Ông Thạch Rine, 61 tuổi, ở xã Kim Sơn, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh vào ngày 14/10 bị Công an địa phương khởi tố bị can và bắt tạm giam với cáo buộc ‘lợi dụng các quyền tự do, dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà Nước, tổ chức, cá nhân’.
Truyền thông Nhà nước loan tin và nói thêm ông Thạch Rine đã sử dụng tài khoản Facebook cá nhân để xúc phạm lãnh tụ Việt Nam với mục đích xuyên tạc lịch sử vùng đất Tây Nam Bộ. Cụ thể, ông này đã đăng ảnh chân dung bị chỉnh sửa của vị lãnh tụ Việt Nam.
Mạng báo Người lao động dẫn hồ sơ của cơ quan Công an cho rằng, ông Thạch Rine đăng tải lên Facebook cá nhân hình ảnh chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bị chỉnh sửa có tính chất xúc phạm.
Trên trang cá nhân mang tên Thạch Rine hồi tháng 6 năm nay có đăng một ảnh động (ảnh GIF) chân dung của ông Hồ Chí Minh từ một ảnh chân dung bình thường hóa thành một khuôn mặt quỷ.
Ông Thạch Tha, một tín đồ Tin lành thuộc Giáo hội Cơ đốc phục lâm Việt Nam cùng với ông Thạch Rine giải thích điều này với phóng viên Đài Á Châu Tự Do vào buổi tối 14/10 như sau:
"Nói chung cái sai của ổng là đăng một cái ảnh của bác Hồ, thì anh cũng biết rồi, trên mạng này thì một người chia sẻ qua lại, rồi qua một cái điện thoại thì người ta chia sẻ rồi ổng chia sẻ lại.
Nhưng mà cái sai của ổng là ổng ghi bằng tiếng dân tộc là "đây là ăn cướp".
Tôi hỏi ổng thì ổng nói là bác Hồ đi khắp thế gian, các nước trên thế giới này để đi học hỏi.
Ổng không nói hết ý nghĩa, ý của ổng không nói là học hỏi, mà lại viết tiếng dân tộc là ăn cướp."
Ông Thạch Tha cũng cho hay, ông Thạch Rine đã bị mời lên công an vài lần vì việc này và cũng đã có ký biên bản và xin lỗi hứa không chia sẻ về điều này nữa.
Cũng theo ông Thạch Tha, hồi tháng 7 năm nay ông Rine đã bị công an huyện bắt giữ và tịch thu điện thoại và ba chiếc áo thun, trong đó có một chiếc áo ghi 17 điều Việt Nam ký với Liên Hiệp Quốc về quyền con người, một áo thun khác có in bản đồ miền Tây Nam Bộ cùng với dòng chữ tiếng Khmer với ý nghĩa là kỷ niệm 72 năm ngày Pháp giao vùng đất Khmer Krom cho chính quyền Việt Nam.
Cơ quan chức năng cũng cho biết thu thập được tài liệu về việc ông Thạch Rine thường xuyên đăng tải, chia sẻ biểu tượng, tài liệu liên quan đến tổ chức phản động bên ngoài; nhưng không nói rõ đó là tổ chức nào.
Tại xã Kim Sơn, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh cũng như một số tỉnh ở vùng Tây Nam Bộ có nhiều người dân tộc Khmer Krom sinh sống. Một số người Khmer Krom cho rằng vùng đất này là của cha ông họ và bị Việt Nam tiến chiếm.
Riêng ông Thạch Tha thì cho rằng, người Khmer Krom theo đạo như ông chỉ đòi hỏi chính quyền Việt Nam để người dân tộc Khmer Krom thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, thờ phượng Chúa theo đúng pháp luật Việt Nam.