Việt Nam mong muốn bỏ qua quá khứ, làm bạn cùng các quốc gia khác để xây dựng tương lai hòa bình và hạnh phúc.
Đó là phát biểu của ông Đặng Ngọc Dũng, Phó chủ tịch tỉnh Quảng Ngãi tại buổi lễ tưởng niệm 50 năm ngày xảy ra vụ thảm sát tại Mỹ Lai do quân đội Mỹ thực hiện, 16/3/1968, khiến hơn 500 người dân địa phương thiệt mạng.
Hãng tin AP trích lời ông Dũng như vừa nêu và cho biết ông có đề cập đến một lực lượng mà ông này gọi là ‘xâm lược, thù địch’ đã gây ra vụ thảm sát, nhưng không nêu tên cụ thể là Hoa Kỳ.
Nhà sử học Dương Trung Quốc, đại biểu quốc hội Việt Nam, cũng được hãng tin này trích lời nói rằng chiến tranh đã kết thúc và cả hai dân tộc đều rút ra được những bài học quí báu. Ông Quốc đề cập đến việc hàng không mẫu hạm Mỹ Carl Vinson vừa thăm cảng Đà Nẵng vào đầu tháng Ba, một nơi chỉ cách vụ thảm sát vài trăm cây số, nói rằng hai dân tộc đang cùng nhau chia sẻ trách nhiệm, với một tình hữu nghị vì lợi ích của người dân hai nước.
Buổi lễ tưởng niệm năm mươi năm vụ Mỹ Lai cũng có sự góp mặt của phóng viên ảnh Ronald Heaberle của quân đội Mỹ, người đã thực hiện bộ ảnh Mỹ Lai ngay trong ngày xảy ra vụ thảm sát.
Xin nhắc lại là vào ngày 16 tháng Ba năm 1968, một trung đội Mỹ mang tên Charlie trong một cuộc hành quân tại làng Mỹ Lai, còn gọi là Sơn Mỹ, không xa thành phố Quảng Ngãi miền Trung Việt Nam, đã hạ sát 504 người dân, mà đa số là phụ nữ, trẻ em, và người già.
Sự kiện này đã làm rúng động dư luận Mỹ vào thời điểm đó, nhất là sau khi bộ ảnh của Ronald Heaberle được giới truyền thông tung ra.
Mỹ Lai ngày nay là một khu di tích tưởng niệm với cánh đồng nơi những người dân bị thảm sát, những ngôi nhà bị đốt cháy được giữ nguyên, và khu trưng bày các chứng tích.
Một số cựu chiến binh Mỹ cũng như các tổ chức như Hội Thánh Tin lành Quaker đã đóng góp để giúp đỡ người dân địa phương.