Trong năm 2019, bốn tuyến cao tốc do Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) quản lý có doanh thu trên 4.000 tỉ đồng, trong đó tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai thu 1.560 tỉ đồng, tuyến TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây thu trên 1.300 tỉ đồng.
Theo báo cáo từ VEC được truyền thông trong nước đưa tin, trong năm 2019, đã có 46,3 triệu lượt xe cộ lưu thông trên bốn tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình; Nội Bài - Lào Cai; Đà Nẵng - Quảng Ngãi; TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây . Trong đó, cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây có mật độ phương tiện qua lại đông đúc nhất nhưng thu ít tiền hơn tuyến Nội Bài - Lào Cai vì tuyến Nội Bài - Lào Cai dài nhất, 245 km.
Cũng theo báo cáo này, tình trạng xe cộ dừng đỗ, đi ngược chiều, vượt trạm trốn phí, gây rối làm mất trật tự, ùn tắc tại trạm thu phí có chiều hướng tăng lên. Đặc biệt là hành vi hành hung nhân viên làm nhiệm vụ trên đường cao tốc… trong năm 2019 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp và chưa có dấu hiệu thuyên giảm.
Cụ thể, trên tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình và Nội Bài - Lào Cai, trong năm qua xảy ra gần 4.470 trường hợp dừng đỗ xe trái phép, 1.400 trường hợp phương tiện vượt trạm trốn phí và hai vụ hành hung nhân viên thu phí.
Thời gian qua, nhiều trạm BOT trên cả nước thu phí không hợp lý cả về mức phí lẫn lộ trình khiến nhiều tài xế phản đối bị bắt giam và kết án tù.
Trong năm 2019, ông Hà Văn Nam, một tài xế phản đối BOT bị tuyên án 30 tháng tù giam với cáo buộc tội danh “Gây rối trật tự công cộng” theo điều 318 Bộ luật hình sự 2015. Sáu tài xế khác gồm các ông Nguyễn Quỳnh Phong, Lê Văn Khiển, Nguyễn Tuấn Quân, Vũ Văn Hà, Ngô Quang Hùng và Trần Quang Hải phải lãnh nhận các mức án từ 18 tháng đến 36 tháng tù giam với cùng một tội danh sau khi cùng nhau phản đối trạm thu phí BOT Phả Lại.