Tỉnh Bình Dương báo cáo tính đến hết tháng 6/2023 có hơn 80 ngàn lao động bị cho thôi việc, chấm dứt hợp đồng; trong số này gần 30 ngàn người có quyết định hưởng bảo hiểm thất nghiệp, với mức hưởng bình quân gần 4 triệu đồng/tháng.
Phó Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương Phạm Văn Tuyên trong ngày 2/8 cho truyền thông hay tin trên.
Tổng số tiền chi trả trợ cấp thất nghiệp lên đến hơn 717 tỷ đồng. Ông Tuyên cho biết thêm, số bị cho thôi việc, chấm dứt hợp đồng là vì lượng đơn hàng của các doanh nghiệp trong nước bị sụt giảm từ 40 đến 50%. Các ngành nghề bị ảnh hưởng nhiều nhất là gỗ, dệt may, giày da…
Cũng theo ông Tuyên, số tiền hỗ trợ thất nghiệp trên nhằm hỗ trợ người lao động tìm kiếm, chuyển đổi công việc phù hợp, ổn định phần nào cuộc sống trong thời gian kiếm việc mới.
Hiện, vẫn theo ông Tuyên, Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh tăng cường thu thập thông tin tuyển dụng của các doanh nghiệp để kết nối thông tin, hỗ trợ người lao động tiếp cận với các vị trí việc làm; giới thiệu lao động đến doanh nghiệp nộp hồ sơ ngay trong ngày…
Trong sáu tháng đầu năm, đơn vị đã tổ chức 26 phiên giao dịch việc làm, có 1.416 doanh nghiệp với nhu cầu tuyển dụng là 23.950 lao động tham gia; thực hiện tư vấn, giới thiệu việc làm cho 57.054 lao động.
Hôm cuối tháng 6/2023, Tổng cục Thống kê cho biết đã có 217.800 người lao động mất việc trong quý II/2023, tập trung chủ yếu ở các ngành dệt may, da giày, sản xuất linh kiện và sản phẩm điện tử, chế biến gỗ (chiếm tỷ trọng lần lượt là 16,8%; 14,1%; 14,8% và 6,1%), thuộc các tỉnh có nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất như thuộc các địa phương:: Bình Dương (khoảng 83.200 người), TP.HCM (khoảng 30.400 người), Bắc Ninh (khoảng 10.700 người), Bắc Giang (khoảng 9.300 người),…
Nguyên nhân, theo Tổng cục, do nhiều khó khăn thách thức trong bối cảnh chịu tác động kéo dài của các cú sốc tiêu cực chồng chéo như đại dịch COVID-19, xung đột giữa Nga và Ukraine, tổng cầu thế giới suy giảm làm cho nhiều doanh nghiệp bị cắt giảm đơn hàng, khiến xuất nhập khẩu đều sụt giảm mạnh.