Nhà hoạt động, blogger Nguyễn Lân Thắng bị bắt với cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước”

Nhà boạt động, blogger Nguyễn Lân Thắng vào ngày 5/7 bị bắt với cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước.”

Truyền thông nhà nước Việt Nam đưa tin Công an thành phố Hà Nội đã bắt giữ nhà hoạt động- Facebooker Nguyễn Lân Thắng với cáo buộc “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” theo Điều 117 của Bộ luật Hình sự. Lệnh khởi tố và bị bắt cũng được Viện Kiểm sát Nhân dân thành phố phê chuẩn.

Theo một người thân của gia đình, ông Nguyễn Lân Thắng bị bắt vào khoảng 8 giờ sáng khi đang trên đường đi uống cà phê sáng ở phường Thịnh Quang. Công an đưa ông đi luôn và sau đó quay lại khám xét nhà riêng của ông, tịch thu điện thoại, laptop và một số sách về nhân quyền.

Ông Thái Văn Đường, một người đang xin tị nạn chính trị tại Thái Lan, cho biết, ông có thời gian tham gia các cuộc biểu tình chống Trung Quốc ở Hà Nội và một số lần bị cơ quan an ninh đưa về đồn công an cùng với ông Nguyễn Lân Thắng. Ông nói với RFA như sau:

"Nguyễn Lân Thắng là một người hoạt động khá tiêu biểu ở Việt Nam nói chung và ở Hà Nội nói riêng, một người đấu tranh trong phong trào dân chủ.

Anh Thắng ngoài hoạt động trên mạng xã hội còn có các hoạt động bên ngoài khá là nhiều. Không chỉ một mình tôi mà các anh em trong nước và báo đài quốc tế biết đến anh Thắng là một người hoạt động xuất sắc, không phải như những lời những người đánh phá nói anh Thắng thế này, thế kia.

Chỉ có những người từng tiếp cận, tiếp xúc với Nguyễn Lân Thắng rồi mới hiểu được tính cách và cái cách hoạt động của Nguyễn Lân Thắng."

Ông Thái Văn Đường cho biết thêm, chính sách đàn áp của chính quyền Hà Nội ngày càng tinh vi, nếu như trước đây bắt chủ yếu những người mới lên tiếng trước bất công thì từ năm 2020, cơ quan an ninh chuyển hướng sang bắt nhiều nhà hoạt động kỳ cựu và sau đó tuyên các bản án nặng nề.

Bình luận về vụ bắt giữ nhà hoạt động, blogger Nguyễn Lân Thắng, ông Phil Robertson- Phó giám đốc phân ban Châu Á của tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) nói với Đài Á Châu Tự Do qua email:

“Cuộc đàn áp quá mức và không thể chấp nhận được của chính quyền Việt Nam đối với quyền tự do ngôn luận vừa khiến một nạn nhân khác phải đối mặt với phiên tòa xét xử bởi tòa án Kangaroo (phiên tòa xét xử thiếu bằng chứng) và nhiều năm tù giam vì nói ra suy nghĩ của mình. Ông Nguyễn Lân Thắng vận động cải cách dân chủ và công lý một cách ôn hoà nên cần được tôn trọng và lắng nghe hơn là đối mặt với loại đàn áp phi lý này. Các chính phủ trên khắp thế giới nên yêu cầu trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho ông Nguyễn Lân Thắng, đồng thời gây áp lực buộc Hà Nội phải ngăn chặn làn sóng lạm dụng này.”

Ông Phil Robertson nói thêm rằng ông không hiểu hoạt động cụ thể nào của ông Nguyễn Lân Thắng dẫn tới vụ bắt giữ như vừa nêu.

Ông Nguyễn Lân Thắng xuất thân từ một gia đình khoa bảng ở Hà Nội. Ông nội ông là giáo sư Nguyễn Lân, tác giả cuốn Từ điển tiếng Việt được sử dụng từ nhiều thập niên qua. Nhiều người con của cụ Nguyễn Lân là giáo sư, tiến sỹ, hoặc bác sỹ nổi tiếng của Việt Nam.

Ông Nguyễn Lân Thắng (sinh năm 1975) là kỹ sư xây dựng. Ông tham gia phong trào biểu tình chống Trung Quốc xâm phạm lãnh hải Việt Nam từ năm 2011 và là một trong số những thành viên cốt cán của Phong trào No-U.

Ông còn là một nhà nhiếp ảnh với nhiều hình ảnh và video về biểu tình vì chủ quyền biển đảo và đấu tranh chống bất công ở Việt Nam, và là một Facebooker với hơn 152.000 người theo dõi.

Ông còn tham gia nhiều hoạt động thiện nguyện, như cứu trợ đồng bào miền Trung bị bão lụt, và xây trường cho trẻ em vùng cao.

Năm 2013, ông bị câu lưu ở sân bay Nội Bài và tra khảo bởi an ninh sau khi trở về từ Thái Lan và Philipine nơi ông học một khoá học dân sự và gặp quan chức nhân quyền của Liên Hiệp quốc để báo cáo về vi phạm nhân quyền ở Việt Nam.

Một năm sau, ông bi cấm xuất cảnh trên đường sang Hoa Kỳ để tham dự Ngày Tự do Báo chí Thế giới tổ chức bởi UNESCO (Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc).

Nhiều lần gia đình ông bị tấn công bởi lực lượng dân sự thân với chính quyền Việt Nam.

Ông Nguyễn Lân Thắng có những bài đóng góp trên trang blog của Đài Á Châu Tự do từ cuối năm 2013.

Theo thống kê của Đài Á Châu Tự Do, Việt Nam đã bắt giữ ít nhất 19 người thuộc giới bất đồng chính kiến từ đầu năm đến nay, hơn một nửa trong số này bị cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 88 của Bộ luật Hình sự 1999 hoặc Điều 117 của Bộ luật Hình sự 2015, với mức án tù từ ba đến 12 năm tù, có khi lên tới 20 năm tù nếu bị kết tội. Cũng trong thời gian này, năm người đã bị kết tội theo tội danh này với mức án từ năm năm đến tám năm tù giam.