Toà kháng nghị huỷ hai bản án vụ cựu tử tù Liên Khui Thìn đòi tài sản

Toà án Nhân dân Tối cao kháng nghị Giám đốc thẩm vụ án liên quan đến cựu tử tù Liên Khui Thìn đòi tài sản, theo hướng huỷ hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm vì cho rằng, "thiếu người tham gia tố tụng".

Truyền thông nhà nước trong ngày 8/9 loan, TAND tối cao vừa có quyết định số 08/2023 kháng nghị và tạm đình chỉ thi hành bản án kinh doanh thương mại phúc thẩm của TAND Cấp cao tại TPHCM cho đến khi có quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao.

Về lý do kháng nghị, quyết định của TAND tối cao khẳng định ông Liên Khui Thìn khởi kiện yêu cầu hủy các giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thay đổi từ lần thứ nhất đến lần thứ tám của công ty TNHH Sản xuất Thương mại Tây Sơn (viết tắt Công ty Tây Sơn) nhưng tòa án cấp sơ thẩm và cấp phúc thẩm không đưa công ty Tây Sơn vào tham gia tố tụng trong vụ án với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là xác định thiếu người tham gia tố tụng, vi phạm quy định tại Khoản 4, Điều 68 của Bộ luật tố tụng dân sự. Ngoài ra, hồ sơ vụ án kinh doanh thương mại này không có tài liệu, chứng cứ về việc ông Thìn chuyển nhượng tòa bộ phần vốn góp cho bà Nguyễn Thị Tuyết Mai hay việc Công ty Tây Sơn mua lại toàn bộ phần vốn góp của ông Thìn cũng như về việc giảm vốn điều lệ của công ty theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 1999.

Vào tháng 6/2021, ông Liên Khui Thìn gửi đơn tố cáo các cá nhân lợi dụng thời gian ông chấp hành án phạt tù đã chiếm đoạt tài sản của Công ty TNHH EPCO, Công ty TNHH An Khánh và Công ty TNHH Hồng Long.

Trong đơn khởi kiện, ông Thìn đòi lại phần vốn góp 50% vốn điều lệ và tài sản tại Công ty TNHH Tây Sơn, gồm: Biệt thự số 198 Võ Thị Sáu (quận 3, TP.HCM) có diện tích 1.704 m2; khu dự án du lịch nghỉ dưỡng tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu quy mô 3 ha.

Tại phiên phúc thẩm hồi tháng 6/2022, Hội đồng xét xử không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của ông Liên Khui Thìn.

Ông Liên Khui Thìn từng là giám đốc, kiêm phó chủ tịch HĐQT Công ty Epco. Năm 1997, ông bị bắt tạm giam, sau đó cùng ông Tăng Minh Phụng bị tuyên án tử hình vì chiếm đoạt hàng nghìn tỷ đồng của các ngân hàng.

Sau thời gian thụ án, ông Thìn được Chủ tịch nước chấp nhận đơn xin ân giảm từ án tử hình xuống tù chung thân. Năm 2008, ông Thìn tiếp tục được xét giảm án còn 20 năm. Ngày 2/9/2009, ông Thìn được đặc xá.