Sáng ngày 10 tháng 11, người dân ở ấp Mỹ Phú, xã Vĩnh Châu, thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang bức xúc phản đối khi chính quyền ngăn cản người dân họp chợ và tịch thu phương tiện kiếm sống, công an thậm chí bị người dân cáo buộc là đã hành hung một cặp vợ chồng khi họ dùng điện thoại quay lại sự việc.
Được biết trong thời kỳ dịch bệnh, chính quyền địa phương đã cấm người dân đi qua phía bên kia cầu để buôn bán ở Chợ Kênh 7, một ngôi chợ lớn ở khu vực, do vậy người dân buộc phải họp chợ tự phát ở phía bên này kênh để kiếm kế sinh nhai.
Theo người dân địa phương thì việc họp chợ tự phát đã diễn ra mấy tháng nay mà không gặp phải sự cấm cản gì, tuy nhiên, sáng hôm 10 tháng 11 thì phía chính quyền bỗng dưng cho người đến tịch thu đồ đạc buôn bán của người dân.
Việc chính quyền vừa ngăn sông, vừa cấm người dân họp chợ tự phát đã khiến cho dân chúng phản đối. Ông Nguyễn Hoàng Nam, một người dân địa phương cho RFA biết sự việc:
"Họ nói tiêm hai mũi (vắc-xin) thì cho đi qua, rốt cuộc tiêm hai mũi xong thì họ nói có giấy phép mới cho đi qua, thì bức xúc hỏi họ là có phải tự họ ra quyết định hay không. Hồi sáng tôi có nói rằng thủ tướng chính phủ có ra chỉ thị 128 là không ngăn sông cấm chợ, là để cho người dân lưu thông hàng hoá vì sống chung với dịch rồi, vậy tại sao ngày hôm nay các anh lại đóng chốt?"
Theo ông Nam thì sau khi tranh cãi với cơ quan chức năng bất thành, ông và những người dân khác phải quay lại phía bờ bên này kênh để tiếp tục buôn bán. Nhưng chỉ một lúc sau thì công an cùng với lực lượng dân phòng tràn sang tịch thu đồ đạc và phương tiện buôn bán của người dân.
"Cái này là chính họ vô họ đàn áp, họ lấy đồ của người ta, cái này họ cướp trắng trợn luôn chứ không phải là họ lo cho dân. Nếu mà lo cho dân thì anh để dân buôn bán, bây giờ chỗ nào bị dịch thì anh ngăn cái chỗ đó lại, cái chỗ nào không dịch thì để cho mọi người bán. Đây cái này là họ cố tình đàn áp và họ kiệt quệ cái nền kinh tế của người dân."- Ông Nam bức xúc nói về hành xử của chính quyền.
![angiang-2-RFA.jpg](https://www.rfa.org/resizer/v2/54YRTI5ORRQOZOZH53MBLB3Z4M.jpg?auth=46a4203a13c76894076d93c9c2ee9489cf6af4287f001d2f23a111f85cee45bd&width=800&height=533)
Vợ chồng ông Nam sở hữu một xe bán đậu phụ, họ buôn bán ở khu vực chợ tự phát đã được mấy ngày gần đây, khi công an tràn sang tịch thu đồ đạc thì vợ chồng ông cũng bị đuổi đi. Không đồng tình với cách làm của chính quyền, ông Nguyễn Hoàng Nam đã lấy điện thoại ra để quay lại sự việc, và liền sau đó bị hành hung.
Bà Lâm Thị Yến Trinh, vợ của ông Nam cho RFA biết về sự việc:
"Khi đó anh Nam đang ngồi trên xe, anh thấy tụi nó vô làm như vậy thì anh mới ngồi đó quay phim, đứng quay rồi cái bắt đầu mấy thằng đó mới xuống xe bắt đầu kêu mày tắt máy không cho chụp hình.
Ông này ông mới trả lời, ông nói tôi có cái quyền tự do của tôi, tôi có cái quyền quay phim, làm cái gì mà anh cấm cản không cho tôi quay? Nó không cho ông này quay thì ông này vẫn còn đang cầm cái máy quay như vậy thì nó nhào lại nó chụp cái điện thoại của chồng tôi.
Tôi đang làm tàu hũ, đang chiên, tôi tức quá tôi mới đứng dậy nhào lại chụp cái cổ áo của cái thằng lấy điện thoại của chồng tôi, tôi kêu nó trả lại, nó nói nó không trả, tôi nói anh phải trả máy lại cho chồng tôi, chồng tôi làm cái gì có tội mà mấy anh lấy máy không trả lại.
Rồi bắt đầu có cái thằng thiếu úy, nó không mang nhãn hiệu nên không biết tên, cái nó nhào lại nó ôm chồng tôi vô cái cổ cúc, nó giật cái đầu ổng xuống dưới đất. Mình mẩy ông nó giật chà dưới đường lộ."
Theo bà Yến Trinh thì bản thân bà cũng bị xô ngã khi cố giành lại điện thoại của chồng dẫn đến việc đầu gối của bà bị xây xát, còn ông Nam thì do bị kéo lên trên đường khiến cho quần áo bị rách và do bị công an đè lên cổ nên dẫn đến đau nhức khu vực đầu và cổ.
Theo ông Nguyễn Hoài Nam thì phía công an đã phải thả ông ra sau khi ông phản đối bằng cách tự đập đầu xuống đất cùng với việc người dân xung quanh phản đối.
Phóng viên của RFA đã nhiều lần gọi cho số điện thoại của Ủy ban Nhân dân xã Vĩnh Châu để xác minh sự việc nhưng không ai bắt máy.
Hôm 5/11, tỉnh An Giang nâng cấp độ dịch toàn tỉnh lên cấp độ 3 - nguy cơ cao, tương ứng với vùng cam.
Hiện nay tỉnh này có hơn 15.000 trường hợp nhiễm COVID-19, ngoài ra có 94% dân số đã tiêm thuốc phòng ngừa vi-rút SARs-CoV-2 mũi đầu tiên và 30 % dân số của An Giang đã tiêm đủ hai mũi.