Chính phủ Hà Nội mới đây nêu rõ 6 dự án giao thông trọng điểm bị chậm tiến độ và nâng vốn đầu tư trong báo cáo về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII về lĩnh vực giao thông vận tải. Báo Nhà nước Việt Nam loan tin ngày 14/10.
Cụ thể, 6 dự án được nêu trong báo cáo gồm Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông; Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến số 1 Yên Viên - Ngọc Hồi; Dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành; Dự án đường sắt đô thị Bến Thành - Suối Tiên; Dự án đường sắt đô thị Bến Thành - Tham Lương; Dự án đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội.
Nguyên nhân chậm tiến độ và đội vốn được Chính phủ Hà Nội viết trong báo cáo cho rằng trách nhiệm trước tiên thuộc về các chủ đầu tư, tuy nhiên các yếu tố chủ quan khác như giải phóng mặt bằng, công tác quy hoạch tại địa phương... cũng được xem là nguyên nhân chính.
Báo cáo cho rằng do hầu hết các dự án trọng điểm đều là dự án quy mô lớn, đòi hỏi quy trình quản lý, công nghệ thi công phức tạp; có những dự án lần đầu tiên được xây dựng tại Việt Nam trong khi chủ đầu tư chưa có kinh nghiệm quản lý thực hiện; năng lực nhà đầu tư, ban quản lý dự án, tổng thầu, nhà thầu, tư vấn còn hạn chế, chưa thực sự chuyên nghiệp…
Những nguyên nhân vừa nêu đã dẫn đến các khó khăn, vướng mắc không được xử lý triệt để, nhiều nội dung phải điều chỉnh, dẫn đến việc thời gian thực hiện bị kéo dài, điều chỉnh làm tăng tổng mức đầu tư.
Viết trong báo cáo, Chính phủ Hà Nội cũng cho rằng cơ chế thực hiện các dự án, đặc biệt là những dự án ODA còn bất cập. Cụ thể, các kế hoạch vốn ODA hàng năm không được bố trí đủ khiến việc thanh toán cho các nhà thầu bị chậm trễ, tình trạng thiếu vốn đối ứng kéo dài gây ảnh hưởng đến tiến độ thi công; công tác đấu thầu lựa chọn nhà thầu còn nhiều vướng mắc, khó khăn do các ràng buộc phức tạp quy chế đấu thầu của các nhà tài trợ.