Hoa Kỳ thay ngoại trưởng có tác động gì đến Biển Đông?

0:00 / 0:00

Ngoại trưởng Mỹ, ông Rex Tillerson đã chính thức bị sa thải hôm 13/3 vừa qua. Ngừơi được đề cử thay thế cho vị trí của ông là Giám đốc cơ quan tình báo TW Mỹ (CIA).

Liệu động thái này của Washington có dẫn đến tác động gì đối với vấn đề Biển Đông nói chung và Việt Nam nói riêng?

Phóng viên Mỹ Lan của Đài RFA đã có cuộc trao đổi với Giáo sư Andrew Mertha, chuyên gia về châu Á hiện đang giảng dạy tại đại học Cornell xung quanh vấn đề này.

RFA: Cựu ngoại trưởng Rex Tillerson là người từng có phát biểu chỉ trích hoạt động xây đảo nhân tạo của Trung Quốc tại khu vực Biển Đông. Còn người được chỉ định thay thế ông Tillerson là ông Pompeo, thì ông nghĩ sao?

G.S Andew Mertha: Tôi nghĩ là ông Mike Pompeo cũng sẽ có những quan điểm tương tự như cựu ngoại trưởng Tillerson trong việc kìm hãm sự bành trướng của Trung Quốc tại Biển Đông. Tuy nhiên, ông Pompeo lại không có bất đồng với tổng thống Trump như người tiền nhiệm và do đó, nhiều khả năng sẽ đi theo xu hướng hành động của tổng thống Trump. Chúng ta không thể dự đoán những phát ngôn, quan điểm hay kế hoạch sắp tới đây của ông Pompeo … đơn giản là vì ông Trump là người rất khó đoán bắt. Tất nhiên đối với Trung Quốc thì chắc chắn là ông Pompeo sẽ có thái độ cương quyết rồi, nhưng tôi nghĩ rằng, ông ấy sẽ tập trung vào lĩnh vực thương mại hơn là việc kìm hãm tham vọng quân sự của Trung Quốc.

Ông Mike Pompeo cũng sẽ có những quan điểm tương tự như cựu ngoại trưởng Tillerson trong việc kìm hãm sự bành trướng của Trung Quốc tại Biển Đông.<br/>-G.S Andew Mertha

RFA: Dưới thời tổng thống Trump, Hoa Kỳ tiếp tục hoạt động tuần tra tự do hàng hải ở khu vực Biển Đông; và mới nhất tiến hành tập trận chung với Lực Lượng Phòng Vệ Biển của Nhật Bản tại khu vực này. Điều đó cho thấy Hoa Kỳ rõ ràng có sự quan tâm đối với vấn đề Biển Đông. Ông nghĩ sao về điều này?

G.S Andew Mertha: Theo tôi, Hoa Kỳ hiểu rõ vai trò quan trọng của khu vực Biển Đông trong lĩnh vực kinh tế cũng như góp phần vào sự bình ổn trong khu vực. Thế nên trong việc này, ông Tillerson bị cắt chức và thay thế bằng ông Pompeo cũng không có ý nghĩa bằng vai trò của ông Bộ Trưởng Quốc Phòng James Mattis. Thời gian qua, Hoa Kỳ đã có nhiều thay đổi về đường lối ngoại giao và thương mại nhưng cam kết về chiến lược quốc phòng lại vẫn ổn định và nhất quán. Do đó tôi nghĩ chiến lược quốc phòng của Hoa Kỳ vẫn sẽ tiếp tục đi theo hướng này vì đây là một khu vực đặc biệt quan trọng đối với Hoa Kỳ.

RFA: Vậy theo ông sẽ có những diễn biến gì đáng chú ý trong thời gian tới liên quan chính sách của Hoa Kỳ đối với khu vực Biển Đông?

G.S Andew Mertha: Tôi nghĩ sắp tới sẽ có nhiều điều thú vị xảy ra. Trước đây, cả hai ông - Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis và Ngoại trưởng Rex Tillerson đều tham gia vào việc hoạch định chính sách của Nhà trắng và hai nhân vật này đã tạo ra một liên minh vững chắc với các chính khách chuyên nghiệp và không mang quá nhiều tham vọng mang tính dân tộc chủ nghĩa. Còn vấn đề Biển Đông thuộc phạm vi quốc phòng chứ không nằm trong các chính sách đối ngoại. Do đó, mối quan hệ giữa ông Bộ trưởng quốc phòng và người kế nhiệm sắp tới của ông Tillerson sẽ là vấn đề được nhiều người quan tâm. Tôi nghĩ rằng một trong những điểm đặc trưng của chính quyền tổng thống Trump là sự tách biệt giữa các lĩnh vực có ảnh hưởng đến nhau như các chính sách kinh tế và đối ngoại, hay là sự tách biệt giữa các quốc gia trong khu vực với nhau. Do đó có thể thấy rằng ông Trump chắc chắn sẽ quan tâm đến các vấn đề liên quan đến Trung Quốc đặc biệt là lĩnh vực thương mại hơn là các chiến lược quân sự. Vì vậy chúng ta cần phải chờ đợi để xem hành động sắp tới của họ sẽ như thế nào? Tuy nhiên, nhiều khả năng sẽ không có quá nhiều thay đổi vì Bộ trưởng quốc phòng vẫn là ông Mattis mà thôi.

Những chính sách của Hoa Kỳ thực tế chỉ mang tính thời điểm và tôi hy vọng rằng Việt Nam có thể quyết đoán hơn trong việc khẳng định vai trò là đối tác quan trọng của Hoa Kỳ trong khu vực. <br/>-G.S Andew Mertha

RFA: Cũng liên quan tình hình Biển Đông là vấn đề chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vừa qua đã được trao quyền điều hành đất nước vô thời hạn và một số nhà quan sát nhận định rằng ông Tập sẽ quyết đoán hơn ở Biển Đông. Ông nghĩ sao về quan điểm đó?

G.S Andew Mertha: Tôi nghĩ rằng không thể dự đoán trước được điều gì về sự thay đổi lập trường của Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông. Trung Quốc hành động "một mình một kiểu" và điều này có thể hạn chế nguồn lực của Trung Quốc cũng như gây nên khủng hoảng và căng thẳng trên phạm vi quốc tế. Tôi không muốn phóng đại sự việc lên quá nhiều nhưng nếu điều này xảy ra thì mới có thể tác động đến cách hành xử của Trung Quốc ở biển Đông. Điều duy nhất mà ta có thể dự đoán được là Trung Quốc sẽ quan tâm hơn đến việc Hoà Kỳ gia tăng phản ứng tiêu cực đối với Trung Quốc và sau đó loại bỏ Trung Quốc ra khỏi danh sách các đối tác chiến lược. Điều này sẽ hoàn toàn bất lợi đối với Trung Quốc. Tuy nhiên, tôi không đồng tình với quan điểm này, bởi vì điều này thì không có lợi với cả Trung Quốc lẫn Hoa Kỳ, thậm chí là cả đối với bất kỳ quốc gia nào trong khu vực Đông Nam Á và Châu Á - Thái Bình Dương.

RFA: Trung Quốc và Hoa Kỳ sẽ có những thoả thuận gì và điều này sẽ tác động như thế nào đối với Việt Nam, thưa ông?

G.S Andew Mertha: Tôi thấy thật khó để mà dự đoán được Hoa Kỳ và Trung Quốc sắp tới sẽ có những thoả thuận gì với nhau mà chỉ có thể dự đoán được mối quan hệ Trung Quốc – Hoa Kỳ sắp tới sẽ có ảnh hưởng như thế nào đối với các quốc gia trong khu vực, đặc biệt là Việt Nam. Như tôi đã đề cập ở trên, mặc dù Hoa Kỳ có sự quan tâm đặc biệt đối vấn đề hạt nhân tại bán đảo Triều Tiên và là đồng minh của Nam Hàn nhưng trên thực tế, Hoa Kỳ không có đại sứ quán ở Nam Hàn và hiện đang đe doạ tăng hàng rào thuế quan đối với thép nhập khẩu của Nam Hàn. Tôi nghĩ đó không phải là một chính sách đối ngoại nhất quán. Còn đối với Việt Nam và các nước trong khu vực Biển Đông thì quyết định sau cùng vẫn thuộc về người đứng đầu Nhà Trắng. Do đó, có thể thấy là những chính sách của Hoa Kỳ thực tế chỉ mang tính thời điểm và tôi hy vọng rằng Việt Nam có thể quyết đoán hơn trong việc khẳng định vai trò là đối tác quan trọng của Hoa Kỳ trong khu vực.

RFA: Xin cảm ơn ông!