ASEAN và Trung Quốc nối lại đàm phán về Bộ Quy tắc Ứng xử trên Biển Đông

Ngày 4 tháng 8, báo Bưu Điện Hoa Nam (South China Morning Post) đưa tin ASEAN và Trung Quốc đã nối lại các cuộc đàm phán về Bộ Quy tắc Ứng xử trên Biển Đông, viết tắt là COC, sau một thời gian gián đoạn vì dịch bệnh COVID-19.

Cuộc đàm phán diễn ra vào ngày 3 tháng 8 dưới hình thức trực tuyến do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, với sự tham gia của các bộ trưởng ngoại giao của Trung Quốc và các nước ASEAN.

Sau cuộc họp, Ngoại trưởng Trung Quốc, Vương Nghị tuyên bố các bên đã đồng ý một phần nội dung của Bộ Quy tắc.

Bộ Quy tắc Ứng xử trên Biển Đông được kỳ vọng là sẽ giúp các bên liên quan kiểm soát tranh chấp và tránh leo thang căng thẳng. Tuy nhiên, dù đã được hình thành về mặt ý tưởng đã lâu, và bản thảo đầy đủ cũng đã được soạn xong hồi tháng 7 năm 2019, nhưng đến nay các bên vẫn chưa thể đi đến thống nhất do còn tồn tại nhiều bất đồng.

Thạc sĩ Hoàng Việt, chuyên gia nghiên cứu Biển Đông, trao đổi với RFA về vấn đề này.

"Trước hết cần phải nói là Bộ Quy tắc Ứng xử không phải là một cái luật để ràng buộc, nhưng mà đặc biệt trong trường hợp của Biển Đông, thì từ những năm 1990 cái ý tưởng về một bộ quy tắc ứng xử đã ra đời bởi vì lúc này đã có nhiều căng thẳng trên biển đông, và đặc biệt là sau sự kiện Trung Quốc chiếm đá Vành Khăn từ tay của Philippines vào năm 1995.

Đến bây giờ thì Bộ Quy tắc này đang là điều mà cả hai bên ASEAN và Trung Quốc đang hướng tới. Tuy nhiên, nó đã bị đình trệ lại trong suốt một thời gian dài bởi vì hai lý do: thứ nhất là vì Trung Quốc không có thiện chí, và cái thứ hai là do tình hình dịch bệnh”.

Thạc sĩ Hoàng Việt cũng chỉ ra những yêu sách của Việt Nam đối với bộ quy tắc này:

"Các lãnh đạo Việt Nam trong đó có Chủ tịch Nước và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao luôn luôn tuyên bố rằng làm sao phải có một cái bộ COC hiệu quả và thực chất. Ở đây có hai vấn đề là hiệu quả và thực chất.

Hiệu quả là gì, là nó thực sự có thể ngăn chặn được việc các bên vi phạm. Theo suy nghĩ của nhiều nhà nghiên cứu thì muốn hiệu quả trước hết nó phải bị ràng buộc về mặt pháp lý đã. Quan điểm của Việt Nam cho rằng là nó phải ràng buộc về mặt pháp lý, tức là nếu một bên vi phạm thì bên kia có thể mang cái vi phạm đó ra trước toà án quốc tế.

Thế còn thứ hai là thực chất. Thực chất là nó phải có những nội dung thực chất, chứ không chỉ là một cái tuyên bố chính trị chung chung. Mà khả năng là Trung Quốc chỉ muốn COC là bước tiếp theo của DOC, mà như đã trao đổi thì DOC không có hiệu quả thực chất, nó không ngăn cản được việc các quốc gia, đặc biệt là Trung Quốc vi phạm.”

Cuối cùng theo ông Hoàng Việt, nếu Bộ Quy tắc Ứng xử trên Biển Đông mà không có những nội dung thực chất thì thà không có còn hơn.