trên con đường vươn ra biển rộng của Trung Quốc chính là Việt Nam với Biển Đông đang tranh chấp.
Cuộc cọ sát giữa "Indo-Pacific" và "Vành đai - Con đường" ngày càng trực diện, mở rộng ra quy mô không chỉ khu vực mà toàn cầu.<br/> - TS. Đinh Hoàng Thắng
Trong chuyến thăm Đà Nẵng, đã có ít nhất hai lần, nữ thủy thủ Hải quân Hoa Kỳ phục vụ trên tàu USS Carl Vinson đã hát bằng tiếng Việt bài "Nối vòng tay lớn" của nhạc sỹ Trịnh Công Sơn. Đây có lẽ là một thông điệp nữa nhắn tới Việt Nam trong việc củng cố quan hệ đối tác chiến lược với Washington. Cũng là thêm một lần nữa, nước Mỹ muốn thúc đẩy Việt Nam nâng cao tinh thần bảo vệ độc lập, chủ quyền và lợi ích quốc gia.
Tuy nhiên, để làm được điều này, Giáo sư Trần Ngọc Vương vẫn đau đáu nghĩ về nội lực của Việt Nam.
"Tôi chỉ muốn là làm thế nào để Việt Nam phát triển lành mạnh, ổn định, với tốc độ xứng đáng với tiềm lực quốc gia, để không vừa lạc hậu, vừa lạc điệu với thế giới."
Tiến sỹ Đinh Hoàng Thắng cho rằng, Việt Nam là một quốc gia nhỏ, có nhiều khó khăn và thách thức trong hoàn cảnh hiện nay, đặc biệt là những mối quan hệ đan cài, phức tạp và nhạy cảm với các phía.
"Phải có một chính sách, ứng xử thế nào để vẫn thúc đẩy hội nhập, nhưng vẫn duy trì, bảo vệ được sự độc lập, tự chủ, thì đây là một bài toán không đơn giản. Nó đòi hỏi một tầm nhìn, một quyết tâm và sự minh triết về chính trị của lãnh đạo quốc gia. Vì thế, chúng ta đã tiến hành chính sách đa phương, nhưng phải đa phương có trọng điểm. Đây là động thái mà chúng ta đang chứng kiến, Việt Nam và các nước trong khu vực đang thúc đẩy mạnh."
Giáo sư Trần Ngọc Vương nói rõ hơn, Việt Nam nhu nhược là điều không thể được, nhưng hành xử cần khôn ngoan và điều quan trọng nhất là chính kiến của lãnh đạo về chủ quyền quốc gia.
"Nhà lãnh đạo nào không nói lên được tinh thần lợi ích quốc gia, dân tộc là tối thượng, chủ quyền quốc gia là thiêng liêng, bất khả xâm phạm, thì nhà lãnh đạo ấy còn đáng bị nghi ngờ. Còn thì tất cả những thứ khác, trước câu chuyện này là phải lui xuống, nhường quyền ưu tiên cho việc bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc."