Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Ninh sáng ngày 18 tháng 10 năm 2019 tuyên y án sơ thẩm 30 tháng tù giam đối với ông Hà Văn Nam với cáo buộc tội danh “Gây rối trật tự công cộng” theo điều 318 Bộ luật hình sự 2015.
Bà Trần Thị Thu Thủy, một người được vào chứng kiến phiên xử nói với phóng viên Đài Á Châu Tự Do như sau:
"Khi mà Hà Văn Nam quá trình khai và tự bào chữa thì nhiều lần Viện kiểm sát, thẩm phán đã không cho anh ấy trình bày. Thẩm phán cố ý mớm cung anh Nam khi nói hành vi của anh ấy là hành vi xúi giục, trong khi hành vi của anh ấy không phải là hành vi xúi giục mà là phổ biến pháp luật cho người khác.
Mà hành vi phổ biến pháp luật là đúng chứ không phải sai, không phải xúi giục, tuy nhiên tòa cứ cố suy diễn theo hướng xúi giục."
Cũng theo bà Thủy, luật sư của ông Hà Văn Nam trong phiên xử phúc thẩm là Trần Thu Nam đã nhấn mạnh đến nguyên nhân để dẫn đến việc ông Hà Văn Nam và các tài xế khác phản đối trạm BOT Phả Lại đặt tại xã Đức Long trên Quốc lộ 18 đoạn tiếp giáp giữa 2 tỉnh Bắc Ninh - Hải Dương.
Tuy nhiên Viện kiểm sát bác bỏ các lời bào chữa này và yêu cầu tập trung vào việc bào chữa xem có đúng với điều khoản mà tòa sơ thẩm áp dụng đối với ông Hà Văn Nam hay không.
Sau khoảng 2 tiếng đồng hồ xét xử và nghị án, Hội đồng xét xử của tòa án tỉnh Bắc Ninh đã tuyên y án sơ thẩm 30 tháng tù giam đối với ông Hà Văn Nam. Theo bà Thủy, một người ủng hộ việc phản đối các trạm BOT có vấn đề thì đây là một bản án không công bằng.
"Bản án này rất là bất công, việc mà để cho người dân phải đi đòi quyền và lợi ích hợp pháp của mình đã là một bất công lớn và khi họ đòi hỏi lại cố tình hình sự hóa các vấn đề dân sự, rồi quy cho họ tội Gây rối trật tự công cộng," bà Thủy nói.
Một người đề nghị không nêu danh tính do vấn đề an toàn cũng nhận xét cho rằng, nếu được tăng án lên mức kịch khung thì tòa án cũng sẽ tăng do “đây chỉ là án bỏ túi”.
Theo Kết luận điều tra của công an tỉnh Bắc Ninh, trạm BOT Phả Lại đặt trên Quốc lộ 18 thuộc huyện Quế Võ được thu phí từ ngày 24/12/2018. Tuy nhiên, một số người dân quanh trạm cho rằng việc thu phí với tài xế ở địa phương là sai nên tập trung phản đối.
Cuối tháng 12 năm ngoái, ông Hà Văn Nam gọi điện cho Nguyễn Quỳnh Phong nói đã xem clip về việc người dân phản đối thu phí, hẹn khi rảnh sẽ về giúp.
Hai ngày sau, nhóm 7 người tập trung tại BOT Phả Lại cùng khoảng 100 người khác đồng thời dừng ở làn thu phí gây kẹt xe, khiến trạm này phải xả, không thu phí nên chịu thất thoát hơn 23 triệu đồng.
Đến ngày 5/3/2019, ông Nam bị bắt giữ vì cáo buộc hành vi “Gây rối trật tự công cộng”.
Trước đó không lâu, ông Hà Văn Nam khi đang phát video trực tiếp trên Facebook bị một nhóm người lạ mặt hành hung, đánh gãy xương sườn nói là “đem về đồn” nhưng bỏ ông lại ở một nơi hoang vắng.
Hôm 30/7/2019, tòa án lưu động huyện Quế Võ, Bắc Ninh tuyên phạt ông Nam 30 tháng tù giam.
Sáu tài xế khác gồm các ông Nguyễn Quỳnh Phong, Lê Văn Khiển, Nguyễn Tuấn Quân, Vũ Văn Hà, Ngô Quang Hùng và Trần Quang Hải phải lãnh nhận các mức án từ 18 tháng đến 36 tháng tù giam với cùng một tội danh sau khi cùng nhau phản đối trạm thu phí BOT Phả Lại.
Liên quan phong trào phản đối các trạm thu phí đường bộ BOT đặt sai vị trí hay thu phí quá thời hạn, bất hợp lý, vào tối ngày 16/10/2019, bà Đặng Thị Huệ hay còn có tên gọi khác là Huệ Như, một người thường lên tiếng phản đối các trạm thu phí BOT dạng này, bị công an huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội bắt giữ và dẫn giải về quê nhà ở Vũ Thư, tỉnh Thái Bình khám xét, vì cáo buộc có hành vi “Gây rối trật tự công cộng”.
Từ đầu năm đến nay, chính quyền Việt Nam bắt giữ khoảng 10 tài xế tham gia phản đối các trạm thu phí và đưa ra xử án. Ngoài trường hợp Ông Hà Văn Nam như vừa nêu, có thể kể đến trường hợp tài xế Vũ Ngọc Hoàng, người phản đối Trạm BOT An Sương vì thu phí quá thời hạn, bị Tòa án Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tuyên 18 tháng tù với cáo buộc ‘cố ý làm hư hỏng tài sản’ vào ngày 15 tháng 7 vừa qua.