Nhà hoạt động người Nam Định bị tuyên y án sơ thẩm trong phiên xét xử phúc thẩm vừa diễn ra.
Sáng ngày 24 tháng 3, Tòa án cấp cao Hà Nội xét xử phúc thẩm đối với ông Đỗ Nam Trung do có đơn kháng cáo.
Hồi tháng 12 năm 2021, ông này bị toà án Nam Định buộc tội “Phát tán tài liệu chống nhà nước” theo Điều 117 của Bộ Luật Hình sự năm 2015, và bị kết án 10 năm tù.
Kết thúc phiên xét xử phúc thẩm, ông Đỗ Nam Trung bị toà tuyên y án 10 năm tù giam và bốn năm quản chế.
Trả lời phỏng vấn của đài Á châu Tự do ngay khi biết kết quả phiên tòa, bà Nguyễn Thị Ánh Tuyết, người chung sống với ông Đỗ Nam Trung, cho biết quan điểm của bà trong nghẹn ngào:
“Thực sự là trong suy nghĩ của tôi và gia đình thì nghĩ rằng bản án này sẽ không thay đổi gì cả, nhưng về phía bố mẹ thì bố mẹ vẫn mong là họ sẽ giảm cho anh Trung được một ít. Ông bà còn hy vọng chờ ngày con về vì bố mẹ dù sao cũng nhiều tuổi rồi, chỉ sợ lúc con ra tù thì ông bà không còn nữa.
Bản thân tôi thì tôi nghĩ chúng nó quá kinh khủng, quá tàn độc, quá dã man. Không còn lời gì để tả về chúng nó nữa.”
Luật sư Đặng Đình Mạnh, người bào chữa cho ông Trung, cho biết trong phiên xét xử hôm nay, Hội đồng xét xử đã không những làm thay bổn phận của đại diện Viện kiểm sát, mà còn bỏ ngoài tai các ý kiến tranh luận của các luật sư, ông cho biết cụ thể như sau:
"Cái cô vị đại diện Viện kiểm sát chỉ tranh luận sơ sơ thôi, thế nên khi các luật sư tranh luận thì cái sự tranh luận của cô ấy nó không đi đâu vào đâu cả. Thế thì sau đó trong bản án xét xử thì hội đồng xét xử họ bác những cái yêu cầu, những đề nghị, và quan điểm của luật sư. Hầu như là họ thay mặt cô ấy và họ giải quyết giùm, họ lý giải tại sao họ không chấp nhận (các ý kiến của luật sư)."
Luật sư cũng cho biết những yêu cầu, đề nghị và quan điểm được nêu ra trong màn tranh tụng ở phiên toà.
Trong đó có việc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Nam Định từ chối đến tham dự phiên toà, mặc dù đây là đơn vị thực hiện việc giám định các bài đăng trên Facebook của ông Đỗ Nam Trung, và kết luận rằng những nội dung đó là vi phạm pháp luật.
Các luật sư cũng đặt vấn đề về tư cách tham gia tố tụng của cơ quan này bởi chính Sở Thông tin và Truyền thông là bên đã đâm đơn tố cáo hành vi của ông Trung với cơ quan chức năng, nhưng sau đó lại đứng ra giám định các nội dung mà bản thân họ tố cáo, như vậy là vừa đá bóng và vừa thổi còi, không đảm báo tính khách quan.
Theo cáo trạng của cơ quan công tố thì ông Trung đã đăng 13 bài viết và livestreams có nội dung bình luận về các vấn đề chính trị xã hội tại Việt Nam, và quan điểm cá nhân về ông Hồ Chí Minh, nhưng Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Nam Định lại kết luận là có tính chất “xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân, và xúc phạm lãnh tụ”.
Tính chất vi hiến của Điều 117 cũng được các luật sư nêu ra, bởi vì hiến pháp Việt Nam đã quy định rõ ràng công dân có quyền tự do ngôn luận, và bản thân Việt Nam cũng là quốc gia thành viên của Công ước Quốc tế về Các Quyền Dân sự và Chính trị, trong đó có quy định quyền tự do ngôn luận.
Các luật sư đồng thời cho rằng việc giám định quan điểm, nhận thức, và tư tưởng chính trị của một người là vô lý.
Sau cùng, luật sư Đặng Đình Mạnh kết luận về phiên xét xử nhà hoạt động Đỗ Nam Trung rằng:
“Thật ra tất cả những cái sự cáo buộc một người theo tội danh của Điều 117 của Bộ Luật Hình sự, hay Điều 88 của luật cũ, theo quan điểm của luật sư là không chính đáng, là bất công.”
Phản ứng trước phiên toà phúc thẩm xét xử nhà hoạt động Đỗ Nam Trung, ông Phil Robertson, Phó giám đốc khu vực Châu Á của tổ chức Theo dõi Nhân quyền, cho RFA biết:
“Nhà nước Việt Nam liên tiếp truy tố người dân chỉ vì đã bày tỏ quan điểm chỉ trích chính quyền, do vậy đã biến Việt Nam trở thành quốc gia nguy hiểm nhất ở khu vực Đông Nam Á để làm các công việc nhân quyền.
Đỗ Nam Trung đã không làm gì sai ngoài việc thực hành quyền tự do biểu đạt, vốn được quy định trong hiến pháp Việt Nam và các công ước quốc tế mà Việt Nam đã tự nguyện tham gia.
Chính quyền cần phải trả tự do cho Đỗ Nam Trung ngay lập tức và vô điều kiện. Và bãi bỏ tội danh “Tuyên truyền chống Nhà nước”, vốn đã được sử dụng quá nhiều lần nhằm trấn áp những tiếng nói bất đồng.”