Mưa lũ lớn các ngày qua đã khiến hai tỉnh An giang và Nghệ An phải xả đập đối phó lũ.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang sáng 31 tháng 8 đã chính thức xả hai đập Tha La và Trà Sư, do áp lực lũ lớn, mực nước lũ lên nhanh và cao.
Theo dự báo, nếu An Giang xả 2 đập này, lượng nước lũ sẽ chảy tràn về nhiều vùng sản xuất lúa, hoa màu và cây ăn trái ở Cần Thơ và Kiên Giang.
Sau khi An Giang xả đập sớm, hai địa phương thuộc vùng Tứ Giác Long Xuyên là thành phố Cần Thơ và Kiên Giang đã cấp tốc thông báo các địa phương trực thuộc, yêu cầu hướng dẫn người dân chuẩn bị ứng phó kịp thời, nhằm giảm đến mức thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra.
Trong khi đó, mưa lớn kết hợp với lũ từ Lào đổ về đã khiến khiến lũ thượng nguồn sông Cả ở Nghệ An lên nhanh, bắt buộc thủy điện Bản Vẽ phải xả lũ.
Theo truyền thông trong nước, do lưu lượng nước đổ về hồ thủy điện Bản Vẽ ở xã Yên Na, Tương Dương từ 2 ngàn đến 2.500 m3/giây, nên nhà máy thủy điện Bản Vẽ phải xả bằng với lưu lượng nước đổ về. Đây được coi là đợt xả lũ lớn nhất trong 8 năm qua của thủy điện này.
Vào sáng ngày 31 tháng 8, khi trả lời báo chí trong nước, ông Tạ Hữu Hùng, Phó giám đốc nhà máy thủy điện Bản Vẽ cho biết mực nước hồ thủy điện Bản Vẽ đã lên hơn 200 m, vì vậy phải xả lũ 4.200 m3/giây. Đây là mức xả cao nhất từ khi thủy điện Bản Vẽ được xây dựng.
Việc xả lũ kỷ lục đang khiến vùng hạ du thủy điện Bản Vẽ ngập sâu. Cầu Bản Vẽ thuộc xã Yên Na, đã bị gãy, cuốn trôi. Gần 20 nhà dân đã bị cuốn trôi. Hiện chưa có thống kê về con số thiệt hại về người và hoa màu.