Các nước ASEAN phải nỗ lực bảo vệ công nhân chống lại dịch COVID-19

Tổ chức các nghị sĩ Đông Nam Á về nhân quyền (APHR) cho rằng đã đến lúc Chính phủ các quốc gia Đông Nam Á phải minh bạch trong kế hoạch bảo vệ an toàn cho các công nhân chống lại dịch COVID-19.

APHR đưa ra thông cáo này nhân ngày 28/4, ngày “Tưởng niệm các công nhân” và ngày thế giới về an toàn, sức khoẻ tại nơi làm việc.

Theo thông cáo của APHR, các nghị sĩ kêu gọi chính phủ các quốc gia Đông Nam Á và các công ty trong khu vực tăng cường nỗ lực bảo vệ quyền của công nhân về điều kiện làm việc an toàn giữa đại dịch COVID-19.

"Mỗi ngày hàng triệu công nhân Đông Nam Á vẫn đang cố gắng làm việc nhưng nhiều người trong số họ vẫn đang bị buộc làm việc trong điều kiện nguy hiểm, rủi ro khi tiếp xúc với nhiều khả năng lây nhiễm dịch COVID-19. Do đó Chính phủ các nước ASEAn phải đảm bảo chắc rằng họ được làm việc trong môi trường an toàn, khoẻ mạnh và được bảo vệ tốt" một cựu thành viên Thái Lan của APHR-Chamnan Chanruang cho biết.

Từ khi đại dịch bùng phát, nhiều nước trong khu vực đã đóng cửa một số hoạt động kinh tế nhưng nhiều nơi công nhân vẫn đang làm việc như các công nhân ngành công nghiệp xuất khẩu ở Philippines, chế biến đóng gói thực phẩm ở Singapore, công nhân xây dựng ở Indonesia và nhưng công nhân làm việc tại nhà máy các khu kinh tế đặc biệt tại Việt Nam. Mặc dù có nhiều rủi ro ngay giữa lúc đại dịch COVID-19 đang hoành hành trên toàn cầu nhưng họ không có lựa chọn nào khác ngoài phải tiếp tục làm việc.

"Nhiều công nhân đang ở trong tình huống cực kỳ khó khăn vì họ cần kiếm tiền, nhưng nhiều trong số họ phải làm việc trong điều kiện thiếu vệ sinh và an toàn. Ví dụ ở Philippines, các công nhân phải ngủ trên sàn nhà xưởng 30 ngày trong điều kiện khủng khiếp không theo quy định giãn cách xã hội. Những điều tồi tệ như thế này phải chấm dứt ngay", Chamnan Chanruang, nói tiếp.

Thông cáo của APHR cũng nêu rõ, phụ nữ chiếm hơn 70% lực lượng lao động y tế toàn cầu trong khi nhiều trong số họ đang đối diện với rủi ro trong công việc chăm sóc y tế giữa đại dịch.

Theo nguyên tắc hướng dẫn của Liên Hiệp Quốc về kinh doanh và Nhân quyền, các doanh nghiệp phải thực hiện nghiêm túc và giảm thiểu mọi tác hại đối với sức khoẻ người lao động. Hơn nữa Tổ chức Y tế thế giới và Phòng thương mại quốc tế cũng kêu gọi các doanh nghiệp phải hành động để giảm thiểu việc lây nhiễm COVID-19 trong xã hội. Mặc dù vậy nhiều công ty ở Đông Nam Á chưa minh bạch trong việc chia sẻ thông tin liên quan đến kế hoạch bảo vệ công nhân của họ không bị lây nhiễm bệnh tại nơi làm việc. Để giải quyết việc này APHR cho rằng cần phải minh bạch về kế hoạch bảo vệ tất cả người lao động không bị nhiễm bệnh và kế hoạch này phải thông qua đối thoại xã hội, đàm phán với công nhân và công đoàn, có như vậy chúng ta mới tôn trọng quyền của họ và giải quyết được đại dịch này.