Mâu thuẫn trong thị trường xuất và nhập khẩu sắt thép của Việt Nam

Việt Nam chi hơn 1 tỷ đô la nhập gần 3 triệu tấn sắt thép phế liệu trong vòng 7 tháng qua, theo số liệu thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan.

Số liệu thống kê mới cho thấy Việt Nam có sản lượng, kim ngạch nhập khẩu mặt hàng sắt thép phế liệu tăng trưởng mạnh trở lại trong tháng 7 năm 2018, sau sự sụt giảm trong quý II của năm.

Cụ thể, sản lượng tăng 25% và giá trị kim ngạch tăng 27% so với tháng 6 năm 2018. Trong tháng 7, cả nước nhập hơn 480 nghìn tấn với tổng giá trị kim ngạch gần 174 triệu USD.

Những thị trường cung cấp chủ yếu cho Việt Nam là Nhật Bản, Mỹ và Hong Kong. Số lượng nhập khẩu từ 3 thị trường này là gần 1,7 triệu tấn, chiếm 57% tổng sản lượng nhập khẩu.

Tuy nhiên, hiện Việt Nam cũng đang phải đối mặt với tình trạng tồn đọng phế liệu tại các cảng biển quang trọng là thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa Vũng Tàu và Hải Phòng.

Trong khi đó, số liệu từ Tổng cục hải quan hôm thứ Hai 20 tháng 8 cho thấy sắt thép là 1 trong những mặt hàng xuất khẩu có sự tăng trưởng cao từ đầu năm 2018 đến nay. Trong 7 tháng từ đầu năm, Việt nam đã xuất hơn 3,4 triệu tấn, trị giá hơn 2 tỷ rưỡi đô la, tăng hơn 40% về lượng và tăng hơn 56% về trị giá so với cùng kỳ năm 2017.

Thị trường chính cho việc xuất khẩu mặt hàng này là Campuchia với 718 nghìn tấn. Hoa Kỳ là quốc gia đứng thứ 2 sau Campuchia với 533 nghìn tấn. Tiếp theo là Indonesia và Malaysia.

Trong 7 tháng qua, Việt Nam nhập hơn 8 triệu tấn thép thành phẩm với trị giá 5,8 tỷ đô la, giảm 10,4% về lượng nhưng tăng 10,4% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái. Trung Quốc hiện là thị trường cung cấp sắt thép lớn nhất vào Việt Nam.

Thép xuất khẩu của Việt Nam thời gian qua liên tiếp phải bị điều tra chống trợ cấp, chống bán phá giá từ các thị trường lớn như Hoa Kỳ, EU, Canada…Các chuyên gia kinh tế đưa ra lo ngại rằng điều này sẽ làm giảm khối lượng xuất khẩu mặt hàng sắt thép của Việt Nam trong thời gian tới.