Campuchia sẽ rút khỏi thỏa thuận hợp tác kinh tế 25 năm với Việt Nam và Lào, vốn là trọng tâm của những lời chỉ trích và phản đối trực tuyến gần đây từ các nhà hoạt động đối lập, Chủ tịch Thượng viện Hun Sen cho biết trên Facebook hôm 20/9.
Khu vực phát triển tam giác Campuchia-Lào-Việt Nam, hay CLV, đã được sử dụng như "một vũ khí chính trị để vu khống và tấn công chính phủ bằng cách liên tục nói dối người dân và khiến mọi người bối rối", Hun Sen viết.
"Xét đến mối quan tâm của người dân về lãnh thổ và nhu cầu rút vũ khí khỏi tay những kẻ cực đoan", chính phủ "đã quyết định rằng Campuchia sẽ kết thúc việc tham gia" vào CLV.
Thỏa thuận được ký kết vào năm 1999 nhằm mục đích khuyến khích phát triển kinh tế và thương mại giữa bốn tỉnh Đông Bắc của Campuchia và các tỉnh lân cận ở Lào và Việt Nam.
Nhưng gần đây, một số nhà hoạt động bắt đầu bày tỏ lo ngại rằng CLV có thể khiến Campuchia mất lãnh thổ hoặc quyền kiểm soát tài nguyên thiên nhiên vào tay Việt Nam.
Nhiều người Campuchia coi Việt Nam là kẻ thù lịch sử và thường đề cập đến việc mất lãnh thổ được gọi là Kampuchea Krom – một khu vực ở hạ lưu đồng bằng sông Cửu Long bao gồm phần lớn miền Nam Việt Nam ngày nay.
Tháng trước, người Campuchia sống ở hải ngoại đã tổ chức các cuộc biểu tình phản đối CLV tại Hàn Quốc, Nhật Bản, Pháp, Canada và Úc. Các cuộc biểu tình được lên kế hoạch tại Campuchia vào ngày 18 tháng 8 đã không bao giờ được tổ chức sau khi chính phủ triển khai lực lượng an ninh và bắt giữ hơn 30 người.
Tuyên bố của Hun Sen vào thứ Sáu gọi các cuộc biểu tình là "một nỗ lực làm mất ổn định xã hội".
Vào thứ Sáu, Bộ trưởng Ngoại giao Sok Chenda Sophea đã thông báo cho các bộ trưởng ngoại giao Lào và Việt Nam về việc rút khỏi thỏa thuân trong một bức thư có nội dung "nhiệm vụ hợp tác đã đạt được mục tiêu".
Sáng kiến nâng cao nhận thức của công chúng
Hun Sen đã từ chức thủ tướng vào năm ngoái để nhường chỗ cho con trai mình, Hun Manet, nhưng ông vẫn giữ quyền lực với tư cách là người đứng đầu Đảng Nhân dân Campuchia cầm quyền và là chủ tịch Thượng viện.
Tuyên bố của Hun Sen cho biết ông, Thủ tướng Hun Manet và các bộ trưởng khác đã đồng ý rút. Hun Manet đã đăng lại tuyên bố của cha mình trên Facebook.
Trong bối cảnh đàn áp các cuộc biểu tình được lên kế hoạch vào tháng trước, chính phủ đã công bố một sáng kiến tài trợ cho các chuyến đi giáo dục đến biên giới cho những người Campuchia lo lắng về việc mất lãnh thổ.
Nội các của Hun Manet cũng tuyên bố thành lập Quỹ Phát triển Cơ sở hạ tầng Biên giới để chi trả cho các dự án ở các vùng biên giới xa xôi.
Chính phủ đã liệt kê tên của sáu ngân hàng mà mọi người có thể gửi tiền quyên góp, mặc dù không rõ dự án cơ sở hạ tầng nào sẽ được quỹ này tài trợ.
Tuyên bố của Hun Sen cho biết chính phủ sẽ tiếp tục phát triển bốn tỉnh đông bắc – Kratie, Stung Treng, Mondulkiri và Ratakankiri – thông qua tư cách thành viên của mình trong ASEAN, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á và trong Chiến lược hợp tác kinh tế Ayeyawady-Chao Phraya-Mekong, một tổ chức bao gồm Thái Lan, Lào, Việt Nam, Campuchia và Myanmar.
Nhà hoạt động đối lập có trụ sở tại Hàn Quốc Sor Sokhem cho biết ông hoan nghênh thông báo hôm thứ Sáu.
"Đó là những gì chúng tôi đã yêu cầu", ông nói. "Nhưng chính phủ phải thả tất cả các nhà hoạt động đã bị bắt vì CLV. Chính phủ đã phạm nhiều sai lầm như vi phạm nhân quyền".
Dịch bởi ban Tiếng Việt.
Read a version of this story in English.