“Bùi Tín là một nhà báo trọn đời!”

“Bùi Tín là một nhà báo trọn đời!”, nhà báo Tường An, một người thân thiết với nhà báo Bùi Tín nói như vậy với chúng tôi vào rạng sáng ngày 11-8 từ Paris.

Như tin chúng tôi đã loan, nhà báo Bùi Tín - cựu Đại tá Quân đội nhân dân, người bất đồng chính kiến với đảng cộng sản VN, vừa qua đời vào lúc 1 giờ 25 phút sáng ngày 11-8 tại bệnh viện Andre Gregoire ở Montreuil, ngoại ô Paris hưởng thọ 91 tuổi.

Ông Bùi Tín còn một người em gái ở California, Hoa Kỳ; một người con trai ở Canada, và một người con gái ở Việt Nam.

“Giờ phút cuối ông vẫn là một nhà báo rất tận tâm”

Bà Tường An cho hay, thời gian ông Bùi Tín vào bệnh viện ngày 13-7 thì tình trạng còn tương đối ổn định, thận hoạt động khoảng 15%.

Trong 2 - 3 tuần lễ sau đó thận suy yếu chỉ còn 3% nên bác sĩ đã chuyển ông sang một bệnh viện khác để trị thận.

“Bài viết cuối cùng mà bác gửi đi là cho VOA, Tiếng Dân. Khi tôi vào nhà thương thăm bác thì bác hỏi là ‘bài của tôi được đăng chưa cô Ca Dao’.

Bác vẫn luôn nghĩ đến những bài viết của mình. Khi bác còn khỏe, mỗi khi bác viết bài là bác đưa cho tôi và luôn hỏi là cô Ca Dao đã đăng bài của tôi chưa.

Bài viết cuối cùng mà bác gửi đi là cho VOA, Tiếng Dân. Khi tôi vào nhà thương thăm bác thì bác hỏi là 'bài của tôi được đăng chưa cô Ca Dao'.

Có lẽ đó là bài bác viết trong sự sáng suốt cuối cùng, sau đó thì sức khỏe yếu đi.

Bác cũng nằm trên giường bệnh và viết bằng tay một bài báo để cho người khác đánh máy lại, dĩ nhiên lúc đó tinh thần của bác không còn sáng nữa.

Bác viết trên một tờ giấy lau tay. Cái tờ giấy đó tôi vẫn còn giữ ở đây, chữ viết rất là hỗn loạn”, nhà báo Tường An hay còn có bút danh khác là Ca Dao nói với chúng tôi qua điện thoại.

Nữ nhà báo này khi tường thuật lại vẫn không giấu được dòng nước mắt:

“Ông nhớ rất là rõ, ông đã viết bao nhiêu bài cho báo nào, ông đã trả lời bao nhiêu cuộc phỏng vấn, ông đã đi đến những đâu ông đều nhớ hết, và ông có một sức viết phải nói là ‘kinh khủng”.

Tôi không biết ông viết cho bao nhiêu báo đài tất cả, nhưng tôi biết ông có viết cho đài VOA, ông viết rất thường - hình như một tuần ông viết 2 bài hoặc hơn nữa.

Ông có sức viết rất mạnh và ông là một nhà báo đúng nghĩa.

Cho đến giờ cuối cùng, sau khi ở nhà thương về qua nhà ông, thì trên bàn đầy những tờ giấy, ông ghi chú lại những tin ông đọc được trên Internet, để sau đó viết thành bài.”

Người viết cáo phó cho chính mình

Ông Bùi Tín sống đời tị nạn tại Pháp một mình, ông chỉ có một người con gái nuôi ở nước này nên có lẽ vì thế ông đã chuẩn bị từ lâu cho sự ra đi của mình.

“Năm 2011 bác đã viết một tâm thư cho bạn bè, rồi bác viết thư gửi cho 2 đứa con yêu quý nhất của bác một người con trai ở Canada, một người ở Việt Nam.

Bác biết là bác không có thân nhân ở đây, cho nên bác đã chuẩn bị hết: mua bảo hiểm, viết di chúc, và bác viết sẵn một tờ cáo phó, bác để trống những khoảng trống.

Bác dặn tôi khi nào bác mất, thì điền vào những chỗ trống đó.

Bác giao cho tôi nhiệm vụ là phải liên lạc với chùa Khánh Anh và bác mong ước được hỏa thiêu sẽ được đem… tạm thời tôi sẽ không nói phần tro của bác sẽ đem đi đâu, nhưng bác có ghi kỹ lưỡng những phần tro của bác, ai sẽ đem đi đâu, bác ghi lại hết”, nữ nhà báo được ông Bùi Tín tin tưởng kể lại.

Chúng ta cũng biết cái quá khứ của ông là một cựu Đại tá Quân đội thì ông cũng có nhiều người không thích ông, mặc dù ông đã đứng về phía những người chống lại độc tài cộng sản. - nhà báo Tường An

Bà Tường An giải thích, không phải vì thân thiết mà bà nói tốt cho ông Bùi Tín nhưng thật sự ông là một người rất bao dung.

“Chúng ta cũng biết cái quá khứ của ông là một cựu Đại tá Quân đội thì ông cũng có nhiều người không thích ông, mặc dù ông đã đứng về phía những người chống lại độc tài cộng sản.

Tuy nhiên, mỗi lần nói về vấn đề đó ông đều rất là độ lượng, ông nói rằng: ‘Trong chiến tranh người ta có gia đình chết nên người ta hận thù, điều đó thì cũng dễ hiểu thôi.’

Thí dụ như có người hỏi rằng ông Bùi Tín để cho những người khác nhục mạ ông như vậy, thì ông Bùi Tín nói rằng: ‘Không sao cả, bởi vì tôi tin vào những việc gì mà tôi làm là đúng và tôi tha thứ cho tất cả mọi người...’

Hàng mấy chục năm nay nói chuyện với ông và tôi không bao giờ thấy ở ông một sự hận thù, bực tức với những người không thích ông.”

“Bố đừng đi, bố đừng bỏ con!”

Khi chuyển qua bệnh viện Andre Gregoire, tình trạng của ông Bùi Tín bắt đầu xấu đi nhiều và đi vào hôn mê, tuy nhiên ông vẫn nhận ra con gái của mình ở Việt Nam.

“Tôi có gọi điện thoại về Việt Nam để cho cô con gái nói chuyện với bác. Khi mà cô ấy khóc và nói rằng:

‘Bố ơi, con là con gái bố đây, bố đừng đi, bố đừng bỏ con!’

Lúc đó cô ấy gào lên thì có vẻ như bác Bùi Tín nhận ra được vì mắt của bác lúc đó nhấp nháy và miệng của bác lúc đó cũng cứng rồi, nhưng mà phát ra được những âm thanh ‘ừ ừ’ như là ‘bố nhận ra con rồi’.

Nhà báo Bùi Tín (giữa) tại Paris, Pháp năm 2000
Nhà báo Bùi Tín (giữa) tại Paris, Pháp năm 2000 (AFP)

Và có lúc bác cũng hơi gật được đầu 1 tý, cô con gái cũng được nhìn thấy bác Bùi Tín qua điện thoại của tôi và được nhìn thấy bác lần cuối cùng cách đây 2 ngày”, theo nhà báo chuyên đưa tin về đời sống người Việt ở Pháp cho biết.

Ông Bùi Tín sinh năm 1927, có bút danh là Thành Tín, thường viết blog bày tỏ quan điểm và những phân tích về tình hình Việt Nam cho Đài Tiếng nói Hoa Kỳ VOA.

Theo Wikipedia, ông từng là Phó Tổng biên tập báo Nhân dân, Đại tá Quân đội nhân dân VN.

Ông là con của ông Bùi Bằng Đoàn, nguyên Thượng thư Bộ Hình của triều đình Huế và nguyên Chủ tịch Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Tháng 9 - 1990 ông Bùi Tín sang Pháp dự hội hàng năm của báo L'Humanité (Nhân Đạo, báo của Đảng Cộng sản Pháp), rồi quyết định xin tỵ nạn tại Pháp, với lý do là để đấu tranh cho tự do, dân chủ và nhân quyền theo cách của ông.

Tờ An ninh Thế giới từng dẫn lại một câu chuyện cho rằng từng xảy ra ở Pháp tại cuộc triển lãm Mùa xuân Việt Nam, Đại diện sứ quán Việt Nam khẳng định: “ông Bùi Tín là kẻ thù của nhân dân Việt Nam. Chúng tôi không chấp nhận sự có mặt của ông ta ở tất cả các hoạt động mang tính quốc gia giữa Pháp và Việt Nam".