Tỉnh Đắk Lắk có thêm 3 bệnh nhân dương tính với vi khuẩn bạch hầu, trong khi số trẻ bị bệnh tay chân miệng tăng nhiều lần so với năm ngoái. Truyền thông trong nước đưa tin ngày 14 tháng 7 năm 2020.
Theo đó, ngay khi phát hiện có 3 ca bệnh mới dương tính với vi khuẩn bạch hầu tại tỉnh Đắk Lắk, lực lượng chức năng đã lập chốt cách ly hàng ngàn người dân để phòng chống dịch bệnh. Đồng thời và phun hóa chất khử khuẩn toàn bộ khu vực.
Thống kê hôm 7 tháng 7 cho thấy, toàn tỉnh Đắk Nông có 26 ca dương tính với bạch hầu, trong đó có 2 trường hợp tử vong. Cũng cùng ngày 7 tháng 7, Sở Y tế tỉnh Gia Lai thông báo có 13 ca dương tính với bệnh bạch hầu trên toàn tỉnh, trong đó có một trường hợp tử vong.
Bệnh bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính. Đây là một bệnh vừa nhiễm trùng vừa nhiễm độc và các tổn thương nghiêm trọng của bệnh chủ yếu là do ngoại độc tố của vi khuẩn bạch hầu gây ra.
Một bệnh truyền nhiễm đang lây truyền nơi trẻ em hiện nay là bệnh tay chân miệng.
Thống kê của Trung tâm bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Nhi Trung ương) cho thấy, trong hai tháng Sáu và Bảy, số lượng bệnh nhi được chẩn đoán mắc bệnh tay chân miệng đã tăng 5-6 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Tính từ đầu năm đến nay, bệnh viện đã tiếp nhận hơn 300 ca bệnh mắc tay chân miệng. Nếu tính trên cả nước, từ đầu năm đến nay đã có gần 10.750 trường hợp mắc tay chân miệng. Trong đó có hơn 6.660 trường hợp nhập viện, không có tử vong.
Một số tỉnh, thành phố ghi nhận số mắc gia tăng trong các tuần gần đây gồm Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Bắc Ninh.
Bệnh tay chân miệng là một bệnh thông thường do nhiều loại virus khác nhau gây ra. Bệnh xuất hiện chủ yếu ở trẻ em với các triệu chứng đặc trưng như sốt, đau họng và nổi ban có bọng nước. Bệnh thường không nghiêm trọng, không cần điều trị đặc hiệu, và thường tự khỏi trong vòng 2 tuần. Hiện chưa có vắcxin phòng bệnh tay chân miệng.
Tuy vậy, theo đánh giá của Bộ Y tế, bệnh tay chân miệng có thể gây thành dịch lớn với nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được kiểm soát kịp thời.