Chất nạo vét tại Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân dùng để san lấp mặt bằng

Tỉnh Bình Thuận vừa công bố kế hoạch sẽ dùng vật chất nạo vét cảng, luồng, vũng quay tàu tại Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân để san lấp mặt bằng thay vì nhận chìm xuống biển như đề xuất trước đó.

Thông tin này được truyền thông trong nước đồng loạt loan đi vào ngày 17 tháng 9.

Theo Ủy Ban Nhân dân tỉnh Bình Thuận, phương án vừa nói được ký vào ngày 12 tháng 9, chia làm hai giai đoạn:

Giai đoạn 1: Đổ tạm 1,77 triệu m3 vật chất nạo vét để tiếp tục san lấp Cảng Tổng hợp Vĩnh Tân.

Giai đoạn 2: Đầu tư mở rộng để chứa hết những thứ nạo vét trong 30 năm, bảo trì và sửa chữa, làm kho trung chuyển, và cảng xuất nhập than.

Trước đó, Bộ Tài nguyên – Môi trường đã ký duyệt trong Báo cáo đánh giá tác động môi tường, đồng ý để nhận chìm các chất nạo vét xuống biển.

Tuy nhiên, Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn vào ngày 8 tháng 6 đã có văn bản trả lời Bộ Tài nguyên Môi trường phản đối nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 3 ở Bình Thuận đổ 1 triệu m3 bùn thải xuống biển. Lý do được đưa ra là vì vị trí nhận chìm bùn thải quá gần Khu bảo tồn biển Hòn Cau cách khoảng 9 km và có thể gây tác động xấu đến môi trường và hệ sinh thái biển tại khu vực này.

Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân ở huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận do Trung Quốc đầu tư 95% vốn, gồm 5 nhà máy nhiệt điện chạy bằng than với tổng công suất thiết kế lên đến hơn 6.000 MW.

Tuy nhiên kể từ khi nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 đi vào hoạt động vào tháng 9 năm 2014 đến nay, dân chúng địa phương nhiều lần than phiền về tình trạng ô nhiễm do khói bụi từ nhà máy. Đỉnh điểm là vào năm 2015, hàng ngàn người dân xã Vĩnh Tân đã tập trung phản đối ô nhiễm không khí do xỉ than của nhà máy gây ra.

Trong thời gian qua, công luận tại Việt Nam quan tâm đến tình trạng một số nhà máy nhiệt điện than xin chính phủ cho nhận chìm vật chất xuống biển.

Bộ Tài nguyên - Môi trường Việt Nam vào trung tuần tháng 8 vừa qua cho biết vẫn đang xem xét đề nghị cho nhận chìm 2,5 triệu m3 bùn và chất thải nạo vét của Trung tâm Điện lực Quảng Trạch ở Quảng Bình xuống khu vực cách đảo Hòn La 3,5 hải lý. Thông tin này đã gây nhiều phản ứng trong dư luận vì người dân lo ngại rằng việc nhận chìm bùn thải sẽ làm chết vùng biển này.

Gần đây nhất là vào ngày 12 tháng 9, Ủy ban Nhân dân Tỉnh Quảng Ngãi gửi đơn lên Thủ tướng xin cho phép cho Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất được nhận chìm 15 triệu m3 vật chất xuống biển.