21% trẻ thuộc các nhóm dân tộc thiểu số ở Việt Nam bị suy dinh dưỡng

Một báo cáo mới đây của Ngân hàng Thế giới công bố hôm 12/9 cho biết suy dinh dưỡng hiện vẫn là một thách thức về phát triển đối với Việt Nam, đặc biệt là ở các nhóm dân tộc thiểu số.

Báo cáo cho biết có tới 21% trẻ dân tộc thiểu số tại Việt Nam bị thiếu cân, cao hơn 2.5 lần so với trẻ thuộc dân tộc Kinh là dân tộc chiếm đa số ở Việt Nam.

Báo cáo có tên “suy dinh dưỡng kéo dài ở các cộng đồng dân tộc thiểu số ở Việt Nam: Các vấn đề và Lựa chọn/ chính sách và can thiệp”, cho thấy cứ 3 trẻ em thuộc dân tộc thiểu số thì có 1 em bị thấp nhỏ.

Giám đốc Ngân hàng Thế giới ở Việt Nam, ông Ousmane Dione được báo cáo trích lời cho biết thấp nhỏ sẽ tiếp tục ảnh hưởng cứ mỗi 1 trong số 4 trẻ em Việt Nam, mãi mãi ảnh hưởng đến sự phát triển của các em và đóng góp tiềm năng của các em vào kinh tế, trừ khi có những can thiệp thích hợp được thự chiện ngay từ 2 năm đầu đời. Ông Dione đặc biệt chú trọng nói tới các trẻ em dân tộc thiểu số vốn bị ảnh hưởng nhiều hơn.

Theo World Bank, hơn 119.957 (60%) trẻ trong số 199.535 trẻ bị còi ở 10 tỉnh của Việt Nam là trẻ đến từ các nhóm dân tộc thiểu số.

Việt Nam hiện có 54 dân tộc, trong đó người Kinh chiếm 86% dân số. Việt Nam hiện có dân số 94 triệu người. 75% người dân tộc thiểu số sống ở các vùng miền núi phía bắc và miền trung.

Theo UNICEF, mặc dù Việt Nam đã có được những bước tiến đáng kể trong việc cải thiện mức sống của người dân, nhưng việc giảm suy dinh dưỡng vẫn tiếp tục là một thách thức. Có hơn 230.000 trẻ dưới 5 tuổi ở Việt Nam vẫn bị suy dinh dưỡng nặng mỗi năm, và đây được coi là nguyên nhân chính dẫn đến thấp còi và chết ở trẻ dưới 5 tuổi.

Năm 2016, WHO xếp Việt Nam vào một trong số 20 quốc gia có số trẻ còi nhiều nhất thế giới. Khoảng 25% trẻ em Việt Nam (tức 1,9 triệu em) có chiều cao thấp hơn 10 cam so với các bạn cùng lứa ở Châu Á.