Nhóm Hiến Pháp bị xử y án sơ thẩm dù khẳng định "chỉ chống Trung Quốc"

Sáng ngày 8-1-2020, Tòa án cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh xét xử phúc thẩm 4 thành viên của nhóm Hiến Pháp do có đơn kháng cáo.

Vài giờ sau đó, Hội đồng xét xử tuyên y án sơ thẩm đối với 4 người gồm các ông/bà Nguyễn Thị Ngọc Hạnh 8 năm tù giam, Ngô Văn Dũng và Lê Quý Lộc cùng 5 năm tù giam theo điều 118 Bộ luật hình sự với cáo buộc "phá rối an ninh".

Trong khi đó ông Hồ Đình Cương bị tuyên 4 năm 6 tháng, mỗi người sẽ tiếp tục bị quản chế từ 2-3 năm sau khi án tù kết thúc.

Luật sư Nguyễn Văn Miếng, người bào chữa cho bà Hạnh và ông Lộc cho hay, những người ra tòa ngày hôm nay luôn khẳng định mình vô tội. Ông Miếng nói qua điện thoại như sau:

"Bốn người này ra tòa với một tinh thần rất là tốt và họ luôn khẳng định rằng là việc làm của họ là đúng.

Tuy nhiên ngày mùng 4 tháng 9 năm 2018 là cái dự tính cuộc biểu tình sẽ xảy ra để chống Luật Đặc khu chưa kịp xảy ra thì họ đã bị bắt.

Hồi sáng nay thì các bị cáo nói chung là luôn luôn khẳng định cái quyền của mình.

Qua cái vụ án này hôm nay thì một lần nữa họ lại nhắc đến cái yếu tố Trung Quốc, họ nói rằng là họ xuống đường biểu tình để chống Trung Quốc, chống cái Luật Đặc khu chứ hoàn toàn không có mục đích phá rối an ninh hay làchống Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam."

Theo quan điểm của luật sư Miếng, những người này đã sử dụng rất tốt Điều 25 của Hiến pháp 2013, quy định về quyền tự do biểu đạt, trong đó có quyền tự do ngôn luận và tự do biểu tình; cùng với Điều 28 Hiến pháp quy định công dân có quyền tham gia vào việc đóng góp, cho ý kiến để xây dựng đất nước và chính phủ luôn tạo điều kiện cho họ.

Tuy vậy, bên tòa đã bác bỏ luận cứ này và cho rằng những người này mục đích của họ là 'phá rối an ninh' cho nên họ phải bị xử phạt theo điều Luật 118.

Bà Huỳnh Thị Kim Nga, vợ ông Ngô Văn Dũng cho biết bà và một số người thân khác của các bị cáo được vào 1 phòng riêng để theo dõi phiên xét xử qua màn hình TV chứ không bị đàn áp như phiên sơ thẩm. Bà thuật lại như sau:

"Nói chung là Phiên tòa hôm nay cũng tạm được, không có bị ngắt quãng nhiều với lại cũng không có rè loa.

Thì chị cũng không biết lý do tại sao thì ngồi với mấy chị em thấy như vậy về hình ảnh... cũng như là cho các anh tranh luận nhiều, luật sư cũng tranh luận được nhiều.

Thì không biết thế nào, mấy chị em nói với nhau là tại sao bữa nay thì dễ thở hơn một chút thì té ra đến dự phiên tòa thì có Tổng lãnh sự quán Hoa Kỳ họ tham dự.

Cuối cùng rồi mới biết họ cũng coi TV nên thành ra tòa chiếu đàng hoàng cho họ xem hay sao đấy, cho nên bọn chị cũng thắc mắc ở chỗ đó."

Theo bà Nga, trong lời nói sau cùng, ông Dũng vẫn khẳng định mình vô tội:

"Anh nói là mấy ông dù có bỏ tù tôi 5 năm hay 10 năm hay 100 năm thì tôi vẫn khẳng định tôi là vô tội, tôi không có làm gì sai với tổ quốc.

Còn mấy ông muốn kết án bao nhiêu thì kết chứ còn tôi là làm đúng với điều 25 của Hiến pháp Việt Nam, anh nói như vậy."

Như chúng tôi đã đưa tin, Tòa án nhân dân TPHCM vào tối ngày 31 tháng 7 năm 2020 tuyên phạt 8 người trong nhóm Hiến Pháp tổng cộng 40 năm 6 tháng tù giam với cáo buộc tội danh "phá rối an ninh".

Đây là nhóm cổ xúy cho việc thực hiện quyền biểu tình trong Hiến pháp Việt Nam không được nhà nước công nhận, họ bị bắt giữ trước ngày 4-9-2018 khi đang dự tính tham dự một cuộc biểu tình chống dự luật Đặc khu và dự luật An ninh mạng.

Bốn người làm đơn kháng cáo bản án sơ thẩm, trong khi bốn người khác đã đưa đi các trại giam khác nhau để thi hành án tù.