Blogger Đường Văn Thái bị kết án 12 năm tù giam trong phiên toà kín

Toà án Nhân dân thành phố Hà Nội ngày 30/10 đã kết án blogger Đường Văn Thái 12 năm tù giam và ba năm quản chế trong một phiên tòa xử kín, không có sự tham dự của gia đình. Một nguồn tin biết rõ về phiên tòa không muốn nêu danh tính vì lý do an toàn cho RFA biết kết quả của phiên xử bắt đầu từ 8 giờ sáng và kết thúc vào chiều cùng ngày.

Ông Đường Văn Thái (hay còn được biết đến với tênThái Văn Đường) là người nổi tiếng vì đã đưa tin về tình trạng tham nhũng của các quan chức trong Đảng, Chính phủ Việt Nam và đưa các tin này lên mạng xã hội.

Theo nguồn tin, tại phiên tòa, ông Thái bị kết tội đăng tải hàng chục video clips và bài viết trên Facebook và YouTube có nội dung “chống phá Đảng và Nhà nước” theo khoản 2 “phạm tội trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng” của Điều 117 “làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” trong Bộ luật Hình sự.

Ông Thái, 42 tuổi, đào thoát sang Thái Lan tị nạn vào đầu năm 2019 và đã được Cao uỷ LHQ về người tị nạn cấp quy chế. Ngay sau khi được phỏng vấn để định cư ở nước thứ ba vào giữa tháng 4/2023, ông bị mất tích ở gần Bangkok. Những bạn bè và một số tổ chức nhân quyền quốc tế nhận định ông đã bị an ninh Việt Nam bắt cóc ngay trên đất Thái Lan.

Báo chí Việt Nam nhiều ngày sau đăng thông tin cho biết công an bắt giữ ông khi đang định xâm nhập từ Lào vào Hà Tĩnh. Tuy nhiên, công an sau đó thông báo điều tra ông về cáo buộc “tuyên truyền chống Nhà nước.”

Truyền thông Nhà nước hoàn toàn im lặng về vụ xử kín nói trên.

____________

Blogger Đường Văn Thái sẽ bị xử kín vì liên quan đến nhiều quan chức nhà nướcOpens in new window ]

Blogger Đường Văn Thái mất tích: Tiếng la cuối cùng để lại nhiều câu hỏiOpens in new window ]

Blogger Thái Văn Đường mất tích ở Thái, bạn bè nghi bị an ninh Việt Nam dẫn giảiOpens in new window ]

____________

Trong cùng ngày, hai tổ chức nhân quyền quốc tế Những người vận động nhân quyền và lao động châu Á (Asia Human Rights and Labor Advocates- AHRLA) và Văn bút Hoa Kỳ (Pen America) chỉ trích việc Việt Nam xử kín Đường Văn Thái và kêu gọi Hà Nội phóng thích ông.

Tổ chức Văn bút Hoa Kỳ (PEN America) và Những người vận động nhân quyền và lao động châu Á (AHRLA) bày tỏ quan ngại về phiên xử kín blooger Đường Văn Thái và kêu gọi trả tự do cho ông.

Ngay trước phiên toà, nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế cho rằng việc bắt cóc ông ở Thái Lan khi đang chờ được định cư ở nước thứ ba là hành vi đàn áp xuyên biên giới, và kêu gọi Việt Nam trả tự do cho ông.

Trong thông cáo báo chí ngày 30/10, ông Phil Robertson, Giám đốc tổ chức Những người vận động nhân quyền và lao động châu Á (Asia Human Rights and Labor Advocates- AHRLA) cho rằng vụ an ninh Việt Nam bắt cóc ông Thái ở Thái Lan tương tự như vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh ở Đức năm 2017.

Khẳng định ông Thái là người tị nạn vô tội, vị chuyên gia về nhân quyền Việt Nam cho rằng Chính phủ Việt Nam đã vi phạm luật nhân quyền quốc tế và chủ quyền quốc gia của Thái Lan trong vụ bắt cóc này.

“Không có từ nào để mô tả đầy đủ hành động đáng khinh và bất hợp pháp của Chính phủ Việt Nam trong việc bắt cóc Đường Văn Thái, và bây giờ Hà Nội đang tiếp tục vi phạm bằng cách kết án ông với một án tù dài. "

Ông kêu gọi cộng đồng quốc tế hành động "chống lại sự đàn áp bất hợp pháp của Chính phủ Việt Nam bằng cách điều tra và xử phạt những kẻ chịu trách nhiệm cho sự đàn áp xuyên quốc gia đó.”

Trong khi đó, tổ chức Văn bút Hoa Kỳ (PEN America) chia sẻ lại bài viết của RFA trên tài khoản X, đồng thời kêu gọi Chính phủ Việt Nam huỷ bỏ mọi cáo buộc đối với Đường Văn Thái và trả tự do cho ông ngay lập tức. Tổ chức cổ suý cho quyền tự do viết lách khẳng định:

“Việc vạch trần tham nhũng của Thái (Đường Văn Thái- PV) không phải là tội phạm mà là một hành động thực hiện quyền tự do ngôn luận quan trọng, điều cần thiết cho nền quản trị có trách nhiệm.

Bằng cách tổ chức phiên tòa kín và cấm gia đình ông tham dự phiên toà, Việt Nam phủ nhận quyền cơ bản của ông Thái đối với một quy trình pháp lý công bằng và minh bạch.”