Tòa phúc thẩm giảm ba tháng tù trong vụ nhà hoạt động môi trường Ngụy Thị Khanh

Tòa phúc thẩm Hà Nội vào ngày 21/11 giảm ba tháng đối với bản án 24 tháng tù mà tòa sơ thẩm đã tuyên đối với nhà hoạt động môi trường Ngụy Thị Khanh về cáo buộc trốn thuế. Truyền thông Nhà nước loan tin trong cùng ngày.

Tin nói Hội đồng Xét xử tại phiên phúc thẩm vẫn cho rằng bản án mà tòa sơ thẩm tuyên là đúng người, đúng tội, không oan. Tuy nhiên, bà Khanh có bổ sung những tài liệu mới về những đóng góp cho xã hội trong phòng, chống dịch COVID-19 và hoàn cảnh gia đình khó khăn nên Hội đồng Xét xử giảm ba tháng tù.

Vào ngày 17 tháng 6, tòa án Hà Nội tiến hành xét xử nhà hoạt động môi trường Nguỵ Thị Khanh dưới cáo buộc trốn thuế sau khoảng bốn tháng tạm giam. Sau một buổi sáng xét xử, tòa tuyên mức án 24 tháng tù đối với bà. Ban đầu phía Viện Kiểm sát đề nghị mức án từ 26 đến 33 tháng tù cho nhà hoạt động này.

Trước khi bị bắt, bà Khanh (46 tuổi) là Giám đốc tổ chức xã hội dân sự có đăng ký hợp pháp tên là Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh - GreenID, hoạt động nhằm góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững cho Việt Nam và khu vực Mekong, theo phần giới thiệu của tổ chức.

Hồi năm 2018, nhà hoạt động này trở thành người phụ nữ Việt Nam đầu tiên được trao Giải thưởng Môi trường Goldman vì các hoạt động thúc đẩy năng lượng bền vững và giảm nhiệt điện than ở quốc gia độc đảng.

Đây là giải thưởng dành cho các nhà hoạt động môi trường cơ sở và là giải thưởng lớn nhất trên thế giới trong lĩnh vực này.

Người thắng giải "Anh hùng môi trường" sẽ được trao số tiền trị giá 200 ngàn USD. Theo nguồn tin riêng của đài RFA thì cáo buộc trốn thuế mà cơ quan tố tụng đưa ra đối với bà Khanh là có liên quan đến số tiền này.

Án tù mà tòa Hà Nội tuyên đối với bà Ngụy Thị Khanh vấp phải nhiều phản ứng từ quốc tế. Chính phủ các nước Mỹ, Canada, Anh và các tổ chức hoạt động về môi trường quốc tế đã lên tiếng phản đối bản án này vì cho rằng đây là một nỗ lực của Hà Nội nhằm bịt miệng những nhà hoạt động môi trường.

Một số các đại diện những tổ chức môi trường quốc tế đã bày tỏ nghi ngờ về cam kết của Hà Nội đưa ra tại hội nghị biến đổi khí hậu COP26 ở Anh vào tháng 10 năm ngoái là đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Thậm chí đã có kêu gọi các nước G7 phải gây sức ép về tài chính, ràng buộc các hỗ trợ chuyển đổi về năng lượng với Việt Nam với việc trả tự do cho bà Khanh.

Vào tuần trước, Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EU) vừa đạt được một thỏa thuận về chuyển đổi năng lượng trị giá hơn 11 tỷ đô la. Trước khi hai bên đạt được thỏa thuận này, nhiều tổ chức nhân quyền và môi trường quốc tế đã lên tiếng thúc giục các nước tài trợ bao gồm EU và Mỹ phải trả tự do cho các nhà hoạt động môi trường đang bị giam giữ.