Chính quyền Cao Bằng ép nhiều tín đồ Dương Văn Mình ký giấy bỏ đạo

0:00 / 0:00

Chính quyền xã Nam Quang, huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng đang ép buộc người dân Hmong ở địa phương phải ký giấy từ bỏ đạo Dương Văn Mình mà nhà chức trách Việt Nam cho là tà đạo và tổ chức bất hợp pháp cần phải xoá bỏ.

Một người dân Hmong ở xóm Nà Héng nói với Đài Á Châu Tự Do (RFA) trong điều kiện ẩn danh vì lý do an ninh về sự việc xảy ra vào ngày 12/4:

“Trong ngày 12/4, một đoàn cán bộ xã khoảng 15 người dẫn đầu bởi Phó Bí thư Đảng uỷ xã Ma Thị Hiền, Phó Chủ tịch Thào A Sóng và Trưởng Công an xã Nông Văn Biên đến nhà anh ruột tôi để ép anh ấy ký vào bản cam kết có nội dung từ bỏ đạo Dương Văn Mình.

Khi tôi tới nơi thì gặp đoàn cán bộ này ra về sau khi họ đã buộc được anh tôi ký. Họ cũng bắt tôi ký vào tờ cam kết này nhưng tôi không đồng ý.

Tuy nhiên, họ cho người khoá tay tôi rồi dùng mực đỏ bôi vào một ngón tay của tôi và điểm chỉ vào tờ cam kết.”

Người này cho biết một ngày sau khi xảy ra sự việc vẫn bị đau tay do bị công an địa phương bẻ.

Khi một người dân khác chất vấn tại sao trước đó chính quyền xã nói vận động người dân tự nguyện ký cam kết mà giờ đây lại ép ký, Phó Chủ tịch xã - ông Thào A Sóng nói “đã vận động nhiều lần, các ông bà không chịu ký thì giờ phải ép ký theo lệnh của cấp trên.”

Trong khi người dân đang chất vấn, một cán bộ gọi điện cho công an huyện báo rằng người dân ngăn chặn đoàn công tác. Một lúc sau có hơn 60 công an huyện kéo đến để dẹp đường và trợ giúp đoàn cán bộ xã trong việc ép người khác ký giấy cam kết.

Khi phóng viên hỏi tại sao người dân không đồng ý ký bản cam kết, họ cho biết vì bản cam kết buộc những tín đồ phải từ bỏ đạo Dương Văn Mình và một số tập tục kèm theo như sử dụng con cóc và con ve trong đám tang hoặc bàn thờ có phông trắng, mà theo họ là văn minh hơn những hủ tục trước đây của người Hmong.

Năm 1989, ông Dương Văn Mình, một người Hmong khi đó 28 tuổi nói với những người Hmong khác rằng, tục cúng ma tốn kém của người Hmong phải kết thúc. Ông nói chính mình là người được Chúa cử để hướng dẫn người dân bỏ tục cúng ma.

Theo một bản photocopy của bản cam kết soạn sẵn với nơi gửi là Uỷ ban Nhân dân xã (thị trấn) và Công an huyện mà người dân ở bản Nà Héng gửi cho RFA, nội dung có nhiều điểm buộc phải tuân thủ chính sách và pháp luật của Nhà nước và “không tham gia tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình và các loại hình tín ngưỡng, tôn giáo trái pháp luật…”

Người dân ở Nà Héng cho biết đây là lần thứ hai chính quyền xã Nam Quang thành lập đoàn công tác đến xóm này để buộc người chủ hộ gia đình phải ký vào bản cam kết.

Tuần trước, vào ngày 05/4, đoàn cán bộ xã vào xóm Nà Héng để phá bàn thờ của người Hmong và ép các tín đồ theo đạo Dương Văn Mình ký vào giấy cam kết bỏ đạo.

Đoàn cán bộ đã chặn đường sáu tín đồ và ép họ ký vào bản cam kết bỏ đạo. Khi họ từ chối ký thì người trong đoàn đã khống chế chân tay để bôi mực và ấn vân tay của họ vào các tờ giấy cam kết.

Các nạn nhân bao gồm ông Lý Văn Chi, ông Hoàng Văn Chạ, ông Mã Văn Chầu, ông Mã Văn Sùng, ông Đào Văn Sử và bà Đào Thị Pè.

Một người dân cho biết khi gia đình ông đi vắng, chính quyền xã đã cho người dùng búa phá cửa để xông vào nhà rồi vứt bỏ bàn thờ có phông trắng và thay bằng một bức ảnh của ông Hồ Chí Minh.

Phóng viên RFA gọi điện cho công an xã Nam Quang và công an huyện Bảo Lâm để kiểm chứng về thông tin mà người dân cung cấp. Tuy nhiên, một người cầm máy từ chối trả lời câu hỏi và dập máy.

Từ Đức, ông Vũ Quốc Dụng, Giám đốc Điều hành của tổ chức nhân quyền VETO, cho RFA biết việc chính quyền xã Nam Quang ép người dân Hmong ở xóm Na Héng ký bản cam kết là một phần của chiến dịch của Đề án 78 của Chính phủ Việt Nam với mục tiêu xoá bỏ đạo Dương Văn Mình của Việt Nam ở bốn tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên và Tuyên Quang, bốn địa phương có tín đồ thực hành hình thức tôn giáo này.

Ông nói với RFA trong tối 12/4:

“Đặc điểm của chiến dịch xoá bỏ đạo Dương Văn Mình là sự vô pháp, tức là nó không tuân thủ nghĩa vụ tôn trọng và bảo vệ quyền tự do tôn giáo và niềm tin theo Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị, và Hiến pháp và Luật tôn giáo tín ngưỡng của Nhà nước Việt Nam.”

Ông cho biết khi bị chất vấn, những quan chức thực hiện chiến dịch xoá bỏ đạo Dương Văn Mình thường trả lời vu vơ là "họ thực hiện lệnh của cấp trên", và từ chối cung cấp cho người dân những văn bản thi hành để họ có thể kiểm tra tính hợp hiến hợp pháp của các hành động của viên chức nhà nước.

Chiến dịch xóa bỏ đạo Dương Văn Mình của chính quyền Việt Nam bắt đầu từ tháng 12/2021 khi ông Dương Văn Mình, người sáng lập, qua đời do bệnh ung thư, ông Dụng nói.

Một bài viết trên báo Công an Nhân dân hồi tháng 7/2022, thừa nhận chính phủ Việt Nam có ban hành Đề án số 78 về "Đấu tranh, ngăn chặn, tiến tới xóa bỏ tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình", trong đó riêng tỉnh Bắc Kạn phải hoàn thành việc này trong năm 2023.

Lý do được đưa ra là vì chính quyền cáo buộc những người Hmong theo đạo này có ý đồ “ly khai” và âm mưu “thành lập nhà nước Mông.”

Tuy nhiên, theo ông Dụng, chính quyền Việt Nam không có bằng chứng nào cho những lời kết tội mê tín dị đoan hay có âm mưu đòi tự trị.

Là người theo dõi sát sao tình hình vi phạm nhân quyền, đặc biệt là vi phạm tự do tôn giáo và niềm tin ở Việt Nam, ông Dụng cho biết chính quyền ở bốn tỉnh phía bắc của Việt Nam áp dụng nhiều biện pháp để xoá bỏ đạo Dương Văn Mình.

“Điều đáng nói là cái sự vô pháp này bao trùm tất cả các biện pháp được dùng trong chiến dịch xoá bỏ đạo Dương Văn Mình với khoảng 10.000 tín đồ.

Cụ thể như là những biện pháp như là bắt người kết án tù, phá bàn thờ, đốt nhà bảo quản đồ tang lễ, bắt ký giấy cam kết bỏ đạo, cấm không được tập trung cầu nguyện vào ngày chủ nhật, cấm dùng các nghi lễ tôn giáo trong đám tang và lễ cưới, kỳ thị tôn giáo khi thực hiện các chính sách về kinh tế văn hoá xã hội, xoá đói giảm nghèo hay giáo dục…”

Vào tháng 3/2021, Thiếu tướng Sùng Thìn Cò, cựu Phó Tư lệnh Quân khu 2 và Ủy viên Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Việt Nam đã phát biểu trước Quốc hội rằng đạo Dương Văn Mình chỉ cải thiện các thủ tục ma chay lạc hậu của người Hmong chứ không chống chính quyền.

Trong khi đó, Tiến sĩ Nguyễn Khắc Cường tại Viện Tôn giáo và Tín ngưỡng thuộc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cũng khẳng định rằng đạo Dương Văn Mình giúp người Hmong đỡ tốn kém, tiết kiệm thời gian trong tang lễ và cưới xin.