Blogger Nguyễn Lân Thắng tuyệt vọng chiến đấu để con có cuộc sống hạnh phúc đích thực

Việc chính quyền Việt Nam bắt giữ blogger Nguyễn Lân Thắng với cáo buộc tuyên truyền chống Nhà nước hôm 5/7 là tin tức được chia sẻ và bình luận nhiều trên mạng xã hội Facebook ở Việt Nam tuần này, trong đó có không ít những ý kiến ủng hộ những hoạt động vì xã hội của ông.

Giống như trong nhiều vụ án chính trị khác, ông Nguyễn Lân Thắng, 47 tuổi và là bố của hai đứa con 8 tuổi và 2 tuổi, sẽ bị biệt giam ít nhất bốn tháng trong giai đoạn điều tra, và đối diện với mức án có thể từ 7 năm đến 12 năm tù, thậm chí 20 năm tù nếu bị kết tội.

Ông xuất thân từ gia đình khoa bảng nổi tiếng nhất lịch sử đương đại Việt Nam, với ông nội là giáo sư Nguyễn Lân, nhà nghiên cứu kiêm biên soạn Từ điển Tiếng Việt được sử dụng rộng rãi ở Việt Nam trong nhiều thập niên qua. Tám người con của cụ Nguyễn Lân, trong đó có ông Nguyễn Lân Tráng- bố của ông Nguyễn Lân Thắng, là tiến sỹ, và bảy trong số họ có học hàm giáo sư hoặc phó giáo sư trong giáo dục và y học. Bác của ông, giáo sư Nguyễn Lân Dũng còn là đại biểu quốc hội nhiều khoá.

Chọn con đường dấn thân, đấu tranh về chủ quyền quốc gia và môi trường

Với một gia đình công thần của chế độ như thế, bản thân là kỹ sư xây dựng, ông có thể có một tương lai tốt nếu “ngoan ngoãn” gắn mình với chế độ. Tuy nhiên, ông đã chọn con đường dấn thân trong nhiều hoạt động dân sự vốn có lịch sử non trẻ ở một quốc gia bị đảng cộng sản độc quyền chính trị từ nhiều thập niên qua.

Xã hội dân sự độc lập ở Việt Nam phát triển mạnh từ năm 2011 khi Trung Quốc xâm phạm lãnh hải của Việt Nam ở Biển Đông. Khi đó nổ ra 11 cuộc biểu tình trong 11 sáng chủ nhật ở trung tâm thành phố Hà Nội, có lúc tập hợp được hàng trăm người cho dù nhiều buổi bị công an đàn áp khốc liệt.

Ông Nguyễn Lân Thắng hoà mình vào các cuộc biểu tình này. Với kỹ năng chụp ảnh, ông là một trong số ít ký giả ảnh đưa tin về các hoạt động còn khá mới mẻ này ở Việt Nam.

Nói về ông, bà Nguyễn Kim Tiến, một nhà hoạt động tham gia nhiều cuộc biểu tình ôn hoà ở Hà Nội trong thập nhiên trước và thường được gọi là “hoa hậu biểu tình,” trao đổi với phóng viên Đài Á Châu Tự Do:

"Em quen biết anh Nguyễn Lân Thắng trong cuộc biểu tỉnh năm 2011 chống Trung Quốc xâm lược. Lúc biểu tình thì không ai quen biết ai nhưng sau mọi người ngồi lại và giới thiệu qua và biết lẫn nhau. Sau nhiều cuộc biểu tình thì có sự kết nối giữa những người hoạt động với nhau. Em quen với anh Nguyễn Lân Thắng từ đó.

Hồi đó mọi người đi với một sự nhiệt huyết…. Giữa em và anh Thắng không có nhiều hoạt động chung nhưng những gì em biết là anh Thắng tham gia rất nhiều hoạt động như là biểu tình chống Trung Quốc xâm lược, xuống đường bảo vệ cây xanh, và một số hoạt động khác bảo vệ môi trường như phản đối Formosa xả thải ở ngoài biển.

Anh Thắng có tài chụp ảnh. Ảnh anh chụp rất đẹp. Anh Thắng hay mang máy ảnh trong các cuộc biểu tình và chụp nhiều bức ảnh để lưu lại những dấu ấn kỉ niệm về các cuộc biểu tình.”

Ông Nguyễn Lân Thắng cũng là một trong những nhân vật chủ chốt của Đội bóng No-U Hà Nội- tập hợp của những người tham gia biểu tình chống Trung Quốc thường gặp nhau để luyện tập thể thao và chia sẻ về các vấn đề xã hội trong chiều chủ nhật trong thời gian từ tháng 10 năm 2011 đến 2017 trước khi bị lực lượng an ninh can thiệp khiến đội bóng không thể hoạt động công khai.

000_QH7LF.jpg
Blogger Nguyễn Lân Thắng mặc áo của đội bóng No-U FC trong một trận đấu giao hữu ở Hà Nội hôm 9/7/2017. AFP

Blogger Nguyễn Lân Thắng với phong cách hóm hỉnh

Không chỉ là một nhiếp ảnh gia, ông Nguyễn Lân Thắng còn là blogger của Đài Á Châu Tự Do, với hàng chục bài viết về nhiều khía cạnh ở Việt Nam. Bài cuối cùng của ông viết về việc Nga lách cấm vận quốc tế trong việc xuất khẩu dầu sau khi Putin xua quân xâm lược Ukraine bằng cách bán lậu dầu trong vùng biển quốc tế.

Trên Facebook, ông lấy nickname Ông Ké, với nhiều bài viết chế giễu lãnh tụ Hồ Chí Minh và nhiều quan chức cao cấp của chế độ cùng nhiều chính sách chỉ có lợi cho nhóm cầm quyền mà không mang lại lợi ích cho dân chúng và đất nước.

Cây bút Võ Ngọc Ánh, người thường viết cho BBC cũng như Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ (VOA), viết trên trang Facebook cá nhân của mình rằng tuy chưa gặp trực tiếp Nguyễn Lân Thắng bao giờ nhưng hai người thường xuyên nói chuyện trực tuyến để chia sẻ tình hình chính trị trong nước mà nhiều người Việt không dám nói. Theo nhà báo đang định cư ở Hoa Kỳ này thì ông Nguyễn Lân Thắng rất thẳng thắn, chọn cuộc sống có giá trị chứ không phải là một cuộc sống an nhàn và an toàn.

nguyenlanthang2.jpeg
Blogger Nguyễn Lân Thắng trong một chuyến đi từ thiện chụp hình cùng các em nhỏ vào năm 2019. Facebook Nguyen Lan Thang

Nhà từ thiện Nguyễn Lân Thắng ở miền Trung và vùng cao phía Bắc

Ông cũng tham gia vào hoạt động từ thiện, trong đó có cứu trợ đồng bào bị lũ lụt ở miền Trung và vùng núi phía Bắc cũng như xây dựng nhiều lớp học cho học sinh vùng cao hay đơn giản là phát quà cho chúng trong dịp Trung thu cùng với một số thành viên khác của No-U Hà Nội.

Nói về hoạt động thiện nguyện của ông Nguyễn Lân Thắng, bà Nguyễn Thị Ánh Tuyết, vợ chưa cưới của tù nhân lương tâm Đỗ Nam Trung, cho Đài á Châu Tự Do biết, bà là một người bạn của ông Nguyễn Lân Thắng cùng tham gia hoạt động thiện nguyện nhiều lần, trong đó có vụ giúp bà con ở Văn Chấn- Yên Bái trong vụ lũ quét năm 2018.

"Tôi không nghĩ con người anh ấy nhỏ bé mà làm được quá nhiều việc như vậy. Qua những buổi thiện nguyện như thế, tôi thấy anh ấy là một con người nhiệt huyết cả về tâm và sức mặc dù sức khoẻ của anh ấy không được tốt do bị bệnh hen…. Tuy những việc làm của anh Thắng cho xã hội và cộng đồng không phải là điều gì quá to lớn nhưng anh đã hy sinh bản thân và thời gian cho vợ con để giúp đỡ bà con. Tôi rất trân trọng con người của anh ấy khi anh được thấy anh ấy thực hiện những công việc theo lương tâm mà anh ấy nghĩ cần phải làm."

Dường như sẵn sàng với việc bị bắt giữ, ông Nguyễn Lân Thắng, trong một bài viết trên Facebook chia sẻ với con gái tên Đậu, nói rằng ông có thể có nhiều lựa chọn. Nếu chấp nhận cuộc sống giả dối, tung hô những điều dối trá, tận dụng những quan hệ và lợi thế sẵn có thì ông và gia đình sẽ chả thiếu thứ gì và có thể ra nước ngoài sinh sống không cần biết nước Việt tan hoang ra sao. Tuy nhiên, ông không thể chấp nhận làm kẻ bỏ chạy mà phải chiến đấu bằng được để giữ mái nhà tổ quốc này cho con mình. Ông cũng nói ông không thể nhởn nhơ sống cho riêng mình khi xung quanh toàn khổ đau và nước mắt vì đối với ông, đó không phải là hạnh phúc.

Như thể biết mình sẽ bị giam cầm, ông nói với con rằng đời ông có thể bị coi là thất bại, nhưng đã “tuyệt vọng chiến đấu để con có cuộc sống hạnh phúc đích thực.”