Phiên tòa phúc thẩm của Tòa án cấp cao tại thành phố Hồ Chí Minh xét xử nhà báo độc lập Lê Hữu Minh Tuấn diễn ra vào sáng 28/2 với kết quả y án sơ thẩm 11 năm tù giam.
Ông Tuấn, năm nay 33 tuổi, là biên tập viên của trang Việt Nam Thời Báo của Hội Nhà báo độc lập - một tổ chức báo chí do những cá nhân ở Việt Nam lập ra không được Nhà nước công nhận.
Luật sư Đặng Đình Mạnh, người bào chữa cho ông Tuấn cho biết qua điện thoại như sau:
"Nói chung, Tuấn cho rằng mình bị oan, chỉ thực hiện quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do lập hội theo điều 25 của Hiến pháp, việc của Tuấn là chỉ có phản biện chính sách xã hội.
Về phần họ, cơ quan công tố thì cho rằng những hành vi của Tuấn là vi phạm pháp luật, làm ảnh hưởng đến uy tín của chính quyền và của Đảng, Nhà nước cho nên cơ quan công tố đề nghị tuyên y án sơ thẩm.
Về phần luật sư thì có chỉ ra những cái sai, không đúng về mặt tố tụng, giám định cũng sai. Ví dụ họ giám định cả những bài báo trước thời điểm 1/1/2019 và họ cho rằng những bài báo đó là vi phạm pháp luật, vi phạm luật An ninh mạng."
Tuy nhiên, trên thực tế thì thời điểm ngày 1 tháng 1 năm 2019 thì luật An ninh mạng mới chính thức có hiệu lực. Theo luật sư Mạnh, với việc sử dụng những bài báo viết trước thời điểm này để truy tố ông Tuấn thì tòa án đang áp dụng nguyên tắc hồi tố pháp luật và điều này là sai trái.
Hội đồng xét xử cho rằng, quan điểm của luật sư là không chấp nhận được và quan điểm của Viện kiểm sát, của cơ quan công tố là trùng với quan điểm của tòa án nên họ tuyên y án sơ thẩm 11 năm tù với cáo buộc tội "Làm, tàng trữ, phát tán thông tin, vật phẩm nhằm chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam".
Ông Tuấn bị bắt giam hồi tháng 6 năm 2020 và ra tòa cùng hai lãnh đạo khác của Hội Nhà báo độc lập là ông Phạm Chí Dũng và ông Nguyễn Tường Thụy - một blogger của Đài Á Châu Tự Do.
Trong phiên tòa sơ thẩm, hồi tháng 1 năm 2021, Chủ tịch hội Phạm Chí Dũng bị tuyên đến 15 năm tù giam, Phó Chủ tịch hội Nguyễn Tường Thụy bị tuyên án 11 năm tù giam dù đã trên 70 tuổi vì các bài viết ôn hòa của mình.
Hai ông không kháng cáo bản án sơ thẩm vì cho rằng kháng cáo cũng không thay đổi được gì và sau đó bị chuyển đi thi hành án.