Đại dịch COVID-19 kéo dài từ đầu năm 2020 đến nay đã tiêu tốn gần 8,6 tỷ đô trong thu ngân sách của Việt Nam.
Đó là con số được Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đưa ra tại buổi thảo luận với các đại biểu quốc hội, được trang web của Chính phủ trích dẫn và Bloomberg đăng tải vào ngày 2/11.
Theo nguồn Bloomberg, ông Phúc cho hay ngành du lịch là ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất vì biên giới vẫn đóng cửa và Việt Nam chưa cho phép khách du lịch quốc tế nhập cảnh, do đó thâm hụt ngân sách Việt Nam trong năm 2020 có thể đạt ngưỡng gần 6% GDP.
Trước khi đại dịch bùng phát, Việt Nam mỗi năm đón khoảng 21 triệu khách quốc tế, với doanh thu đạt được hơn 60 tỷ đô.
Riêng tại TPHCM, trong chiều 3/11 Giám đốc sở kế hoạch và đầu tư Lê Thị Huỳnh Mai cho biết gần 29 nghìn doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động và tổng mức bán lẻ cũng như doanh thu dịch vụ trong 10 tháng vừa qua giảm mạnh do COVID-19.
Bà Mai cũng cho hay ngành du lịch tại TPHCM gặp khó khăn nhất khi khách quốc tế mới đến TP trong 10 tháng đầu năm 2020 là 0 lượt, trong khi cùng kỳ năm ngoái, TPHCM đón gần 800 ngàn lượt du khách.
Cũng liên quan đến ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, Bộ Lao động hôm 3/11 kiến nghị Chính phủ không điều chỉnh tăng tiền lương tối thiểu vùng. Theo đó, mức lương tối thiểu vùng năm 2020 sẽ được duy trì đến năm 2021.
Bộ cho rằng, dịch bệnh đã khiến tình hình kinh tế-xã hội trong nước bị tác động nghiêm trọng, doanh nghiệp bị ảnh hưởng, người lao động mất việc làm, có thể đến 30,8 triệu lao động bị ảnh hưởng do nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập và nghỉ việc. Đến nay vẫn chưa thể dự báo được diễn biến dịch bệnh và tác động tới nền kinh tế.
Do đó, Bộ đề xuất Chính phủ chưa thực hiện tăng lương tối thiểu vùng năm 2021, chưa quy định lương tối thiểu theo giờ cho đến quý 3/2021.