Campuchia từ chối yêu cầu cấp quốc tịch cho người Việt sống ở các tỉnh Kratie, Mondulkiri, Ratanakiri và Stung Treng theo đề nghị của chính phủ Hà Nội. Truyền thông Campuchia loan tin ngày 20/8.
Trò chuyện với các phóng viên tại sân bay quốc tế Phnom Penh sau khi trở về từ Việt Nam, ông Chematng Vun, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại, Hợp tác Quốc tế, Thông tin và Truyền thông xứ chùa tháp nói rằng Hà Nội đã yêu cầu chính phủ Phnom Penh cấp quyền công dân Campuchia cho người Việt ở tại nước này nhưng chính phủ Xứ Chùa tháp đã từ chối.
Yêu cầu vừa nêu được phía Việt Nam đưa ra trong hội nghị được tổ chức tại thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh (Việt Nam) vào 2 ngày 17-18/8, đề cập đến các hội đồng quốc gia và vai trò của các quốc gia trong việc thúc đẩy và thực hiện một thỏa thuận hợp tác trong Khu vực Campuchia – Lào - Việt Nam.
Theo ông Chematng Vun, các vấn đề về lãnh thổ hoặc quốc tịch rất nhạy cảm.
Còn ông Meth Nee, một nhà phân tích chính trị Campuchia lại cho rằng nếu Việt Nam yêu cầu Campuchia cấp quốc tịch cho công dân Việt thì đó là một nỗ lực vi phạm chủ quyền của Campuchia. Còn nếu Campuchia thực hiện theo yêu cầu của Việt Nam, Campuchia sẽ mất chủ quyền. Vì vậy, quyết định từ chối của Campuchia là chính xác.
Tin cũng cho biết, ngoài vấn đề người Việt sống ở Campuchia, chính phủ 3 nước cũng đã thảo luận về các chủ đề như thương mại và đầu tư, mối quan tâm biên giới, ma túy, buôn bán gỗ bất hợp pháp.
Sáng ngày 21/8, Việt Nam và Campuchia đã ký biên bản định hướng hợp tác 28 lĩnh vực trong Kỳ họp 17 Ủy ban Hỗn hợp Việt Nam – Campuchia về hợp tác kinh tế, văn hóa, khoa học và kỹ thuật diễn ra tại Phnom Penh.
Cuộc họp được diễn ra với sự góp mặt của các quan chức cấp cao 2 nước, do Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh và Phó Thủ Tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và Hợp tác Quốc tế Prak Sokhonn đồng chủ trì.
Trong buổi làm việc, bên cạnh bàn luận về biện pháp tăng cường phát triển quan hệ hợp tác Việt Nam - Campuchia, chính phủ 2 nước cũng bàn đến tình trạng mực nước sông Mekong xuống thấp trong thời gian qua, từ đó đề ra phương pháp để tăng cường công tác kiểm tra đối với các công trình thủy điện trên dòng chính sông Mekong.
Ngoài ra, phía Campuchia cũng đánh giá cao sự giúp đỡ của chính phủ Hà Nội đối với xứ chùa tháp trong các lĩnh vực công nghệ, khoa học kỹ thuật…cũng như việc Việt Nam nâng công suất bán điện thêm 50MW, giúp Campuchia giảm bớt tình trạng thiếu điện trong mùa khô.
Hai bên cam kết sẽ phối hợp chặt chẽ trong năm 2020 khi Việt Nam là Chủ tịch luân phiên ASEAN và Ủy viên không thường trực hội đồng bảo an liên hợp quốc và Campuchia là chủ nhà Hội nghị cấp cao ASEM 13.